Tiêu chảy là bệnh lý tiêu hóa khá thường gặp ở mọi lứa tuổi. Đối với người trưởng thành việc tự bù nước và điện giải có thể giúp giảm thiểu mức độ nặng của bệnh, tuy nhiên đối với trẻ nhỏ bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không thể uống (do ói hoặc hôn mê). Nước dừa là một phương pháp truyền thống giúp bù nước được khuyên dùng, vậy tiêu chảy có nên uống nước dừa?
1. Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với lượng nhiều và số lần nhiều hơn so với bình thường. Các biểu hiện đặc trưng của tiêu chảy gồm:
- Phân lỏng
- Đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn
- Buồn nôn, ói mửa
- Đau đầu
- Ăn mất ngon
- Khát nước liên tục
- Sốt
- Mất nước
- Có máu trong phân
- Đi tiêu nhiều lần, tiêu són hoặc mót rặn
2. Bị tiêu chảy có nên uống nước dừa?
Đối với các dạng tiêu chảy nhẹ, việc điều trị thường chỉ là bồi hoàn đủ số lượng dịch bị mất thông qua nước uống, hoặc các dung dịch chứa điện giải. Trong đó, nước dừa là một trong những bài thuốc lâu đời để ngăn ngừa mất nước do tiêu chảy vì các nguyên nhân như:
- Nước dừa rất giàu điện giải và khoáng chất, giúp bổ sung chất khoáng mất khỏi cơ thể do tiêu chảy cũng như giảm mất nước;
- Nước dừa giúp loại bỏ các chất độc hại giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi
- Nước dừa là dung dịch đẳng trương chứa hàm lượng chất điện giải tương tự như tìm thấy trong cơ thể;
- Nước dừa có chứa axit lauric khi đi vào cơ thể chuyển đổi thành monolaurin giúp kháng các loại virus, kháng khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa;
- Nước dừa là một dạng chất lỏng vô trùng, ít calo và chất béo nhưng giàu vitamin khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Thực tế thì nước dừa chứa hàm lượng kali gấp 2 lần so với kali trong chuối giúp giúp cân bằng sức khỏe cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch.
Bệnh nhân bị tiêu chảy khi uống nước dừa cần chú ý những điều sau:
- Nên uống nước dừa mỗi 2-3 giờ/ lần, không uống khi bụng đói vì dễ gây ớn lạnh, đau bụng;
- Tuy trong nước dừa chứa đầy đủ hàm lượng kali và glucose nhưng hàm lượng natri và clorua tương đối thấp nên để đảm bảo hơn thì người bệnh nên cho thêm một lượng nhỏ muối vào nước dừa để bù đắp sự thiếu hụt này;
- Bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột có thể lựa chọn nước dừa như một phương pháp bù nước đường uống khả thi và tiết kiệm;
- Nước dừa giúp làm dịu niêm mạc dạ dày và giảm axit, phòng ngừa các biến chứng dạ dày;
- Nước dừa an toàn cho nhiều đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ em và thậm chí là người già bị tiêu chảy và mất nước.
3. Xử trí như thế nào khi bị tiêu chảy?
Nếu tình trạng tiêu chảy của bệnh nhân không phải do các bệnh lý nguy hiểm gây ra thì có thể xử trí tại nhà với một số biện pháp như sau:
- Bù nước và điện giải: Mất nước do tiêu chảy sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, vì vậy người bệnh cần được bổ sung nhiều nước và điện giải cho cơ thể thông qua nước lọc hoặc nước ép trái cây và chia đều thời gian uống trong ngày. Sử dụng dung dịch oresol là một biện pháp rất tốt để bù điện giải nhưng cần chú ý sử dụng theo đúng liều lượng trên bao bì hướng dẫn
- Bổ sung dinh dưỡng, tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo hay đầu mỡ, cay nóng, chất kích thích,...
- Bổ sung men vi sinh: Loại men này có nhiều trong sữa chua và một số loại thực phẩm khác, rất có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp hỗ trợ đường ruột phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng hơn.
Nếu tình trạng bệnh chuyển biến nặng bao gồm các bất thường như đau bụng dữ dội, phân có lẫn máu, phân đen, tiểu ít kèm khô miệng hoặc sốt trên 39 độ thì nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.