Bệnh xơ cứng động mạch là gì? Có nguy hiểm không?

Bệnh xơ cứng động mạch là một vấn đề sức khỏe mà nhiều người gặp phải, đặc biệt khi tuổi tác càng cao. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về xơ cứng động mạch một cách dễ hiểu, từ nguyên nhân đến cách nó ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta. Hiểu rõ hơn về tình trạng này để duy trì hệ thống động mạch một cách khỏe mạnh.

1. Bệnh xơ cứng động mạch là gì?

Xơ cứng động mạch là tình trạng động mạch bị nhiễm xơ vữa, thành động mạch trở nên dày cứng hoặc kém linh hoạt. Động mạch là các mạch máu cung cấp máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Mảng xơ vữa bám ở thành mạch máu sẽ cản trở lưu lượng máu và làm gián đoạn hoạt động của hệ tuần hoàn.

Tình trạng xơ cứng là một quá trình được hình thành trong nhiều năm. Đây là một loại bệnh lý nguy hiểm vì bệnh phát triển âm thầm. Bệnh nhân sẽ không có triệu chứng cho đến khi việc xơ vữa dẫn đến các biến chứng. Xơ vữa động mạch làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch.


Xơ cứng động mạch là một loại bệnh lý thuộc nhóm bệnh xơ vữa
Xơ cứng động mạch là một loại bệnh lý thuộc nhóm bệnh xơ vữa

Bệnh xơ cứng động mạch thường bị nhầm lẫn với xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, những từ này có định nghĩa khác nhau. Xơ cứng động mạch là tình trạng động mạch bị xơ cứng do nhiều nguyên nhân. Xơ vữa động mạch là tình trạng xơ vữa xảy ra do sự tích tụ mảng bám.

Tìm hiểu về các loại xơ cứng động mạch và các ảnh hưởng đến cơ thể là điều cần thiết đối với bệnh nhân. Có ba loại xơ cứng động mạch chính:

  • Xơ vữa động mạch: Là sự tích tụ của mảng bám (mảng xơ vữa) trong thành động mạch. Động mạch có thể bị xơ vữa: Động mạch chủ, động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch đùi, động mạch chậu và các mạch máu lớn-vừa khác
  • Xơ cứng động mạch: Trong khi xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch vừa hoặc lớn thì xơ cứng động mạch ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ - còn được gọi là tiểu động mạch. Đây là điểm kết nối giữa các động mạch lớn hơn và mao mạch. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp hoặc lưu lượng vận chuyển máu trong cơ thể.
  • Vôi hóa động mạch: Là sự tích tụ canxi ở lớp giữa của thành động mạch. Lớp giữa bị vôi hoá khiến thành động mạch cứng lại. Điều này thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi, nhưng nó có thể xảy ra sớm hơn nếu người bệnh mắc một số bệnh lý khác như bệnh thận mạn tính.

Bệnh xơ cứng động mạch có thể không gây ra triệu chứng trong thời gian dài, nhưng khi bệnh tiến triển, nó có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, cục máu đông và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm bệnh thận mãn tính, huyết áp cao, cholesterol cao, lối sống ít vận động, hút thuốc và bệnh tiểu đường.

2. Xơ cứng động mạch có nguy hiểm không?

Bệnh xơ cứng động mạch làm gián đoạn lưu lượng máu của cơ thể. Khi động mạch trở nên quá cứng, oxy và chất dinh dưỡng sẽ khó đến được các cơ quan và mô. Do đó, xơ cứng động mạch có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm:

  • Chứng phình động mạch;
  • Bệnh động mạch cảnh;
  • Bệnh động mạch vành;
  • Thiếu máu chi dưới nghiêm trọng;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Suy thận;
  • Thiếu máu cục bộ mạc treo cấp tính;
  • Bệnh động mạch ngoại biên;
  • Thuyên tắc phổi;
  • Hẹp động mạch thận;
  • Đột quỵ;
  • Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.

Bệnh xơ cứng động mạch có thể gây ra nhồi máu cơ tim cùng nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm khác
Bệnh xơ cứng động mạch có thể gây ra nhồi máu cơ tim cùng nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm khác

Nếu bệnh nhân mắc nhiều loại xơ cứng động mạch thì sự kết hợp của chúng có thể khiến những biến chứng xảy ra sớm hơn bình thường. Một số nghiên cứu cho thấy vôi hóa động mạch giữa có thể đẩy nhanh quá trình hẹp động mạch khi người bệnh cũng đang có tình trạng xơ vữa động mạch.

3. Điều trị và phòng ngừa xơ cứng động mạch

3.1. Điều trị bệnh

  • Thay đổi lối sống (như tập thể dục, ăn uống lành mạnh hoặc bỏ thuốc lá)
  • Sử dụng thuốc
  • Thực hiện các thủ thuật y tế hoặc phẫu thuật

Thực hiện lối sống lành mạnh là bước đầu tiên để điều trị xơ vữa động mạch
Thực hiện lối sống lành mạnh là bước đầu tiên để điều trị xơ vữa động mạch

3.2. Phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch

  • Tránh sử dụng tất cả các loại thuốc lá bao gồm hút thuốc lá, vape và thuốc lá nhai
  • Thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, năm ngày trở lên mỗi tuần.
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh
  • Quản lý các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro, nguy cơ bệnh xơ cứng động mạch nhưng thông qua việc duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của xơ cứng động mạch đến cuộc sống hàng ngày, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh tim mạch.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe