Người mỡ máu cao luôn cần kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn, giảm lipid và chất béo bão hoà, đồng thời tăng cường ăn các loại hoa quả, rau xanh hoặc các loại hạt. Trong đó, lạc và chuối là những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ mà người bệnh cần cân nhắc thêm vào chế độ ăn.
1. Mỡ máu cao có nên ăn lạc không?
Người bệnh mỡ máu cao có thể sử dụng thực phẩm lạc với một lượng vừa phải để đem lại những lợi ích cho sức khoẻ sau:
- Trong lạc có axit oleic, omega 6 giúp phân hủy cholesterol thành axit mật để đào thải ra ngoài cơ thể. Từ đó giảm cholesterol xấu và triglyceride
- Vỏ lụa đỏ của lạc chứa flavonoid giúp giảm mỡ máu
- Lạc chứa axit folic giúp giảm homocystein từ đó giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch do mỡ trong máu cao
- Bệnh nhân mỡ máu chỉ có thể dùng 15-20% chất béo/ tổng năng lượng với 2/3 là acid béo không no là loại acid béo chứa trong các loại cá và hạt có dầu, trong đó có lạc.
- Đối với người bệnh mỡ máu do béo phì thì lạc giúp ích cho quá trình giảm cân nếu được đảm bảo về hàm lượng sử dụng hàng ngày. Lạc còn được cho là tiêu hoá chậm và lưu lại lâu hơn trong dạ dày nên tạo cảm giác no lâu
2. Nguyên tắc sử dụng lạc cho bệnh nhân mỡ máu cao
Một số nguyên tắc khi sử dụng lạc trong bữa ăn của bệnh nhân mỡ máu cao gồm có:
- Ăn lạc một cách chừng mực, không ăn quá 250g lạc/tuần vì lạc chứa một hàm lượng không nhỏ calo với 166 đơn vị calo trong 28,4g lạc rang khô.
- Những người có hệ tiêu hoá yếu hay bốc hỏa, phù thũng, cắt bỏ túi mật, dị ứng đậu phộng không được ăn lạc
- Không sử dụng lạc đã mốc, mối mọt hay nảy mầm để tránh ngộ độc thực phẩm
- Cố gắng giữ lại phần vỏ lụa của hạt lạc vì chứa flavonoid giúp giảm mỡ máu
- Ưu tiên cách chế biến lạc không dùng dầu mỡ, muối
Một số cách chế biến lạc cho bệnh nhân mỡ máu cao:
- Lạc luộc: Cách chế biến này giúp tránh việc nạp vào cơ thể lượng dầu mỡ từ chiên xào đồng thời giữ được lớp vỏ lụa của hạt lạc
- Lạc rang: Không nên thêm muối vào món ăn này vì người mỡ máu cao nên ăn nhạt, nên giữ lại vỏ khi ăn
- Sữa lạc: Lạc rửa sạch được ngâm nước trong 3 tiếng rồi đun sôi, xát sạch lớp vỏ lụa bên ngoài, xay nhuyễn với máy xay sinh tố với nước. Sau đó lọc bỏ lấy nước, bỏ bã đun trong 10 phút cho vào sữa khuấy đều.
- Canh lạc bí đỏ: Bí đỏ có thể giúp giảm hàm lượng cholesterol dư thừa trong cơ thể nên sự kết hợp với lạc sẽ tạo nên một món ăn tốt cho sức khỏe người bệnh mỡ máu
- Bơ đậu phộng: Thực phẩm này có thể xuất hiện trong chế độ ăn của bệnh nhân mỡ máu nhưng vì các loại bơ đậu phộng sẵn có thường chứa nhiều đường, muối và chất bảo quản. Do đó, cách tốt nhất tự làm tại nhà để kiểm soát lượng chất có trong sản phẩm
- Dùng lạc làm nguyên liệu phụ trợ: Các món nộm, salad có thể thêm lạc rang, xát vỏ, đập dập nhằm sử dụng kèm
3. Người bệnh mỡ máu cao nên ăn hoa quả gì?
Mỡ máu cao nên ăn gì? Các loại hoa quả đều chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hoá giúp giảm nồng độ cholesterol và chất béo trong máu, ngăn ngừa hình thành mảng bám trong lòng động mạch. Do đó bệnh nhân máu nhiễm mỡ nên ăn nhiều hoa quả vừa giúp cải thiện tình trạng bệnh vừa ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì. Các loại hoa quả tốt cho sức khoẻ bệnh nhân mỡ máu gồm:
- Chuối không chỉ giàu năng lượng mà còn chứa nhiều vi chất cần thiết cho cơ thể như magie, kali, đường tự nhiên tăng cường hệ miễn dịch. Các vi chất giúp giảm nguy cơ đột quỵ, tắc mạch máu não ở bệnh nhân máu nhiễm mỡ
- Trái cây họ cam chanh đều chứa hàm lượng hesperidin cao giúp giảm huyết áp hiệu quả. Ngoài ra pectin trong các loại trái cây này sẽ kết hợp với limonoid, ngăn ngừa mảng xơ vữa động mạch, làm giảm cholesterol xấu và hạ mỡ máu.
- Cà chua là một loại thực phẩm hiệu quả trong việc giảm cholesterol trong máu, hạn chế các biến chứng tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, vitamin A, B, C, K trong cà chua cũng tốt cho da và mắt
- Quả bơ chứa nhiều chất béo không bão hoà đơn không những không gây tăng mỡ máu mà còn làm giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt. Các vitamin trong trái bơ như vitamin B5, B6, vitamin E, vitamin C giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa đột quỵ và biến chứng của bệnh máu nhiễm mỡ khác.
- Đu đủ là trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng. Đây là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời giúp bệnh nhân máu nhiễm mỡ ổn định huyết áp cũng như mỡ máu.
4. Những lưu ý khác về chế độ ăn cho bệnh nhân mỡ máu cao
Một số nguyên tắc trong chế độ ăn của bệnh nhân mỡ máu cao gồm có:
- Ăn nhạt để giảm lượng muối tiêu thụ xuống dưới 5g/ngày, sử dụng hạn chế trong nấu ăn và tránh dùng thực phẩm đóng hộp
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol trong bữa ăn như trứng, não, gan, nội tạng động vật, thịt đỏ. Thay vào đó dùng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè,...
- Hạn chế đồ uống có cồn như rượu, bia,... vì các thức uống này là nguyên nhân cản trở quá trình điều trị máu nhiễm mỡ, đẩy nhanh tiến triển bệnh sang viêm gan, xơ gan
- Hạn chế thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt
- Không ăn quá muộn vào buổi tối trước khi đi ngủ dễ khiến cho lượng cholesterol nạp vào không được tiêu hoá sử dụng, khiến chúng dễ tích tụ gây xơ vữa động mạch.
Như vậy bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc: “Mỡ máu cao có nên ăn lạc không?”. Đồng thời hướng dẫn người bệnh mỡ máu các cách thêm lạc và trái cây vào chế độ ăn khoa học.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.