Bị tiểu đường thai kỳ, nên sinh ở tuần thai nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trong trường hợp không phát hiện biến chứng, thai phụ nên sinh vào tuần thứ 38-41 tuần.

1. Yếu tố quyết định thời điểm sinh khi bị tiểu đường thai kỳ

Dựa trên kết quả thăm khám tình trạng bệnh cho sản phụ, bác Sĩ sản khoa sẽ quyết định tiểu đường thai kỳ nên sinh ở tuần bao nhiêu là tốt nhất. Trong trường hợp không phát hiện biến chứng, thai phụ nên sinh vào tuần thứ 38-41 để phòng ngừa một số rủi ro khi người bệnh tiểu đường thai kỳ sinh non ( dưới 38 tuần).

Tuy nhiên, nếu siêu âm thấy em bé đã to thì có thể tiến hành sinh trước tuần thứ 38. Một số trường hợp thai phụ bị tiểu đường thai kỳ sinh non trước tuần 37 nên trì hoãn thời điểm sinh đến khoảng tuần thứ 38-41 và cố gắng tránh phương pháp đẻ mổ.

Trong trường hợp thông qua khám lâm sàng và siêu âm nhận thấy thai nhi to, cụ thể là lớn hơn 4.2kg, thì nên được chỉ định sinh mổ. Nếu không có thể gây ra một vài rủi ro, bao gồm:

  • Em bé lớn sẽ dễ bị chấn thương, trật khớp vai
  • Thai nhi bị ngạt thở: Đường máu của sản phụ lúc đang chuyển dạ cao trên 8,3 mmol/l đồng nghĩa với việc em bé sẽ bị thiếu oxy
  • Suy tim thai do sinh thường gặp khó khăn, thời gian sinh kéo dài hoặc sản phụ bị nhiễm toan xeton

Vì thế trong quá trình chuyển dạ, các nhân viên y tế vẫn cần liên tục theo dõi tim thai và trạng thái đường máu nhằm có hướng điều chỉnh, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, đẻ chỉ huy là một phương án khác vừa hỗ trợ cho người mẹ sinh thường nhờ vào thuốc kích thích chuyển dạ được truyền vào đường sinh dưới, vừa giảm được tỷ lệ xảy ra biến chứng nghiêm trọng xuống thấp hơn.


Tiểu đường thai kỳ nên sinh ở tuần bao nhiêu tùy thuộc vào kết quả thăm khám
Tiểu đường thai kỳ nên sinh ở tuần bao nhiêu tùy thuộc vào kết quả thăm khám

2. Rủi ro hay gặp khi sản phụ bị tiểu đường thai kỳ

2.1 Suy hô hấp cấp

Nếu thai phụ không chủ động kiểm soát đường huyết tốt thì phổi thai nhi có nhiều nguy cơ chưa phát triển hoàn chỉnh. Đây là nguyên nhân khiến em bé bị suy hô hấp cấp trong vòng 1 tuần đầu tiên sau sinh. Triệu chứng của căn bệnh này phổ biến là: hô hấp nhanh trên 60 lần/phút, thở khò khè, co kéo lồng ngực và bụng, cơ thể tím tái...

Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển tiên tiến của y học hiện đại, các kết quả xét nghiệm nước ối cũng giúp nhận biết phổi em bé đã hoàn toàn trưởng thành hay chưa để hạn chế những ca tiểu đường thai kỳ sinh non.


Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh non có nguy cơ khiến trẻ bị suy hô hấp cấp
Mẹ bị tiểu đường thai kỳ sinh non có nguy cơ khiến trẻ bị suy hô hấp cấp

2.2 Hạ đường máu

Tình trạng tăng insulin máu khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị hạ đường huyết trong khoảng 48 giờ đầu sau sinh, cụ thể là dưới 1,7 mmol/l (Trong khi ở người lớn, chỉ số thấp hơn 2,8 mmol/l thì được xem như bị hạ đường máu). Dấu hiệu thường gặp ở thai nhi bị hạ đường máu là:

  • Hôn mê thay vì khóc lớn khi vừa chào đời
  • Có thể ngưng thở hoặc thở nhanh
  • Cơ thể tím tái, có dấu hiệu co giật

Cũng có trường hợp em bé bị hạ đường máu nhưng trông vẫn khỏe mạnh. Bổ sung dung dịch đường glucose qua đường uống hoặc sonde dạ dày sau khi sinh khoảng 1 giờ là biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết thường thấy. Nếu cách trên không phát huy tác dụng thì có thể cho trẻ truyền glucose qua đường tĩnh mạch.

Những rối loạn khác có thể kể đến ở em bé có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ bao gồm: hạ canxi máu, vàng da, đa hồng cầu và kém ăn. Nguyên nhân của các biến chứng này có thể là do tình trạng tăng đường huyết và insulin của thai nhi, đôi khi cũng liên quan đến giai đoạn trẻ bị thiếu oxy lúc đang trong quá trình sinh.

Tóm lại, người mẹ bị tiểu đường thai kỳ nên sinh ở tuần bao nhiêu phù thuộc vào tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Để tránh bệnh nhân tiểu đường thai kỳ sinh non hoặc những rủi ro khôn lường khác, cách tốt nhất là luôn giữ cho chỉ số đường huyết của thai phụ ở mức thích hợp. Bên cạnh đó, sản phụ cũng đừng quên khám thai định kỳ đúng lịch và tuân thủ theo lời dặn dò của các bác sĩ sản khoa nhằm duy trì thai kỳ an toàn và giúp em bé khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe