Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng .
Bệnh suy giáp xảy ra khi tuyến giáp giảm sản xuất lượng hormone tuyến giáp. Bệnh suy giáp và mãn kinh có một số triệu chứng giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn. Bên cạnh đó, suy giáp cũng phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên và đây cũng là thời điểm phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
1. Bệnh tuyến giáp có ảnh hưởng kinh nguyệt?
Nồng độ estrogen giảm đáng kể trong thời kỳ mãn kinh. Điều này gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến mãn kinh. Nồng độ estrogen cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Trong một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2011, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra vai trò của nồng độ estrogen đối với các thụ thể tuyến giáp. Các thụ thể tuyến giáp là các phân tử cho phép hormone tuyến giáp xâm nhập vào tế bào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ estrogen có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và dẫn đến rối loạn tuyến giáp. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa hai hormone này.
Suy giáp (tên tiếng Anh là hypothyroidism) có thể làm tăng hoặc làm nặng thêm các triệu chứng mãn kinh (tên tiếng Anh là menopause). Một nghiên cứu nghiên cứu được thực hiện từ năm 2007 cho thấy phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp và có triệu chứng mãn kinh nặng đã được cải thiện các triệu chứng sau khi được điều trị rối loạn tuyến giáp. Điều này cho thấy rằng, điều trị rối loạn tuyến giáp có thể giúp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh.
Suy giáp và mãn kinh cũng có nhiều triệu chứng chồng chéo nhau. Nếu có cả hai bệnh lý này thì có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Theo Hiệp hội các nhà lâm sàng Nội tiết Hoa Kỳ (American Association of Clinical Endocrinologists - AACE), hàng triệu phụ nữ có các triệu chứng giống như mãn kinh, ngay cả những người dùng estrogen, có thể bị bệnh tuyến giáp mà không được chẩn đoán. Trong khi các triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm, thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ thường liên quan đến mãn kinh, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi AACE cho thấy chỉ có một trong bốn phụ nữ thảo luận về thời kỳ mãn kinh và các triệu chứng của nó với bác sĩ và đồng thời được kiểm tra bệnh tuyến giáp. Tuyến giáp đóng một vai trò trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất tổng thể của cơ thể và ảnh hưởng đến tim, não, thận và hệ thống sinh sản, cùng với sức mạnh của cơ bắp và thèm ăn.
Mặc dù vấn đề mãn kinh cần được giải quyết, nhưng cũng cần nhớ rằng tỷ lệ mắc bệnh suy giáp tăng theo tuổi tác và có thể cùng tồn tại với các bệnh lý khác.
Là bệnh nhân, bạn nên chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy giáp và cho bác sĩ biết nếu bạn lo lắng về chức năng tuyến giáp của mình.
Nếu bạn là một phụ nữ đã trải qua các triệu chứng mãn kinh, đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ. Nếu bạn cảm thấy rằng các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã điều trị thích hợp, thì đó có thể là thời điểm mà bạn cần kiểm tra mức độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
2. Phân biệt triệu chứng giữa suy giáp và mãn kinh
Trung bình, mãn kinh xảy ra ở tuổi 51 đối với phụ nữ và suy giáp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các triệu chứng sau đây thường thấy ở thời kỳ mãn kinh và suy giáp:
Mãn kinh | Suy giáp |
Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm | Tăng độ nhạy cảm với lạnh |
Bất thường ở đường tiết niệu dưới, chẳng hạn như đi tiểu thường xuyên hoặc đi tiểu nhiều vào ban đêm | Nồng độ lipid trong máu cao, chẳng hạn như triglyceride và cholesterol |
Giấc ngủ bị xáo trộn | Nhịp tim chậm |
Gặp vấn đề tập trung và học tập | Trí nhớ kém |
Thay đổi năng lượng hoặc cảm giác mệt mỏi | Mệt mỏi kéo dài hoặc cảm giác mệt mỏi |
Thay đổi trọng lượng cơ thể, chẳng hạn như tăng cân đột ngột | Tăng mỡ trong cơ thể |
Teo và khô âm hộ | Yếu cơ và khớp |
Chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt | Tóc mỏng |
Thay đổi tâm trạng | Trầm cảm hoặc buồn bã |
Khàn tiếng | |
Da khô, nứt nẻ |
3. Khi nào đi khám bác sĩ?
Rối loạn tuyến giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng mãn kinh lâu dài. Một trong những biến chứng phổ biến nhất của mãn kinh là loãng xương, hoặc mất mật độ xương. Nghiên cứu chỉ ra rằng suy giáp cũng có thể làm giảm mật độ xương. Phụ nữ da trắng có lượng mỡ trong cơ thể thấp là nhóm có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất.
Một biến chứng phổ biến khác của mãn kinh là tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp cũng làm tăng nguy cơ gây rối loạn tim.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn nghi ngờ gặp vấn đề về tuyến giáp hoặc nếu bạn gặp phải các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng. Khi gặp bác sĩ, hãy chuẩn bị với các thông tin sau:
- Các triệu chứng, đặc biệt là mệt mỏi, bốc hỏa, thay đổi cân nặng và thay đổi tâm trạng;
- Mức độ nghiêm trọng và thời gian các triệu chứng và liệu chúng đã trở nên tồi tệ hơn hay không;
- Tiền sử rối loạn nội tiết trong gia đình, đặc biệt liên quan đến rối loạn tuyến giáp;
- Bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt;
- Thói quen ăn uống của bạn.
Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán xác định xem phụ nữ có đang trải qua các triệu chứng mãn kinh hay cô ấy có tuyến giáp hoạt động kém hay không.
Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng, chẳng hạn như khi các triệu chứng bắt đầu, mức độ nghiêm trọng và thời gian tồn tại của chúng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ thực hiện kiểm tra thể chất và chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán.
Cả thời kỳ mãn kinh và suy giáp đều có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu đơn giản, bằng những xét nghiệm sau đây:
- Hormon kích thích tạo nang trứng (FSH)
FSH là hormone chịu trách nhiệm cho sự trưởng thành và rụng trứng của trứng trong buồng trứng. Khi phụ nữ có tuổi, cơ thể sẽ cần nhiều FSH hơn để thực hiện chức năng này. Nồng độ FSH tăng liên tục, thường là trên 30 mIU/mL thì đã có thể chẩn đoán là thời kỳ mãn kinh.
- Hormone luteinizing (LH)
LH cũng được liên tục tăng sau khi mãn kinh. Một phụ nữ sẽ có nồng độ LH cao hơn ở thời điểm giữa của chu kỳ kinh nguyệt, đóng vai trò là yếu tố kích thích rụng trứng, vì vậy nếu chỉ một mình xét nghiệm này có kết quả tăng cao sẽ không chẩn đoán chắc chắn đó có phải là thời kỳ mãn kinh hay không.
- Hormon kích thích tuyến giáp (TSH)
Xét nghiệm mức độ TSH thường là xét nghiệm đầu tiên mà các bác sĩ sẽ làm để kiểm tra tuyến giáp hoạt động như thế nào.
Khi tuyến giáp không hoạt động chính xác, cơ thể sẽ sản xuất TSH để kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp. Mức TSH cao có thể chỉ ra suy tuyến giáp.
- T3 và T4
Đây là hai hormone chính mà tuyến giáp sản xuất. Mặc dù nồng độ hai loại hormone này không thay đổi đáng kể trong trường hợp suy giáp, nhưng các bác sĩ thực hiện xét nghiệm này để loại trừ các bệnh lý tuyến giáp khác.
- Xét nghiệm tự kháng thể tuyến giáp (Thyroid antibody testing)
Tuyến giáp chứa các protein tế bào và đôi khi cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại các protein này. Nếu điều này xảy ra, nó có thể gây ra cả bệnh suy tuyến giáp và cường giáp.
Nếu những kháng thể này có ở người có suy tuyến giáp, thì bác sĩ sẽ chẩn đoán người đó mắc viêm giáp Hashimoto (Hashimoto's thyroiditis).
Để sớm phát hiện ra các bất thường về tuyến giáp cũng như xác định thời kỳ mãn kinh đã đến hay chưa, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát thường xuyên. Điều này sẽ giúp sớm phát hiện ra các vấn đề sức khỏe, điều trị kịp thời, không những giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giúp giảm thiểu chi phí điều trị bệnh, tăng hiệu quả điều trị vì được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:
- Gói khám sức khỏe tổng quát Vip
- Gói khám sức khỏe tổng quát tiêu chuẩn
Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.
Mọi thông tin chi tiết về các gói khám sức khỏe tổng quát cũng như cách đăng ký khám, Khách hàng vui lòng liên hệ đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com, medicalnewstoday.com