Bệnh tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tràn dịch màng phổi là tình trạng lượng dịch trong khoang màng phổi nhiều hơn mức sinh lý. Lượng dịch ít, tăng có thể không gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh hay chỉ khó thở nhẹ. Tuy nhiên trường hợp tràn dịch nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

1. Tràn dịch màng phổi là gì?

Khoang màng phổi là một khoang ảo nằm giữa phổi và thành ngực (Giữa lá thành và lá tạng). Bình thường trong khoang màng phổi có một ít dịch (khoảng 10-15ml) có chức năng như hệ thống đệm giữa phổi và thành ngực, lượng dịch này gọi là dịch sinh lý trong khoang màng phổi

Tràn dịch màng phổi là tình trạng lượng dịch trong khoang màng phổi nhiều hơn mức sinh lý. Lượng dịch ít, tăng có thể không gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh hay chỉ khó thở nhẹ, tuy nhiên trường hợp tràn dịch nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Tràn dịch màng phổi có nhiều nguyên nhân gây ra và có thể tràn dịch là lành tính nhưng có không ít trường hợp tràn dịch màng phổi ác tính, tái lại nhiều lần có thể gây tử vong.

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi được chia theo phân loại

  • Tràn dịch màng phổi do dịch thấm
  • Tràn dịch màng phổi do dịch tiết

2. Triệu chứng tràn dịch màng phổi


Người bệnh đau ngực nhiều, đau âm ỉ tăng dần theo thời gian
Người bệnh đau ngực nhiều, đau âm ỉ tăng dần theo thời gian

  • Người bệnh xuất hiện khó thở, khi nằm. Mức độ khó thở tùy thuộc vào lượng dịch trong khoang màng phổi, nếu lượng dịch > 2 lít gây khó thở nhiều, lượng dịch màng phổi tăng nhanh gây khó thở cấp tính.
  • Khám lâm sàng phát hiện hội chứng 3 giảm: Rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm, gõ đục.
  • Nếu nguyên nhân do viêm phổi, viêm màng phổi: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi
    • Người bệnh thường xuất hiện kèm theo sốt vừa hay sốt cao, đau ngực, ho khan hoặc ho có đờm.
    • Chụp x-quang hay CT scan xác định có dịch tự do hay khu trú trong khoang màng phổi
    • Xác định căn nguyên gây viêm phổi bằng cách xét nghiệm đờm, xét nghiệm sinh hóa dịch màng phổi, nuôi cấy vi khuẩn...
  • Nguyên nhân do ung thư: Thường thấy ở người trung và cao tuổi. Độ tuổi thường thấy là trên 40 tuổi.
    • Thường kèm theo triệu chứng toàn thân mệt mỏi, chán ăn, gầy sút nhanh, ít khi sốt, da niêm mạc xanh, thiếu máu...
    • Người bệnh đau ngực nhiều, đau âm ỉ tăng dần theo thời gian
    • Ho khan hoặc ho ra máu
    • Chẩn đoán dựa vào X-quang, chụp CT scan, xét nghiệm sinh hóa dịch màng phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư...
  • Nếu do nguyên nhân toàn thân người bệnh thường có tiền sử bệnh toàn thân trước đó: Suy tim, suy dinh dưỡng, xơ gan..... Thường có kèm theo tràn dịch đa màng, phù chân...

3. Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi và mức độ tràn dịch. Nếu nguyên nhân do ung thư việc điều trị gặp phải nhiều khó khăn vì hường tái phát tràn dịch sau khi hút dịch màng phổi.


Tràn dịch màng phổi gây thiếu oxy nuôi dưỡng cơ thể
Tràn dịch màng phổi gây thiếu oxy nuôi dưỡng cơ thể

Tràn dịch cấp tính nếu không được xử lý kịp thời có thể gây tử vong, do chèn ép phổi, giảm khả năng hô hấp gây thiếu oxy.

Những trường hợp tràn dịch màng phổi ác tính thường tái đi tái lại nhiều lần dù đã được điều trị đúng cách.

Tràn dịch màng phổi gây ra hậu quả ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp, gây thiếu oxy nuôi dưỡng cơ thể. Có thể để lại một số di chứng như: Viêm dày màng phổi, vôi hóa màng phổi, nếu căn nguyên do lao còn gây viêm mủ màng phổi. Các di chứng này ảnh hưởng tới khả năng hô hấp của người bệnh.

Việc phát hiện sớm bệnh giúp điều trị hiệu quả cao, nên khi có các dấu hiệu như khó thở tăng dân, đau ngực... người bệnh không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở Y tế khám để chẩn đoán sớm bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe