Tình trạng rạn da thường xảy ra nhiều ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, hiện nay ngay cả thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì cũng có thể mắc phải tình trạng này. Điều này là do cơ thể của trẻ phát triển và tăng trưởng nhanh chóng, hoặc xuất phát từ bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ.
1. Rạn da tuổi dậy thì là gì?
Rạn da xảy ra khi các mô dưới da bị kéo căng do cơ thể phát triển hoặc tăng cân nhanh chóng.
Mặc dù da của chúng ta thường khá đàn hồi, nhưng khi bị kéo căng quá mức sẽ khiến cho quá trình sản xuất collagen bình thường bị gián đoạn. Collagen là một loại protein có khả năng giữ các mô liên kết lại với nhau. Nếu quá trình tăng trưởng diễn ra đột ngột sẽ làm cho việc sản xuất collagen không bắt kịp ở lớp hạ bì của da. Điều này dẫn đến phát triển các vết hoặc đường trông giống như sẹo ở lớp trên cùng của da, người ta thường gọi đó là vết rạn da.
Các vết rạn da có thể bắt đầu với nhiều màu khác nhau, chẳng hạn như đỏ, hồng, tím hoặc nâu, sau đó mờ dần theo thời gian và để lại một đường màu bạc mỏng hoặc có thể mờ nhạt không dễ phát hiện. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể cảm thấy có vết lõm trên da khi lướt ngón tay qua vết rạn da.
Thực chất, rạn da là một hiện tượng bình thường của tuổi dậy thì, xảy ra ở cả nam và nữ. Tuổi dậy thì thường khiến cho một người phát triển hoặc tăng cân nhanh chóng, làm xuất hiện các vết rạn da trên cơ thể. Hầu hết, các vết rạn da ở nữ giới đang dậy thì thường tập chung chủ yếu ở các bộ phận như ngực, đùi, hông và mông. Trong đó, nguy cơ rạn da ở nữ giới thường có xu hướng cao hơn so với nam giới.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến rạn da tuổi dậy thì?
Các vết rạn da có thể xuất hiện:
- Khi trẻ em gái hoặc trẻ em trai có tốc độ tăng trưởng đột ngột vào độ tuổi dậy thì.
- Mang thai
- Khi bị béo phì, khiến tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể
- Khi trẻ tập các bài tập giúp nâng cao thể chất, hoặc xây dựng cơ thể
- Trẻ sử dụng steroid cho một tình trạng sức khỏe trong một vài tuần, chẳng hạn như bị hen suyễn nặng
Đối với phụ nữ và trẻ em gái, các vết rạn da có thể xuất hiện ở trên ngực, đùi (đặc biệt là phần trên cùng của đùi), hông, bụng và mông. Ngoài ra, các bé trai cũng có thể bị rạn da ở những khu vực đó, đặc biệt nếu trẻ bị béo phì, hoặc trẻ tập nâng tạ thường xuyên để phát triển cơ bắt nhanh chóng lớn hơn.
3. Bạn có thể tránh bị rạn da hay không?
Thực tế, bạn không thể tránh khỏi bị rạn da vào tuổi dậy thì. Nhiều người có thể gặp phải vấn đề này, nhưng rất nhiều người khác lại không bị rạn da ngay cả khi họ thừa cân hoặc phát triển nhanh chóng.
Mặt khác, gen của bạn đóng một vai trò quan trọng quyết định việc bạn có bị rạn da hay không. Ngay cả khi bạn có một thân hình mảnh mai, cân đối và khỏe mạnh, thậm chí sử dụng nhiều kem dưỡng ẩm thì bạn vẫn có khả năng bị rạn da. Sở dĩ, các loại kem dưỡng ẩm không thể mang lại hiệu quả điều trị vì tình trạng rạn da xảy ra dưới lớp trên cùng của da nơi mà các loại kem không thể tiếp cận được.
4. Bị rạn da tuổi dậy thì có hết không?
Theo thời gian, các vết rạn da màu đỏ hoặc tím ban đầu sẽ biến mất dần cho đến khi chúng trở thành những đường màu bạc mờ nhạt, ít gây sự chú ý hoặc có thể không nhìn thấy được.
Thực chất, các vết rạn da sẽ không thể biến mất hoàn toàn, nhưng bạn vẫn có thể làm cho chúng ít bị chú hơn thông qua các cách sau đây:
- Hãy thử sử dụng kem che khuyết điểm phù hợp với màu da của bạn để che đi vết rạn da. Một số loại kem che khuyết điểm có khả năng che phủ rất tốt và chống nước cao. Tuy nhiên, việc sử dụng kem che khuyết điểm sẽ không phải là một giải pháp hiệu quả nếu bạn dành nhiều thời gian dưới nước.
- Mặc đồ bảo hộ chống phát ban. Những bộ quần áo tắm được thiết kế riêng biệt thường có độ che phủ cao, giúp bạn che giấu đi các vết rạn da ở mông, đùi trên và ngực một cách hiệu quả.
- Nhiều người sử dụng giường tắm nắng hoặc thuộc da không dùng ánh nắng mặt trời để che đi vết rạn da. Tuy nhiên, điều này thường không mang lại hiệu quả vì vết rạn da ít có khả năng bị mờ đi, thậm chí chúng còn trở nên rõ ràng hơn. Thêm vào đó, giường tắm nắng có hại nhiều hơn là có lợi cho sức khỏe lâu dài của làn da bạn.
Nhìn chung, bạn sẽ không thể làm cho vết rạn da biến mất hoàn toàn nếu không có sự trợ giúp của bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ sẽ sử dụng một trong nhiều phương pháp điều trị, từ phẫu thuật thực tế cho đến các kỹ thuật như mài da vi điểm và điều trị bằng tia laser, để làm giảm sự xuất hiện của các vết rạn da.
Tuy nhiên, những kỹ thuật này thường tốn nhiều chi phí và có mức độ rủi ro nhất định. Do đó, bác sĩ thường không khuyên dùng chúng cho thanh thiếu niên vì cơ thể chúng chưa thực sự phát triển toàn diện về mọi mặt nên các vết rạn da mới vẫn có thể xuất hiện, trong khi những vết rạn da hiện có có thể sẽ giảm dần theo thời gian.
5. Làm thế nào để ngăn ngừa bị rạn da tuổi dậy thì?
Để ngăn ngừa rạn da ở độ tuổi dậy thì, các bạn trẻ nên chú trọng chăm sóc cơ thể của mình thật tốt. Điều này thường bao gồm ăn uống lành mạnh, năng động, chăm sóc da và chống nắng đầy đủ.
Bạn nên thường xuyên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày. Đây không chỉ là một biện pháp giảm cân lành mạnh, giúp bạn duy trì vóc dáng cân đối, đẩy lùi bệnh tật mà nó còn giúp tăng độ đàn hồi cho da, giúp da trở nên săn chắc hơn. Nhờ đó mà hạn chế được sự xuất hiện của các vết rạn da xấu xí trên cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cyh.com, kidshealth.org