Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến trên thế giới và thường xuất hiện quanh năm, tăng cao điểm vào các tháng có mưa. Tuy nhiên, người dân trong cộng đồng vẫn còn nhiều thắc mắc về bệnh sốt xuất huyết, tập trung vào các câu hỏi như sốt xuất huyết có nguy hiểm không hoặc sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong. Bài viết hôm nay cung cấp các thông tin tổng quan giúp nâng cao kiến thức về bệnh sốt xuất huyết.
1.Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết dengue là bệnh lý do muỗi truyền phổ biến ở các vùng lãnh thổ nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sốt xuất huyết mức độ nhẹ biểu hiện trên lâm sàng bằng các triệu chứng sốt cao, nổi ban đỏ và đau nhức cơ khớp. Khi bệnh diễn tiến thành sốt xuất huyết nặng, người bệnh thường đối mặt với tình trạng chảy máu nghiêm trọng, tụt huyết áp, sốc và tử vong.
Muỗi là vector trung gian truyền bệnh khi chúng nhiễm virus dengue sau khi đốt người nhiễm bệnh và sau đó đốt người lành. Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể nhiễm virus khi tiếp xúc với máu của người đang mắc bệnh. Với cơ chế truyền bệnh này, sốt xuất huyết dễ lây lan và bùng phát thành dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt vật chủ trung gian truyền bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là virus dengue với 4 typ khác nhau, bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh sốt xuất huyết dengue xảy ra khi muỗi mang virus gây bệnh đốt hoặc tiếp xúc với máu của người mắc bệnh. Muỗi là vật trung gian gây bệnh, đóng vai trò chính trong hầu hết các trường hợp bị sốt xuất huyết.
Khi bị nhiễm một trong bốn loại virus dengue, hệ miễn dịch của cơ thể người sẽ phản ứng lại bằng cách sản xuất ra các kháng thể chống lại virus trong suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên, các kháng thể này chỉ đặc hiệu cho một loại virus cụ thể và không có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các loại virus dengue khác. Điều này đồng nghĩa với việc một người có thể bị sốt xuất huyết đến bốn lần trong đời dù đối tượng đó là người già hay trẻ nhỏ. Vì vậy, quan điểm mỗi người chỉ bị sốt xuất huyết một lần trong đời là không đúng.
Người có các đặc điểm sau là những người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue cao hơn so với dân số chung:
- Sống hoặc du lịch đến các vùng Đông Nam Á, Nam Mỹ, Caribbean
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Phụ nữ mang thai: virus gây bệnh sốt xuất huyết có thể truyền từ mẹ sang con
- Người lớn tuổi
- Tiền sử mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch
3. Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở mọi đối tượng ở các lứa tuổi khác nhau. Người bị sốt xuất huyết mức độ nhẹ biểu hiện bằng các triệu chứng như:
- Sốt cao: nhiệt độ ghi nhận được thường trên 39 độ C, sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày, có thể hạ sốt từ ngày thứ 3 hoặc 4.
- Nhức đầu nhiều, cảm giác đau nhức hai hốc mắt
- Nổi ban đỏ trên da
- Ăn không ngon miệng, buồn nôn
- Chấm xuất huyết nhỏ trên da.
Sốt xuất huyết Dengue mức độ nhẹ thường xuất hiện ở người trưởng thành với tỷ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên, một người bị sốt xuất huyết mức độ nhẹ hoàn toàn có khả năng chuyển sang sốt xuất huyết mức độ nặng. Thể bệnh này có tỷ lệ tử vong cao hơn do sốc và suy đa cơ quan, thường xuất hiện ở trẻ em. Bên cạnh những triệu chứng toàn thân đã nêu trên, người bị sốt xuất huyết mức độ nặng còn phải đối diện với các dấu chứng:
- Chảy máu ở nhiều vị trí như da, niêm mạc và cơ quan: biểu hiện bằng nhiều chấm xuất huyết trên da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu tươi, đi cầu phân đen và có mùi hôi.
- Buồn nôn và nôn mửa nhiều lần, thường trên 4 lần trong vòng 2 giờ
- Toàn thân mệt mỏi, lờ đờ
- Đau bụng ở vùng gan
Người bị sốt xuất huyết mức độ nặng cần được nhập viện theo dõi vì tỷ lệ tử vong cao nếu xuất hiện các biến chứng xuất huyết ồ ạt, sốc giảm thể tích và suy đa cơ quan. Một điều đáng lưu ý là các biến chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, khi bệnh nhân không còn sốt cao rầm rộ như những ngày đầu tiên. Giai đoạn này thường được gọi là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Nhiều trường hợp chủ quan vì quan điểm hết sốt là hết bệnh dẫn đến tử vong. Vào giai đoạn nguy hiểm, quá trình thoát mạch đưa dịch từ lòng mạch ra khoảng gian bào diễn ra tích cực khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy giảm thể tích tuần hoàn. Sốc trong sốt xuất huyết mức độ nặng xảy ra do mất nước vào khoảng gian bào và rất dễ diễn tiến xấu trong vòng vài tiếng khiến người bệnh tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây cũng là lời giải thích cho câu hỏi sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong. Ngoài ra, nguyên nhân gây tử vong ở những trường hợp sốt xuất huyết mức độ nặng còn liên quan đến tình trạng suy chức năng đa cơ quan với biểu hiện viêm gan, phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não.
4. Các phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết
Tuy đã xác định được nguyên nhân và cơ chế gây bệnh, hiện nay y khoa vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này cũng như chưa phát hiện ra vắc-xin phòng bệnh. Mục tiêu điều trị chính là kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa bệnh diễn tiến sang mức độ nặng. Nếu người bệnh nhập viện với chẩn đoán sốt xuất huyết mức độ nặng, bác sĩ có thể tiến hành điều trị bằng các phương pháp sau:
- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch để bồi phụ dịch
- Chỉ định một số thuốc giảm đau hạ sốt
- Điều chỉnh rối loạn cân bằng điện giải
- Truyền máu trong trường hợp xuất huyết ồ ạt
- Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn, trong đó có huyết áp
- Sử dụng liệu pháp oxy
Tất cả các can thiệp kể trên đều có mục đích kiểm soát và làm giảm nhẹ các triệu chứng, hỗ trợ giúp cho cơ thể tự hồi phục. Bác sĩ luôn cần theo sát người bệnh để phát hiện các biểu hiện báo hiệu mức độ nặng bời vì tốc độ tiến triển bệnh khá nhanh và tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết mức độ nặng khá cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.