Ghẻ nước là bệnh ngoài da phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Mặc dù bệnh ghẻ có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, nhưng ký sinh trùng gây ra bệnh ghẻ có thể bị loại bỏ bằng các loại thuốc trị ghẻ nước. Vậy bị ghẻ nước chữa thế nào?
1. Bệnh ghẻ là gì?
Ghẻ là một loại ký sinh trùng (Sarcoptes scabiei var. Hominis) xâm nhập vào da người. Con ghẻ cái cực nhỏ đào sâu vào lớp trên của da, nơi nó sinh sống và đẻ trứng. Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh ghẻ là ngứa dữ dội và các nốt phát ban trên da giống như mụn nhọt. Ký sinh trùng ghẻ thường lây lan khi tiếp xúc trực tiếp, kéo dài, da kề da với người bị ghẻ.
Bệnh ghẻ được tìm thấy trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi chủng tộc và tầng lớp xã hội. Bệnh ghẻ có thể lây lan nhanh chóng trong điều kiện đông đúc, nơi thường xuyên tiếp xúc với cơ thể và da. Các cơ sở như viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc mở rộng và nhà tù thường là những nơi bùng phát bệnh ghẻ. Các cơ sở giữ trẻ cũng là nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh ghẻ.
2. Bao lâu khi nhiễm bệnh thì các triệu chứng của bệnh ghẻ xuất hiện?
Nếu một người chưa bao giờ bị ghẻ trước đó, các triệu chứng có thể mất từ 4 đến 8 tuần để phát triển. Người bị ghẻ có thể lây bệnh trong thời gian này, ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng. Ở người đã từng bị ghẻ, các triệu chứng thường xuất hiện sớm hơn nhiều (1-4 ngày) sau khi tiếp xúc.
3. Những dấu hiệu và triệu chứng của ghẻ nước là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ghẻ là ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm và phát ban ngứa giống như mụn nhọt (mẩn). Ngứa và phát ban có thể ảnh hưởng đến phần lớn cơ thể hoặc chỉ giới hạn ở các vị trí phổ biến như cổ tay, khuỷu tay, nách, màng giữa các ngón tay, núm vú, dương vật, eo, thắt lưng và mông. Phát ban cũng có thể bao gồm mụn nước nhỏ và vảy. Gãi có thể gây lở loét da, đôi khi những vết loét này bị nhiễm vi khuẩn.
Đôi khi có thể nhìn thấy những cái hang nhỏ trên da những thứ này là do con ghẻ cái đào hầm ngay dưới bề mặt da. Những hang này xuất hiện dưới dạng những đường nhỏ màu xám trắng hoặc màu da nổi lên và quanh co (rắn) trên bề mặt da. Vì ghẻ thường có số lượng ít (chỉ 10-15 con ghẻ mỗi người), nên những hang này có thể khó tìm. Chúng được tìm thấy thường xuyên nhất ở màng giữa các ngón tay, ở nếp gấp da trên cổ tay, khuỷu tay hoặc đầu gối và trên dương vật, vú hoặc bả vai.
4. Bệnh ghẻ lây nhiễm như thế nào?
Bệnh ghẻ thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, kéo dài, da kề da với người bị ghẻ. Bệnh ghẻ lây lan dễ dàng cho bạn tình và các thành viên trong gia đình. Ghẻ ở người lớn thường lây nhiễm qua đường tình dục. Bệnh ghẻ đôi khi lây lan gián tiếp bằng cách dùng chung các vật dụng như quần áo, khăn tắm hoặc bộ đồ giường của người bị nhiễm bệnh; tuy nhiên, sự lây lan gián tiếp như vậy có thể xảy ra dễ dàng hơn nhiều khi người bị nhiễm bệnh đã đóng vảy ghẻ.
5. Bị ghẻ nước chữa thế nào?
Các thuốc trị ghẻ nước thường được sử dụng bao gồm: Thuốc mỡ, kem và lotion trị ghẻ: Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn bạn bôi thuốc vào ban đêm khi ký sinh trùng ghẻ hoạt động mạnh nhất. Một số loại thuốc trị ghẻ nước phổ biến bao gồm:
- Kem permethrin
- Lotion benzyl benzoate
- Thuốc mỡ lưu huỳnh
- Kem crotamiton
Thuốc điều trị triệu chứng ngứa do ghẻ: Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc bổ sung để giúp giảm bớt một số triệu chứng khó chịu liên quan đến bệnh ghẻ. Những loại thuốc này bao gồm: thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc kem pramoxine để giúp kiểm soát ngứa, thuốc kháng sinh để tiêu diệt bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào phát triển do bạn thường xuyên gãi vào da, kem steroid để giảm sưng và ngứa
Có thể cần điều trị tích cực hơn đối với bệnh ghẻ nặng hoặc lan rộng bằng thuốc uống chứa ivermectin. Tuy nhiên cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Lưu huỳnh là một thành phần được sử dụng trong một số sản phẩm trị ghẻ như xà phòng, thuốc mỡ, dầu gội đầu hoặc dung dịch bôi trị ghẻ.
Trong tuần điều trị đầu tiên, có vẻ như các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, sau tuần đầu tiên điều trị, bệnh nhân sẽ giảm bớt ngứa và sẽ khỏi hoàn toàn sau 4 tuần điều trị. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn thấy các triệu chứng vẫn không cải thiện sau 4 tuần điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.