Bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh ngoại biên ở trẻ em

Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên ở trẻ em thường xuất hiện sau khi bệnh nhân nhiễm virus Herpes, thủy đậu, quai bị, viêm gan A, B,... Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp, sặc phổi hoặc ngừng tim.

1. Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên ở trẻ em là gì?

Viêm đa rễ dây thần kinh là tình trạng viêm và mất myelin hệ thống ở dây thần kinh ngoại biên (rễ và dây thần kinh ở tủy sống và dây thần kinh sọ não). Bệnh xuất hiện sau khoảng 1 - 3 tuần của giai đoạn nhiễm virus Herpes, sởi, thủy đậu, hồng ban, quai bị, viêm gan A, B hoặc vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.

Thông thường, dây thần kinh ngoại biên được chia thành 2 loại: Một loại được bao bọc bởi bao Myelin và một loại không được bao bọc bởi bao Myelin. Trong đó, dây thần kinh ngoại biên được bao bọc bởi bao Myelin có tốc độ dẫn truyền xung thần kinh nhanh hơn so với loại còn lại.

Bình thường, khi bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, cơ thể sẽ sản sinh các kháng thể chống lại những tác nhân này. Tuy nhiên, khi bị viêm đa rễ dây thần kinh, các kháng thể của cơ thể không chống lại virus, vi khuẩn mà lại chống lại dây thần kinh có bao Myelin, khiến các bao Myelin bị tiêu hủy thành từng đoạn. Từ đó, tốc độ dẫn truyền xung thần kinh bị suy giảm đáng kể, gây ra các tổn thương thần kinh ngoại biên cấp.

Viêm đa rễ dây thần kinh được chia thành 2 loại:

  • Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính (hội chứng Guillain Barre)
  • Viêm đa rễ và dây thần kinh mãn tính.

Đây là một cấp cứu thần kinh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp, sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt hoặc có thể bị ngừng tim do tổn thương dây thần kinh chi phối tim. Dù vậy, khi qua được giai đoạn nguy hiểm, hầu hết các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn sau 6 thang - 1 năm và hiếm khi tái phát lần 2. Tuy nhiên, cũng có khoảng 10% các ca bệnh để lại di chứng về vận động hoặc cảm giác.


Sau khi mắc sởi, bệnh xuất hiện sau đó khoảng 1-3 tuần
Sau khi mắc sởi, bệnh xuất hiện sau đó khoảng 1-3 tuần

2. Thông tin tổng quan về viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính và mãn tính

2.1 Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính

Bệnh thường được phát hiện ở trẻ em trên 4 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ nam và trẻ nữ tương đương nhau.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Thường xuất hiện sau 1 - 3 tuần của giai đoạn nhiễm virus Herpes, thủy đậu, sởi, hồng ban, quai bị...
  • Xuất hiện sau tiêm chủng hoặc phẫu thuật.

Triệu chứng

  • 50% các trường hợp bị rối loạn cảm giác đau, dị cảm ở các chi, yếu các nhóm cơ
  • Đột ngột liệt 2 chi dưới, liệt có tính chất đối xứng, liệt ngọn chi nhiều hơn gốc chi, có trường hợp liệt đồng đều. Liệt có thể lan lên 2 chi trên, liệt các dây thần kinh sọ não IX, X, XI,...
  • 10% liệt mềm tiến triển nặng, liệt cơ hô hấp, cần hỗ trợ hô hấp
  • Khó nuốt, khó thở, rối loạn tuần hoàn, loạn nhịp tim, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp.

Đánh giá mức độ liệt

  • Độ 0: chức năng vận động bình thường
  • Độ 1: Triệu chứng tổn thương tối thiểu
  • Độ 2 - 3: Đi lại yếu, vận động yếu, cần có sự giúp đỡ
  • Độ 4: Liệt, nằm hoặc ngồi tại chỗ
  • Độ 5: Liệt vận động, liệt cơ hô hấp cần hô hấp hỗ trợ
  • Độ 6: Tử vong

Tiến triển bệnh

Bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính diễn biến qua 3 giai đoạn căn cứ vào tổn thương vận động

  • Giai đoạn cấp: Kéo dài trong khoảng 2 - 15 ngày từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi liệt tối đa
  • Giai đoạn tiếp diễn: Kéo dài 7 - 15 ngày từ khi liệt vận động tối đa tới khi có dấu hiệu bình phục
  • Giai đoạn bình phục

Điều trị

  • Theo dõi sát chức năng hô hấp, nếu liệt cơ hô hấp cần chuyển đến điều trị tích cực thở máy
  • Sử dụng Gamma globulin 1g/kg/ngày x 2 ngày. Tổng liều 2g/kg cân nặng cùng các vitamin nhóm B: B1, B6, B12

Sử dụng vitamin nhóm B cùng với các thuốc đặc trị
Sử dụng vitamin nhóm B cùng với các thuốc đặc trị
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ về lượng và chất cho bệnh nhi: Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, bù nước và chất điện giải
  • Xoa bóp vận động các chi nhiều lần trong ngày ở những vị trí có cảm giác đau, khuyến khích bệnh nhi cố gắng tập luyện
  • Điều trị thay plasma có hiệu quả ở người lớn.

2.2 Viêm đa rễ dây thần kinh mãn tính

Bệnh khá hiếm gặp, là bệnh tự miễn và kéo dài hàng tháng. Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh mãn tính thường gặp ở trẻ 5 - 10 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ nam và trẻ nữ tương đương nhau.

Triệu chứng

  • Rối loạn cảm giác 2 chân, đau
  • Đột nhiên yếu chân, yếu ngọn chi

Điều trị

Sử dụng Prednisolon 1-2 mg/kg/ ngày, điều trị cách ngày khi các biểu hiện lâm sàng có tiến triển tốt. Liều lượng thuốc giảm dần 0,5mg/kg cách ngày liên tục trong 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

3. Biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên, các phụ huynh nên tham khảo những gợi ý sau:

  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ vì những trẻ có sức khỏe tốt ít khi mắc phải căn bệnh này
  • Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện nên tiêm cho trẻ những loại vắc xin phòng ngừa nhiều bệnh lý khác

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất
Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất
  • Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh
  • Cho trẻ ăn đầy đủ chất đạm, đường bột, chất béo và vitamin, khoáng chất

Các bậc phụ huynh chú ý, khi trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm đa rễ dây thần kinh như đi lại khó khăn, nhức mỏi ở tay chân, không tự ngồi hoặc bước được,... cần nhanh chóng đưa trẻ tới khám tại chuyên khoa thần kinh hoặc hồi sức cấp cứu để được phát hiện và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ gây di chứng hoặc tử vong.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe