Bệnh nứt kẽ hậu môn uống thuốc gì là thắc mắc của nhiều người, bởi hiện tình trạng này đang là một trong những bệnh phổ biến dễ gặp ở người bị táo bón thường xuyên. Uống thuốc là một trong những phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn khi bệnh ở giai đoạn đầu. Vậy người bị nứt kẽ hậu môn uống thuốc gì?
1. Bệnh nứt kẽ hậu môn là bệnh gì?
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng lớp niêm mạc hậu môn có từ một đến nhiều vết rách nhỏ. Sau đại tiện, người bệnh thường cảm thấy đau rát hậu môn và có thể kèm theo chảy máu.
Nứt kẽ hậu môn gồm 02 giai đoạn sau:
- Cấp tính: Vết nứt nhỏ và nông, viêm nề nhẹ. Tình trạng này thường kéo dài không quá 6 tuần, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và khiến người bệnh cảm thấy đau.
- Mãn tính: Vết nứt rộng và sâu hơn, có thể kéo dài trên 6 tuần. Với nứt kẽ hậu môn mãn tính, người bệnh cảm thấy mệt mỏi vì phải chịu đựng các cơn đau thắt ở hậu môn trong thời gian dài.
Nứt kẽ hậu môn là bệnh có thể gặp ở cả phụ nữ và nam giới trong bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn ở tuổi trung niên, những người dễ bị táo bón.
2. Vì sao bị nứt kẽ hậu môn?
Vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh nứt kẽ hậu môn là gì, tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng tình trạng táo bón khiến người bệnh rặn mạnh khi đại tiện hoặc do phân quá cứng có thể khiến ống hậu môn bị tổn thương. Khi các cơ ở hậu môn bị căng do co thắt sẽ khiến lưu lượng máu bị giảm và vết nứt ở hậu môn lâu lành hơn. Nhu động ruột bị kích thích cũng khiến vết nứt bị tái phát hoặc trở nặng hơn.
Dưới đây là một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ nứt kẽ hậu môn:
- Bị táo bón, khó khăn khi đại tiện
- Áp lực vùng chậu tăng lên do mang thai hoặc sinh nở
- Mắc các bệnh về tiêu hóa như viêm ruột, bệnh Crohn, ung thư ruột
- Bị lây nhiễm qua đường tình dục hoặc da bị nhiễm trùng, mắc bệnh về da như vẩy nến
- Người bệnh đang dùng thuốc điều trị một số bệnh hoặc thuốc giảm đau nhóm opioid
- Bị chấn thương hậu môn do phẫu thuật hoặc quan hệ tình dục
3. Bị nứt kẽ hậu môn uống thuốc gì?
Nứt kẽ hậu môn cần được điều trị đúng cách và kịp thời để bệnh không tiến triển thành mãn tính. Vì vậy, khi thấy có triệu chứng đại tiện đau rát ở hậu môn kèm theo chảy máu, người bệnh nên sớm thăm khám bác sĩ hoặc cơ sở y tế.
Điều trị nứt kẽ hậu môn thường kết hợp cả nội khoa và ngoại khoa, tuy nhiên tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, nội khoa được chỉ định đối với giai đoạn đầu của bệnh nứt kẽ hậu môn, khi vết nứt còn nhỏ và nông, người bệnh chủ yếu được dùng thuốc để làm lành vết nứt kẽ hậu môn, bao gồm các loại sau:
- Thuốc làm mềm phân để điều trị nứt kẽ hậu môn bằng cách làm giảm tình trạng táo bón, đại tiện dễ dàng hơn như Bisacodyl, Duphalac, ...
- Thuốc giảm đau để làm giảm tình trạng đau rát ở hậu môn, nhất là sau khi đại tiện. Thuốc giảm đau thường có thành phần chính là Paracetamol, chẳng hạn như Anusol-Hc, Lidocain, hoặc các thuốc bôi ngoài da cũng có tác dụng giảm đau như oxit kẽm.
- Thuốc kháng sinh để làm giảm viêm, giảm nhiễm trùng, sưng đau và chảy dịch ở hậu môn) như Cefadroxil, Cefazolin, Cefixim, Cephalexin
- Thuốc điều trị nứt kẽ hậu môn giúp làm giãn tĩnh mạch, đồng thời tăng cường lưu thông máu ở hậu môn để lành vết thương như anusol-Hc, Nitroglycerin, Proctolog, Tetracycline, ...
Cùng với điều trị nứt kẽ hậu môn bằng thuốc, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, đồng thời có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học như uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, hạn chế thức ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ, để việc điều trị hiệu quả.
4. Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng ngoại khoa
Khi bệnh ở giai đoạn mãn tính, tái phát nhiều lần, vết nứt sâu và nhiều dẫn đến nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm, phương pháp ngoại khoa sẽ được chỉ định điều trị.
Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng ngoại khoa bao gồm các phương pháp sau:
- Phẫu thuật cắt mở các cơ ở bên trong hậu môn: Để làm giảm áp lực và sức căng do các vết nứt kẽ hậu môn gây ra, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt một vết nhỏ bên trong cơ vòng với chiều dài tương ứng với vết nứt. Đây là phương pháp được chỉ định chính trong điều trị nứt kẽ hậu môn.
- Phẫu thuật cắt mô: Các mô xung quanh vết nứt ở hậu môn sẽ được cắt bỏ hoàn toàn để vết thương có thể lành. Thông thường, phương pháp này được kết hợp với điều trị nứt kẽ hậu môn bằng nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt mở cơ thắt trong.
- Phẫu thuật nong hậu môn: Phẫu thuật này được tiến hành nhằm mục đích làm rộng ra hoặc nới cơ vòng ở hậu môn để ngăn không cho lỗ hậu môn bị các vết nứt làm hẹp lại. Thủ thuật này thường được chỉ định đối với nứt kẽ hậu môn mãn tính và người bệnh bị tái phát nhiều lần.
Dùng thuốc là phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn đầu, vết nứt còn nhỏ và nông. Các loại thuốc điều trị có thể là thuốc làm mềm phân, thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc giảm đau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.