Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Duy Chinh - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một tình trạng rối loạn chức năng đường tiểu, bệnh nhân bị mất khả năng tự làm rỗng bàng quang khi bàng quang đã chứa đầy nước tiểu. Đây là một trong những vấn đề thường gặp phải ở sản phụ sau sinh thường, sinh có can thiệp hoặc sinh mổ. Theo tài liệu y văn, có khoảng 11-14 % phụ nữ sau khi sinh mắc phải tình trạng này.
Bệnh nhân sau sinh có biểu hiện buồn đi tiểu nhưng không thể đi được, căng tức vùng bụng dưới, thăm khám bệnh nhân có cầu bàng quang căng. Đôi khi bệnh nhân không có biểu hiện buồn đi tiểu sau sinh, vì bệnh nhân sau sinh thường đóng bỉm và còn đau vùng sàn chậu, hoặc do còn tác dụng của thuốc gây tê do vậy bệnh nhân không có cảm giác, hoặc cảm nhận việc buồn tiểu và đi tiểu.
Tình trạng bí tiểu và cầu bàng quang có thể được vô tình phát hiện khi cho sản phụ siêu âm đánh giá tình trạng sau sinh, khi đó thường bang quang đã giãn to chứa nhiều nước tiểu, có trường hợp bang quang bệnh nhân chứa đến > 2 lít nước tiểu trước khi được phát hiện và đặt sonde dẫn lưu nước tiểu.
Bí tiểu sau sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị thì thông thường không gây nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu về vận động và cảm giác cho người mẹ, đặc biệt người mẹ lại vừa trải qua quá trình sinh đẻ và có những thay đổi về cảm xúc, tâm lý. Tuy nhiên, nếu bí tiểu kèm theo giảm hay mất cảm giác buồn đi tiểu sau sinh mà không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn tới các nguy cơ dọa vỡ bàng quang, đờ bàng quang sau sinh, việc này càng làm tình trạng rối loạn tiểu tiện tăng lên.
Chúng ta cần hiểu rõ tình trạng bệnh cảnh của bí tiểu sau sinh ở sản phụ để có biện pháp phòng tránh cũng như điều trị tích cực giúp cho người mẹ tránh được những cảm giác đau tức, khó chịu và tránh được các nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
1. Nguyên nhân bí tiểu sau sinh
- Sản phụ trong quá trình chuyển dạ, nhất là các trường hợp chuyển dạ kéo dài, khi ngôi thai xuống thấp, thường là đầu thai nhi sẽ đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn, khi giãn nhiều làm mất trương lực, làm co thắt cơ cổ bàng quang.
- Một nguyên nhân nữa là ở các trường hợp trong lúc sinh phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sổ ra được dễ dàng, sau sinh phải khâu lại càng làm tầng sinh môn sưng nề khiến người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau, điều này cũng làm cho nước tiểu thoát ra ngoài khó khăn hơn.
- Ngoài ra, sau khi sinh bàng quang sản phụ kém nhạy cảm với các kích thích khi nước tiểu đầy cũng góp phần gây nên bí tiểu.
- Việc đặt thông tiểu ngắt quãng nhiều lần khi bí tiểu sau sinh gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện càng rõ hơn.
Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn cũng có thể góp phần gây nên bí tiểu sau sinh: tổn thương thần kinh chậu trong quá trình sau sinh, gây tê ngoài màng cứng làm giảm cảm giác bụng dưới, từ đó ảnh hưởng tạm thời đến cảm giác kích thích buồn đi tiểu của bàng quang.
Lâm sàng
- Biểu hiện bí tiểu sau sinh thường xuất hiện sau sinh em bé khoảng 3-4 giờ trở đi, người mẹ có cảm giác mắc đi tiểu nhưng không thể tự đi tiểu được. Thăm khám thấy bụng mềm, vùng dưới rốn ngoài khối cầu cứng, chắc phía trên là khối tử cung co hồi thì xuất hiện thêm một khối cầu khác mềm hơn đó là cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức, cảm giác căng tức và khó chịu ngày càng tăng lên nếu bệnh nhân không đi tiểu được.
- Ở một số sản phụ bị giảm cảm giác cảm nhận thành bàng quang sau sinh do một trong những nguyên nhân đã đề cập ở trên thì bệnh nhân sẽ không có cảm giác buồn đi tiểu và cũng không rõ là bản thân từ lúc sinh đến thời điểm được thăm khám đã đi tiểu chưa vì bệnh nhân đóng bỉm và giảm cảm nhận về vấn đề này. Lúc này thăm khám bụng dưới sản phụ cũng sẽ có cầu bàng quang trên xương mu nhưng sản phụ không cảm thấy khó chịu hay đau, tức. Siêu âm ổ bụng là rất cần thiết và quan trọng để đánh giá tình trạng tử cung, bàng quang và thể tích nước tiểu tại thời điểm thăm khám, từ đó có giải pháp điều trị phù hợp.
2. Điều trị bí tiểu sau sinh
- Tiến hành tập luyện đi tiểu sớm khi có nước tiểu để tạo lại phản xạ bằng cách đặt sonde tiểu lưu, tháo kẹp mỗi 4 giờ một lần, khi tháo nước tiểu, người mẹ tự rặn tiểu qua sonde, có thể kết hợp chườm ấm vùng bụng dưới, uống nhiều nước. Thời gian đặt sonde tiểu lưu kéo dài 2-4 ngày, tùy tình trạng bệnh nhân.
- Dùng thuốc hỗ trợ: dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc kháng viêm chống phù nề và chèn ép cổ bàng quang, thuốc hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường: prostigmin, xatral.
- Tập phản hồi sinh học và kích thích điện thần kinh: đây là 2 phương pháp tập luyện đi tiểu cho các trường hợp sản phụ bí tiểu sau sinh rất hiệu quả, giúp sản phụ phục hồi nhanh. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho các trường hợp bí tiểu sau sinh do nguyên nhân tổn thương thần kinh vùng chậu của sản phụ sau sinh, giảm cảm nhận, giảm trương lực thành bàng quang, phục hồi cảm giác vùng bụng dưới do tác dụng phụ của thuốc gây tê. Từ đó giúp sản phụ có cảm giác buồn tiểu trở lại, tăng cường lực cơ thành bàng quang giúp việc đi tiểu thuận lợi, dễ dàng.
Một trong những đơn vị rất có kinh nghiệm trong việc áp dụng phương pháp tập phản hồi sinh học kết hợp kích thích điện hậu môn để điều trị bí tiểu và các rối loạn tiểu tiện khác sau sinh là Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City. Rất nhiều sản phụ có rối loạn tiểu tiện đã được khám và điều trị thành công tại đây.
Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục thuộc Trung tâm Y học tái tạo, Bệnh Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City là một trong những địa chỉ uy tín trong điều trị rối loạn đại tiểu tiện bằng vật lý trị liệu.
Không chỉ sở hữu những trang thiết bị y tế hiện đại bậc nhất (phòng điều trị rối đại tiểu tiện bằng điện xung, Biofeedback, phòng đo áp lực hậu môn- trực tràng...) mà Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục còn có đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tâm huyết và yêu nghề, bao gồm:
- Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh: Trên 17 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý thuộc chuyên ngành Vật lý trị liệu/ Phục hồi chức năng, đặc biệt là bệnh lý thuộc các lĩnh vực: thần kinh, chấn thương và Nhi khoa...
- Bác sĩ Lê Thu Hương: Gần 5 năm kinh nghiệm về Chuyên ngành Phục hồi chức năng. Năm 2017, Bác sĩ Hương đạt được bằng Bác sĩ nội trú chuyên ngành Phục hồi chức năng.
- Bác sĩ Bùi Thị Hằng: 8 năm kinh nghiệm về Chuyên ngành Nhi. Năm 2013, Bác sĩ Hằng đạt được bằng Bác sĩ nội trú và Bằng Thạc sĩ chuyên ngành Nhi.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
3. Cách biện pháp cần làm sau sinh để phòng tránh bí tiểu
- Sản phụ cần vận động sớm sau sinh.
- Tích cực uống nhiều nước.
- Không nên nín, nhịn đi tiểu khi có cảm giác buồn tiểu do đau sau đẻ, động viên khuyến khích sản phụ chủ động đi tiểu với các trường hợp sinh thường có khâu tầng sinh môn.
- Tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên.
- Thường xuyên vệ sinh vùng cơ quan sinh dục ngoài sạch bằng nước rửa vệ sinh phụ khoa, giữ khô, tránh nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý giúp phục hồi sức khỏe sản phụ sau sinh.
Khi các bà mẹ thấy có bí tiểu hay các dấu hiệu bất thường sau sinh cần báo ngay cho bác sĩ/nhân viên y tế để được tư vấn và điều trị sớm, tránh những biến chứng có thể xảy ra.