“Bị nứt răng có nguy hiểm và có tự lành không?” là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi thấy răng của mình có vết nứt mà không biết nguyên nhân từ đâu. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.
1. Nguyên nhân khiến răng bị nứt
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng bị nứt, răng nứt dọc, nứt chân răng, bị nứt răng cửa,...Dưới đây là những nguyên nhân chính:
- Nứt răng do va đập: Đây là nguyên nhân chủ yếu làm nứt dọc thân răng. Có thể bạn đã vô tình bị té ngã khiến răng bị đập vào những vật cứng. Nếu lực tác động mạnh, răng có thể sẽ bị vỡ làm đôi hoặc tách thành 2 phần riêng biệt.
- Do thói quen xấu: Những thói quen thường ngày tưởng chừng như đơn giản lại gây ra những vấn đề nghiêm trọng như nứt vỡ răng, thậm chí còn ảnh hưởng đến xương hàm. Những thói quen thường ngày bao gồm nhai đá, dùng răng để mở nắp bia, cắn càng cua, ăn đồ nóng lạnh bất thường,... sẽ làm răng bị yếu đi, lâu dần chân răng sẽ bị lão hóa trước tuổi dẫn đến vỡ chân răng và có thể là bị mất răng.
- Nguyên nhân khác: Nứt răng có thể xảy ra trong các trường hợp như nghiến răng quá nhiều vào ban đêm, điều trị tủy, men răng yếu, mắc bệnh lý sâu răng,... Khi đó, răng bị yếu nên dễ vỡ nứt hơn răng khỏe mạnh bình thường.
2. Phân loại các dạng nứt răng
Có nhiều nguyên nhân tác động khiến răng có thể bị nứt, vì vậy các vị trí và mức độ nứt cũng khác nhau:
Răng nứt dọc: là một đường nứt chạy từ mặt nhai của răng xuống đến chân răng. Đôi khi nó ở bên dưới đường viền nướu và trong chân răng. Răng bị nứt không bị tách đôi ra làm 2 phần nhưng mô mềm bên trong thường bị tổn thương.
Những đường trầy xước: Đây là những đường nứt rất nhỏ chỉ tác động bên ngoài lớp men răng. Chúng thường xuất hiện trên răng của người lớn và không gây đau. Những đường trầy xước này không cần phải điều trị.
Nứt ở đỉnh răng: Phần đỉnh này nằm trên bề mặt cắn của răng, nếu như phần đỉnh này bị tổn thương thì răng sẽ dễ bị vỡ. Bạn sẽ bị đau khi bạn cắn.
Răng bị chẻ ra: Đây thường là kết quả của việc không điều trị răng bị nứt. Răng bị chẻ ra làm 2 phần. Những khe nứt thẳng đứng dưới chân răng là những vết nứt bắt đầu từ chân răng đi lên tới bề mặt cắn.
3. Nhận biết khi răng bị nứt?
Dấu hiệu rất khó nhận ra và triệu chứng cũng đa dạng. Bạn thỉnh thoảng có thể bị đau khi nhai, đặc biệt là khi giải phóng lực cắn. Nhiệt độ có thể gây khó chịu cho răng nhất là khi lạnh. Hoặc là bạn có thể bị nhạy cảm với chất ngọt nhưng mà không hề có dấu hiệu của sâu răng. Sự sưng tấy có thể giới hạn trong một vùng nhỏ gần chiếc răng bị tổn thương.
Nếu bị đau dữ dội, hãy giảm đau nhưng bạn hãy nhớ là phải hỏi ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ khi định dùng bất kỳ dược phẩm nào.
4. Răng nứt vỡ có thể tự lành lại không?
Răng bị nứt có tự lành không? Các răng không có khả năng tự chữa lành như vết thương ở da, xương,...Vì vậy một chiếc răng bị nứt vỡ sẽ không thể lành lại như ban đầu được.
Răng nứt không tự lành lại gây ra nhiều ảnh hưởng trong quá trình sinh hoạt của bạn:
- Răng bị ê buốt kéo dài
- Răng yếu đi khi vết nứt ngày càng lớn hơn.
- Vết nứt lớn có thể làm lộ ngà và tủy gây ra đau đớn, khó chịu. Khe hở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng gây ra biến chứng nhiễm trùng răng.
Với những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể tác động đến mạch máu và xương gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy hãy điều trị kịp thời bằng những phương pháp thích hợp tại nha khoa để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn.
5. Bị nứt răng có nguy hiểm không?
Sau vấn đề răng bị nứt có tự lành không thì việc răng bị nứt gây ra những hậu quả gì cũng khiến cho nhiều người bận tâm. Nhưng đầu tiên cần nhận biết được có những dạng vết nứt nào mà có thể gặp phải:
- Răng có vết nứt dọc thân: răng bị nứt dọc từ đường cắn đến nướu, nó sẽ thường gây nên tình trạng viêm nhiễm
- Nứt ngang răng cửa: Răng thường hay bị nứt ngang thân và sau đó dẫn đến tình trạng mẻ, sứt răng
- Răng bị nứt chân: Vết nứt này không thể nhìn được bằng mắt thường vì nó xuất hiện ở dưới nướu. Chỉ có thể cảm nhận nó bằng những triệu chứng ê buốt, đau nhức khi ăn nhai
- Răng bị chẻ đôi: Đây là dạng hậu quả của việc răng bị nứt dọc theo thời gian không được điều trị làm cho vết nứt ngày càng lớn và làm răng bị vỡ đôi
- Răng có vết nứt do trám nhiều: vết nứt này thường là vết nứt dọc thân răng nhưng nó không gây nên tình trạng viêm nhiễm vì thường răng được thực hiện hàn trám đã tiến hành lấy tủy
- Khi răng bị nứt không được điều trị thì vết nứt sẽ ngày càng lớn và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
- Ê buốt kéo dài, làm cho răng yếu đi
- Ngà răng và tủy bị lộ ra ngoài làm không thể thoải mái ăn nhai
- Vi khuẩn theo vết nứt tấn công đến tủy răng gây nên tình trạng sâu răng, viêm tủy
- Vi khuẩn tấn công các dây thần kinh bên dưới chân răng gây nên tình trạng nhiễm trùng, sốt, sưng nướu, hôi miệng,...
Lúc này không nên bận tâm đến vấn đề răng bị nứt có tự lành được không mà nên tìm cách răng bị nứt nên làm gì?
6. Cách điều trị răng bị nứt
Khi thăm khám tại nha khoa, bạn sẽ được tư vấn các phương pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp răng nứt nhẹ không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và quá trình ăn nhai thì bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn chăm sóc răng miệng và không cần đến sự tác động của các biện pháp nha khoa. Nhưng bạn sẽ phải theo dõi thường xuyên tình trạng răng nứt để có thể điều trị kịp thời nếu có tiến triển nặng hơn.
Nhưng nếu vết nứt lớn gây ra đau đớn và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp với mức độ nứt vỡ, cũng như vị trí và triệu chứng răng miệng của bạn.
Hàn trám răng
Phương pháp này hàn trám lại vết nứt bằng vật liệu composite hoặc sứ với khả năng lấp đầy và khôi phục vẻ ngoài và chức năng ăn nhai của nó.
Để thực hiện hàn trám, bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng cho bạn, tạo hình chất trám và hóa hóa cứng bằng tia Laser chuyên dụng. Kỹ thuật này khá đơn giản nên quá trình khôi phục răng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Bọc răng sứ
Đây là phương pháp được áp dụng rất phổ biến trong nha khoa giúp khôi phục những chiếc răng bị nứt gãy một cách hoàn hảo.
Khi thực hiện bọc răng sứ, bác sĩ sẽ mài bớt men răng bên ngoài răng nứt để nhường chỗ cho mão răng sứ bọc bên ngoài răng thật. Răng sứ được thiết kế theo hình dạng răng thật đảm bảo tính thẩm mỹ và khả năng cảm nhận thức ăn như thật.
Trong trường hợp răng bị nứt vỡ đến tủy răng, bác sĩ sẽ phải loại bỏ tủy hư trước khi tiến hành bọc răng sứ để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng răng.
Nhổ răng
Bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng nếu răng bị hư hỏng nghiêm trọng vào đến tủy răng và các dây thần kinh. Khi đó răng không thể phục hồi được và việc nhổ răng sẽ giúp tránh được các tình trạng viêm nhiễm và không gây hại đến các răng còn lại.
Đồng thời, để ngăn ngừa biến chứng mất răng bạn nên trồng răng Implant để khôi phục thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Khi đó, vấn đề tiêu xương do mất răng cũng sẽ được ngăn chặn hoàn toàn.
7. Cách phòng tránh bị nứt răng?
Không hoàn toàn có thể tránh bị nứt răng, nhưng dưới đây là một số cách để ngăn ngừa:
- Đeo miếng bảo vệ miệng nếu như bạn bị nghiến răng khi ngủ, hay chơi thể thao
- Tránh cắn và nhai các vật cứng
- Khám nha sĩ định kỳ để theo dõi tình trạng răng của mình
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.