Bị sỏi gan có nguy hiểm không?

Sỏi gan hay còn là sỏi mật trong gan, là những viên sỏi có kích thước to, nhỏ hoặc ở dạng sỏi bùn, xuất hiện ở đường mật trong gan, ống gan phải và ống gan trái. Vậy sỏi gan có nguy hiểm hay không? Nguyên nhân gây ra sỏi gan là gì?

1. Sỏi gan là gì?

Sỏi gan hay còn là sỏi mật trong gan, là những viên sỏi có kích thước to, nhỏ hoặc ở dạng sỏi bùn, xuất hiện trong đường mật trong gan, ống gan phải và ống gan trái. Cấu tạo của những viên sỏi này do bilirubin. Sỏi gan khá là phổ biến ở Châu Á. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc sỏi gan chiếm từ 15-30% các ca mắc sỏi đường mật.

2. Nguyên nhân gây ra sỏi gan là gì?

Sỏi gan chính là sỏi sắc tố, với thành phần chính là bilirubin, ở dạng viên và dạng bùn, thường có màu vàng xanh, tập trung thành đám hoặc rải rác ở đường mật sâu trong nhu mô gan. Sỏi gan được gây ra bởi một số nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng dịch mật: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sỏi gan. Khi người bệnh nhiễm ký sinh trùng, giun sán đường ruột, sinh vật này có thể chui lên đường mật, gây tắc nghẽn đường mật, thay đổi khả năng hòa tan bilirubin trong dịch mật và gây tích tụ bilirubin tạo thành sỏi.
  • Ứ mật trong gan ở những người có bệnh teo đường mật bẩm sinh hoặc có u đường mật trong gan.
  • Người bị bệnh tan máu, hồng cầu bị phá hủy thải ra 1 lượng lớn bilirubin, tăng nguy cơ hình thành sỏi bilirubin trong đường mật.
  • Những người béo phì, rối loạn chuyển hóa, lười vận động có thể làm giảm nhu động đường mật và dễ tích tụ dịch mật.
  • Dùng thuốc điều chỉnh mỡ máu và thuốc tránh thai kéo dài.
  • Một số nguyên nhân ít gặp hơn, liên quan đến rối loạn chức năng gan như: Xơ gan, viêm gan siêu virus A, B, C hoặc viêm gan do thuốc...

3. Các triệu chứng của sỏi gan

Dấu hiệu, triệu chứng sỏi gan thường khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào vị trí, kích thước của sỏi. Nếu như sỏi túi mật có biểu hiện triệu chứng không rõ ràng thì triệu chứng lâm sàng của sỏi gan khá đặc trưng.

Giai đoạn sớm khi sỏi nhỏ, người bệnh có thể xuất hiện một vài triệu chứng như: Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn và đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải. Những dấu hiệu này thường không rõ ràng và đôi khi khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày.

Giai đoạn sau, khi sỏi gan di chuyển, các triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ ràng hơn. Thường người bệnh sẽ gặp các biểu hiện điển hình như:

  • Cơn đau quặn sườn phải: Cơn đau xuất hiện ở vùng mạn sườn phải, cơn đau thường khởi phát đột ngột sau khi người bệnh ăn bữa ăn nhiều dầu mỡ hoặc cơn đau xuất hiện vào ban đêm khiến cho người bệnh đau không ngủ được. Cơn đau có thể lan lên vai phải và lan ra sau lưng.
  • Sốt nóng và rét run: Đây là triệu chứng xuất hiện khi người bệnh có nhiễm trùng đường mật. Người bệnh có thể sốt nhẹ, âm ỉ hoặc sốt cao 39 – 40 độ C.
  • Vàng da, vàng mắt, phân bạc màu: Những triệu chứng này gặp khi có tắc ống dẫn mật.

Ngoài ra, người bệnh có thể có biểu hiện như chán ăn, sợ mỡ, gầy sút cân đồng thời với 3 triệu chứng trên. Khi có những triệu chứng này, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Sỏi gan có nguy hiểm hay không?

Sỏi gan rất nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện và có cách điều trị sỏi gan sớm sỏi gan rất quan trọng, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm của sỏi gan gồm:

  • Viêm mủ đường mật: Là biến chứng thường gặp nhất. Viêm mủ tái phát nhiều lần gây khó khăn cho việc điều trị, nguy cơ người bệnh kháng kháng sinh sau mỗi lần điều trị ngày càng gia tăng. Khi tình trạng viêm mủ tái đi tái lại có thể gây ra xơ hóa, chít hẹp đường mật, gây áp xe gan, xơ gan mật thứ phát, thậm chí một số trường hợp có thể dẫn tới tử vong do nhiễm trùng máu và suy gan nặng.
  • Ung thư đường mật: Tỉ lệ sỏi gan gây ung thư đường mật chiếm khoảng 3.0-4.3%,, đặc biệt ở những người bệnh tái phát sỏi nhiều lần. Nguyên nhân do sỏi có thể làm tổn thương thành đường mật, kích thích các tế bào đường mật tăng sinh tế bào bất thường.
  • Tổn thương gan: Khi dịch mật bị ứ lại do sỏi mật, các sản phẩm có trong dịch mật không được đào thải ra ngoài, ứ lại làm rối loạn chức năng của gan, men gan tăng cao, làm tăng nguy cơ dẫn tới viêm gan, xơ gan và ung thư gan.

5. Cách để điều trị sỏi gan là gì?

Một số cách điều trị sỏi gan được các bác sĩ chỉ định như:

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh khi đường mật chưa bị chít hẹp, kích thước sỏi trong đường mật lớn, có thể can thiệp được. Khi sử dụng phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy được sỏi trong ống mật chủ, làm giảm áp lực trong đường mật.
  • Mổ nội soi tán sỏi mật qua da: Phương pháp này được thực hiện bằng cách tạo đường hầm qua da đến gan, sau đó bác sĩ can thiệp sẽ đưa ống nội soi vào tán sỏi, dùng dụng cụ bơm rửa hoặc dùng rọ gắp sỏi ra ngoài. Đây là phương pháp yêu cầu người thực hiện phải có trình độ kỹ thuật, tay nghề và kinh nghiệm cao, nếu không rất dễ xảy ra biến chứng dẫn tới viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng máu.
  • Mổ mở để lấy sỏi: Phương pháp này được sử dụng khi không thể thực hiện được các phương pháp ít xâm lấn khác đơn độc, có thể kết hợp các thủ thuật để đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên tùy thuộc vào thể trạng người bệnh để đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.
  • Phẫu thuật cắt bán phần gan: Bác sĩ chỉ định phương pháp này khi tất cả các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả và phù hợp với bệnh nhân nữ. Tuy nhiên, một phần lá gan bị cắt có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sản xuất dịch mật, đào thải độc tố, chuyển hóa glucose,...đối với người bệnh

Tất cả các phương pháp điều trị trên đều phải được chỉ định và thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm cao, cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị bác sĩ đã đặt ra tại các cơ sở y tế uy tín.

6. Phòng ngừa sỏi gan như thế nào?

Sỏi gan có thể gây nguy hiểm cho người bệnh khi không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, người bệnh biết cách để phòng ngừa để tránh nguy cơ tái phát sỏi sẽ hạn chế được tối đa những biến chứng do sỏi gây ra. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích, người bệnh có thể tham khảo:

  • Người bệnh nên bỏ thuốc lá, thuốc lào, tránh sử dụng rượu, bia và các chất kích thích.
  • Chế độ ăn uống: Đảm bảo ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tăng cường chất xơ, uống nhiều nước, giảm các thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol, đồ ăn chiên, rán, đóng hộp. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ăn đồ sống lạnh nên không nhiễm giun sán và ký sinh trùng từ thức ăn.
  • Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/ lần để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn do giun sán.
  • Chế độ sinh hoạt: Tăng cường luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày như đi bộ, chạy, đạp xe, yoga giúp tăng vận động đường mật, tránh ứ mật trong gan, nên tập 30-45 phút/ngày đều đặn để có một cơ thể khỏe mạnh.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về sỏi gan là gì? Người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm để tầm soát các yếu tố nguy cơ gây sỏi gan cũng như phát hiện sớm bệnh lý (nếu có) để có phương hướng điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe