Viêm tuyến giáp bán cấp còn được gọi là viêm tuyến giáp bán mô hạt cấp. Bệnh biểu hiện với tình trạng tuyến giáp sưng đau, mệt mỏi, có thể có sốt, sút cân... người bệnh cần được khám và chẩn đoán sớm để được điều trị kịp thời.
1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh viêm tuyến giáp bán cấp
Nguyên nhân thường gặp do virus, thường người bệnh xuất hiện biểu hiện viêm giáp bán cấp sau khi mắc nhiễm trùng đường hô hấp như cúm A, Covid, cảm lạnh thông thường, sởi, viêm tai, viêm họng... Sau khi nhiễm virus, giai đoạn đầu xảy ra với một loạt sự thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể diễn ra làm tế bào tuyến giáp bị phá hủy, giải phóng ồ ạt hoocmon giáp vào máu gây ra biểu hiện nhiễm độc giáp, sau đó được tiếp nối với pha suy giáp với sự phá hủy các tế bào nang giáp với các tế bào viêm mạn tính và cuối cùng là pha muộn khi các phản ứng viêm được phục hồi, các tế bào nang giáp được tái tạo và chức năng tuyến giáp trở về bình thường.
2. Bạn có biết mình đang mắc bệnh viêm tuyến giáp bán cấp?
Bệnh viêm tuyến giáp bán cấp gặp ở nữ nhiều gấp 5 lần so với nam, độ tuổi tập trung cao nhất từ 20-60 tuổi. Bệnh thường xảy ra sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, tỷ lệ gặp cao vào mùa hè.
Thông thường, xuất hiện hội chứng cúm, mệt, đau đầu, đau mỏi cơ, đau khớp, đau họng, sụt cân. Sốt nhẹ 37,5 – 38oC. Dấu hiệu trong giai đoạn khởi phát thường đau người, đau họng, sốt nhẹ. Sau đó thường đột ngột hoặc từ từ xuất hiện sốt cao, đau vùng cổ.
Tuyến giáp sưng to gấp 2-3 lần bình thường và nhạy cảm khi sờ vào tuyến giáp. Đau có thể lan lên tai, ra khắp cổ, hạn chế vận động cổ, kèm theo bệnh nhân có thể khó nuốt, khó thở.
Triệu chứng nhiễm độc giáp gặp ở trên 50% bệnh nhân thường với các triệu chứng cường giáp vừa và nhẹ, nhịp tim nhanh, run tay, vã mồ hôi, sút cân.
Khi người bệnh về pha suy giáp, có thể có triệu chứng như mệt mỏi, thờ ơ, chán ăn, nhịp tim chậm, sợ lạnh, kém tâp trung, rong kinh, tăng cân...
3. Điều trị viêm tuyến giáp bán cấp
Mục tiêu điều trị viêm tuyến giáp bán cấp là giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng với các nhóm thuốc như sau:
- Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid cho trường hợp đau mức độ nhẹ, trung bình, trường hợp nặng có thể dùng corticosteroid
- Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm được dùng để giảm nhịp tim nếu bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc giáp
- Hoocmon tuyến giáp được dùng khi bệnh nhân ở pha suy giáp
Việc lựa chọn kết hợp các nhóm thuốc nào cần được đánh giá dựa vào kết quả khám lâm sàng với bác sĩ nội tiết và kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp ( FT3, FT4, TSH) cùng như triệu chứng cụ thể của bệnh nhân.
4. Chế độ sinh hoạt hàng ngày
- Ăn uống hạn chế đồ ăn giàu iode khi đang ở giai đoạn cường giáp
- Khuyến khích uống nhiều nước mỗi ngày và hạn chế đồ uống chứa cafein trong giai đoạn cường giáp
- Hạn chế vận động gắng sức với bệnh nhân nhịp tim nhanh chưa được kiểm soát
- Khi sử dụng thuốc hoocmon giáp cần chú ý tránh những tương tác với các thuốc có thành phần chứa sắt, calci , các thuốc làm giảm sự hấp thu thuốc
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có trung tâm bệnh lý tuyến giáp là nơi hội tụ đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nên có thể tư vấn, hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong quá điều trị bệnh tuyến giáp. Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám và điều trị có thể liên hệ đến bệnh viện để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.