Bệnh xơ cứng bì có chữa được không?

Xơ cứng bì là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến da và các cơ quan khác của cơ thể. Trong đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể gây viêm và làm tổn thương, dẫn đến các vấn đề về phổi, thận, tim, đường ruột và các nội tạng khác. Chính vì vậy, bệnh xơ cứng bì có chữa được không vẫn đang là thách thức cho giới Y học.

1. Xơ cứng bì là gì?

Xơ cứng bì là một bệnh mạn tính khiến da trở nên dày và cứng, tích tụ mô sẹo và các tổn thương kèm theo tại các cơ quan nội tạng như tim và mạch máu, phổi, dạ dày và thận. Ảnh hưởng của xơ cứng bì rất khác nhau, từ mức độ nhẹ cho đến đe dọa tính mạng, tùy thuộc vào mức độ lan rộng của bệnh và bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng.

Có hai dạng xơ cứng bì chính, gồm:

  • Xơ cứng bì tại chỗ:

Dạng này thường chỉ ảnh hưởng đến da mặc dù cũng có thể lan đến các cơ, khớp và xương. Điểm khác biệt là xơ cứng bì tại chỗ không làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Các triệu chứng của xơ cứng bì tại chỗ là các mảng đổi màu trên da, các vệt hoặc dải da dày, cứng trên cánh tay và chân hay đôi khi xảy ra trên mặt và trán.

Đây là dạng bệnh nghiêm trọng nhất, có thể ảnh hưởng đến không chỉ là da, cơ, khớp, mạch máu mà cả các nội tạng như phổi, thận, tim và các cơ quan khác.

Cho đến nay, nguyên nhân của xơ cứng bì vẫn chưa được biết đến một cách rõ ràng. Giả thiết gây bệnh được chấp nhận nhiều nhất là có cùng cơ chế như các bệnh tự miễn hệ thống. Trong đó, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xuất hiện bệnh. Chính vì vậy, những người trong gia đình đã có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao hơn.


Bệnh xơ cứng bì có thể biến chứng đến tim, phổi
Bệnh xơ cứng bì có thể biến chứng đến tim, phổi

2. Bệnh xơ cứng bì có chữa được không?

Vì cơ chế bệnh sinh chưa được hiểu rõ, các phương thức điều trị xơ cứng bì đặc hiệu còn nhiều hạn chế.

Các biện pháp điều trị hiện tại có mục đích chủ yếu là làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, việc theo dõi và đánh giá điều trị còn giúp phát hiện sớm và can thiệp sớm các biến chứng liên quan đến bệnh như tăng áp phổi. Từ đó, người bệnh vẫn duy trì được chức năng các cơ quan và cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp điều trị phổ biến hiện tại bao gồm:

  • Thuốc cải thiện lưu thông tuần hoàn máu
  • Thuốc ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và làm chậm sự tiến triển tổn thương tế bào
  • Steroid để làm giảm phản ứng viêm trên da, khớp và cơ
  • Kem bôi giữ ẩm cho vùng da bị tổn thương, giúp duy trì tính đàn hồi và toàn vẹn của da, giảm ngứa
  • Các loại thuốc để kiểm soát triệu chứng khác như giảm đau, giảm chứng ợ nóng và hạ huyết áp

Trong quá trình điều trị, người bệnh được theo dõi thường xuyên bằng cách thăm khám và thực hiện các xét nghiệm định kỳ. Điều này vừa giúp đánh giá đáp ứng của thuốc, phát hiện sớm các tác dụng phụ liên quan với điều trị hay xuất hiện thêm biến chứng khác của bệnh.

Ngoài các biện pháp điều trị nội khoa như trên, trong trường hợp biểu hiện tổn thương da trong xơ cứng bì với mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét việc phẫu thuật nếu cần thiết. Ví dụ, các khối cứng dưới da có thể cần phải được loại bỏ nhằm ngăn ngừa hoại tử gây nhiễm trùng, các bó cơ bị thắt chặt có thể cần phải được rạch da nới lỏng. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị mới như trị liệu bằng laser và liệu pháp quang động hiện đang được thử nghiệm và đã từng bước cho thấy bằng chứng khả quan, có thể cải thiện tình trạng xơ cứng bì.


Sử dụng Steroid để giảm viêm trên da
Sử dụng Steroid để giảm viêm trên da

3. Sống thích nghi với xơ cứng bì như thế nào?

Vì có bản chất như một bệnh tự miễn, ngoài các thuốc làm giảm triệu chứng, người bệnh xơ cứng bì cần biết các liệu pháp thay đổi lối sống. Từ đó, bản thân họ cũng có thể giúp làm giảm tác động của xơ cứng bì đối với cuộc sống của chính mình.

Việc tập vật lý trị liệu thường xuyên, nhất là các bài tập kéo dãn có thể giúp giữ cho cơ bắp luôn được dẻo dai, da luôn đàn hồi và tránh co rút.

Nếu bị ảnh hưởng bởi hội chứng Raynaud, một chứng bệnh khiến mạch máu ngoại biên bị co thắt khiến vùng cơ thể bị nhợt nhạt và tím tái, người bệnh cần phải giữ ấm tay và chân, đầu, mặt mũi khi trời lạnh bằng cách đeo găng tay và vớ dày, đội nón, choàng khăn.

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Nếu có thói quen hút thuốc thì hãy ngừng hút thuốc để kiểm soát huyết áp tốt hơn và cải thiện lưu thông tuần hoàn.

Cuối cùng, các bệnh nhân xơ cứng bì sẽ có cảm giác được cảm thông, chia sẻ khi được nói chuyện, sinh hoạt trong các hội, nhóm, câu lạc bộ xơ cứng bì. Họ sẽ trao đổi kinh nghiệm và học hỏi được lẫn nhau các cách thức cải thiện cuộc sống riêng của những người bị ảnh hưởng bởi xơ cứng bì.

Tóm lại, hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho xơ cứng bì. Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị sẵn có đang cải thiện triệu chứng đáng kể cho các bệnh nhân xơ cứng bì. Thậm chí, một số người mắc bệnh thể nhẹ có thể không cần dùng thuốc và ngừng điều trị hẳn khi xơ cứng bì không còn hoạt động. Điều quan trọng là phát hiện sớm và điều trị đúng cách, hạn chế được tổn thương và duy trì chất lượng cuộc sống.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe