Bệnh chàm còn được gọi là bệnh viêm ra dị ứng rất phổ biến và gây nên tình trạng mẩn đỏ, ngứa trên da. Nếu cách chăm sóc da bị chàm không tốt, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bị bệnh chàm cần có một quy trình chăm sóc da phù hợp để da trở nên đẹp hơn và tình trạng bệnh thuyên giảm.
1. Bệnh chàm ảnh hưởng đến da như thế nào?
Bệnh chàm là một bệnh viêm da dị ứng phổ biến gây ngứa, viêm và tấy đỏ. Bệnh thường ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, nhưng đối tượng thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh. Viêm da dị ứng là một bệnh mãn tính có xu hướng di truyền, đi kèm với hen suyễn.
Bệnh chàm thường bắt đầu bằng triệu chứng khô da, ngứa da và phát ban khiến cho làn da bị tấy đỏ, sưng và đau. Nếu bạn cố tình gãi khi có triệu chứng ngứa thì sẽ làm bệnh thêm trầm trọng hơn. Thậm chí, vùng phát ban có một chất lỏng trong suốt rỉ ra từ chỗ phát ban. Cuối cùng, phát ban sẽ đóng vảy lại và bắt đầu lan rộng. Vùng phát ban thường xuất hiện ở trên má, mông, trong các nếp gấp khuỷu tay và phía sau đầu gối. Nếu không chăm sóc da bị chàm cho bệnh nhân sẽ khiến cho làn da trở nên tồi tệ hơn.
XEM THÊM: Trang điểm và chăm sóc da bị mụn trứng cá
2. Cách chăm sóc da bị chàm
Mục tiêu của việc chăm sóc da cho người bị bệnh chàm đó là chữa lành da và ngăn chặn bùng phát bệnh. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc bao gồm:
- Xây dựng một thói quen chăm sóc da hằng ngày
- Tránh các nguyên nhân gây bùng phát bệnh
- Tuân thủ phác đồ điều trị triệu chứng xảy ra.
Bệnh chàm khiến da khô, khó chịu và ngứa. Theo đó, tình trạng ngứa sẽ tồi tệ hơn khi da bạn bị khô. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải giữ cho da sạch và ẩm. Tắm trước khi ngủ sẽ bổ sung nước cho làn da của bạn. Hãy dành ít nhất một thời gian ngắn khoảng 5 đến 10 phút để tắm hoặc tắm vòi hoa sen mỗi ngày bằng nước ấm, không quá nóng. Điều đó sẽ cấp ẩm cho làn da bớt khô và khó chịu. Bên cạnh đó, bạn hãy sử dụng sữa tắm, chất tẩy rửa ít các thành phần và nồng độ thấp để phòng ngừa kích ứng da. Không nên chà xát da quá mạnh mà hãy massage nhẹ nhàng để dưỡng chất thấm đều trên da và giúp loại bỏ bụi bẩn tốt hơn. Sau đó, bôi kem dưỡng ẩm giúp giữ nước trong khi bạn ngủ. Hãy lựa chọn loại dưỡng ẩm phù hợp với làn da của mình.
Người bệnh chàm nên sử dụng kem chống nắng vật lý hàng ngày. Bởi vì loại kem chống nắng này được làm từ các khoáng chất như oxit kẽm hoặc titanium dioxide có xu hướng hoạt động tốt nhất. Bạn hãy tránh xa các loại dầu nhiệt đới và kem chống nắng có mùi hương như dừa. Hãy lựa chọn và sử dụng loại kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.
Trên da người bệnh chàm xuất hiện những vết mẩn đỏ có thể sẽ khiến bạn tự ti, nhiều người đã sử dụng phấn che khuyết điểm để làm mờ. Tuy nhiên, việc sử dụng phấn trang điểm sẽ làm cho da bị kích ứng, vì da bệnh chàm rất nhạy cảm. Theo đó, bạn có thể sử dụng kem che khuyết điểm tông màu xanh lá cây sẽ che đi vết mẩn đỏ. Tiếp đến, tìm công thức dạng kem bổ sung độ ẩm, sau đó sử dụng kem che khuyết điểm có tông màu da để che đi sắc thái màu xanh lá cây.
Ngoài ra, vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cũng là việc làm rất quan trọng. Giặt quần áo thường xuyên trước khi mặc để loại bỏ các hóa chất có thể gây kích ứng da. Đồng thời, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ không có mùi thơm hoặc thuốc nhuộm và xả quần áo của bạn hai lần để loại bỏ vết xà phòng. Giữ móng tay ngắn để không làm tổn thương da khi bạn gãi.
Người bệnh chàm thường có một làn da khô và nhạy cảm. Trên da thường xuất hiện những vết mẩn đỏ, sưng tấy khiến người bệnh trở nên tự ti. Việc chăm sóc da hằng ngày sẽ giúp làn da trở nên đẹp hơn và tình trạng bệnh thuyên giảm. Vì vậy, nếu bạn còn băn khoăn về quy trình chăm sóc da khi bị bệnh chàm thì bạn hãy đến phòng khám da liễu để được tư vấn cách chăm sóc da và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com