Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Bệnh vôi hóa phổi có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người bởi vôi hóa phổi là bệnh lý ở phổi khá phổ biến, đặc biệt ở những bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá nhiều. Trang bị những kiến thức về căn bệnh này là việc làm hết sức thiết thực.
1. Vôi hóa phổi là bệnh gì?
Vôi hóa phổi là tình trạng trong phổi xuất hiện các nốt vôi hóa có hình tròn hoặc cũng có thể là hình elip. Đây là bệnh khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng. Đến khi phát hiện thì có thể bệnh đã nghiêm trọng.
Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị vôi hóa phổi:
- Mắc các bệnh phổi mãn tính như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản, ...
- Thường xuyên tiếp xúc và làm việc trong môi trường nhiều hóa chất công nghiệp độc hại như amiăng, ...
- Bị nhiễm virus, vi khuẩn, nấm ở phổi gây ra sẹo phổi và tạo điều kiện thuận lợi để tích tụ canxi.
- Dư thừa vitamin D, hoặc tăng nồng độ vitamin D dẫn đến tích tụ canxi ở phổi.
2. Bệnh vôi hóa phổi có nguy hiểm không?
Triệu chứng vôi hóa phổi là không rõ ràng, do đó bệnh khó được phát hiện. Một số dấu hiệu cho thấy phổi bị vôi hóa cũng tương tự như các bệnh lý ở phổi khác như:
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Ho khan
- Sụt cân không rõ lý do
Các nốt vôi hóa ở phổi có thể là biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn đó có phải ung thư hay không, người bệnh cần được theo dõi và thực hiện một số xét nghiệm. Chụp CT để theo dõi sự phát triển của các nốt vôi hóa sẽ cho biết kết quả. Nếu các nốt vôi hóa phổi không phát triển trong khoảng 2 năm, hoặc có thể nhỏ đi, thì đó không phải là ung thư phổi. Ngược lại, nếu chụp CT phổi cho thấy các nốt vôi hóa có sự phát triển về mặt kích thước, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện thêm sinh thiết để xác định đó có phải là ung thư phổi hay không.
3. Trong trường hợp nào bị vôi hóa phổi cần liên hệ bác sĩ?
Bệnh vôi hóa phổi có nguy hiểm không là điều rất nhiều bệnh nhân thắc mắc. Nếu cảm thấy bất an về tình trạng của các nốt vôi hóa ở phổi, bên cạnh đó, người bệnh đã từng được chụp X-quang hoặc CT scan vùng ngực, khi nhận thấy các dấu hiệu sau, người bệnh nên liên hệ thăm khám bác sĩ:
- Bị ho nhiều hơn hoặc có thể ho ra máu.
- Bị đau tức vùng ngực, sốt, cảm giác ớn lạnh kèm theo khó thở.
- Sụt nhiều cân (> 4kg) nhưng không rõ nguyên nhân.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh vôi hóa phổi
Hầu hết các trường hợp vôi hóa phổi đa phần đều được phát hiện một cách tình cờ thông qua việc thăm khám các bệnh lý khác. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường tiến hành chụp X-quang phổi hoặc/và chụp cắt lớp vi tính - CT scan. Kết quả chụp CT scan cho thấy các nốt vôi hóa là những đốm tròn, elip mờ, màu trắng. Để xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm khác.
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị vôi hóa phổi bởi khó có thể loại bỏ các nốt vôi hóa khi canxi đã tích tụ ở phổi để phục hồi chức năng của phổi. Do đó, bệnh chủ yếu được điều trị để làm thuyên giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm khác. Trong trường hợp những nốt vôi hóa ở phổi là ung thư thì người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm, sẽ có kết quả điều trị cao hơn. Người bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc xạ trị.
Để hỗ trợ việc điều trị, người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân có hút thuốc lá, cần từ bỏ thói quen này để có thể làm giảm nguy cơ phát triển thành ung thư. Bệnh nhân bị vôi hóa phổi cần được phát hiện và điều trị kịp thời để có kết quả điều trị tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.