Keto hay còn gọi là ketogenic là một chế độ dinh dưỡng giàu chất béo, vừa đủ protein và hạn chế tối thiểu carb (carbonhydrate). Được xây dựng ban đầu với mục đích hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng sống cho người động kinh. Dù là chế độ ăn giàu chất béo, keto không hẳn ảnh hưởng xấu đến bệnh tim mạch. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin phân tích chuyên sâu về ảnh hưởng của chế độ ăn Keto đối với sức khoẻ tim mạch.
1. Ảnh hưởng của chế độ ăn Keto lên bệnh tim mạch
Với đặc thù là chế độ ăn giàu chất béo, những người bệnh tim mạch hoặc quan tâm tới sức khoẻ tim mạch sẽ có những lo ngại đáng chú ý về ảnh hưởng của chế độ ăn này đến sức khoẻ của mình. Theo các chuyên gia, nếu bạn nằm trong nhóm này, về mặt cơ bản bạn vẫn có thể thử áp dụng chế độ ăn keto, tuy nhiên, cần được áp dụng bài bản đúng khoa học, dựa theo lời khuyên và dưới sự giám sát của các chuyên gia bệnh tim mạch và dinh dưỡng.
2. Lợi ích và rủi ro của Keto đối với tim mạch
Điểm yếu lớn nhất của tim là viêm. Viêm cơ tim có thể gây tổn thương lớn đến hệ thống động mạch trong tim. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây viêm là biến chứng của tình trạng tăng đường máu và chế độ ăn keto có thể giải quyết một phần vấn đề này. Là một chế độ ăn hạn chế tối đa carb, keto có những tác động tích cực đến cơ chế trao đổi chất của cơ thể, giúp cải thiện chức năng insulin, cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm lượng đường trong máu ở người tiểu đường, từ đó giảm rủi ro viêm.
3. Nghiên cứu về chế độ Keto và sức khoẻ
Nghiên cứu cho thấy rằng vai trò của việc thay đổi chế độ dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hiện tại có quá nhiều thông tin trái chiều trên truyền thông nói chung cũng như mạng xã hội nói riêng về vai trò và tác dụng thực tế của chế độ ăn keto đối với sức khỏe tim mạch, những thông tin này thường mang tính chủ quan và thiếu cơ sở khoa học để kiếm chứng. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng keto có tác dụng trong quá trình giảm cân ở người béo phì, keto cũng có thể có tác dụng trong nỗ lực giảm lượng đường trong máu cũng như giảm huyết áp, ít nhất là ngắn hạn.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến đặc điểm giàu chất béo và các sản phẩm từ động vật trong chế độ dinh dưỡng keto, đây là những chất được biết từ lâu trong khoa học là có ảnh hưởng xấu đối với bệnh tim mạch, và một chế độ ăn nghiêm ngặt như keto có thể làm cho người bệnh nạp quá nhiều những thực phẩm này hơn mức bình thường vào cơ thể. Cho nên đối với những người thuộc nhóm nguy cơ hoặc đang mắc bệnh tim mạch, cần cực kỳ thận trọng trước khi áp dụng chế độ dinh dưỡng này, lộ trình áp dụng cần tăng dần theo thời gian và tuân theo chỉ dẫn của các chuyên gia. Đối với những bệnh nhân có thể thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn trên, keto có thể là một sự lựa chọn nên được cân nhắc trong việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2022 trên 200.000 người ăn chế độ ăn low-carb cho thấy những người có chế độ ăn nhiều chất béo và đạm có nguồn gốc từ động vật có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2. Ngược lại những người có chế độ ăn tập trung vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật có ít nguy cơ mắc tiểu đường type 2 hơn.
Một nghiên cứu khác năm 2021 đánh giá vai trò của keto trong khả năng mắc các bệnh khác, kể cả tim mạch. Nghiên cứu trên cho thấy những chế độ ăn low-carb gây tăng mức LDL cholesterol (LDL-C), hay còn được gọi là cholesterol có hại, trong hơn 30% số người tham gia nghiên cứu. Cụ thể hơn, lượng LDL-C tăng lên 6.2% đối với các đối tượng thực hiện chế độ ăn low-carb, trong khi đối với nhóm đối tượng chỉ thực hiện chế độ ăn hạn chế calories, mức LDL-C giảm đến 11.1%. Tóm lại keto nâng mức cholesterol có hại lên rất nhiều, có thể đến gấp đôi trong 1 số trường hợp.
Nhưng một nghiên cứu năm 2018 trên các bệnh nhân tiểu đường type 2 cho thấy đối với những bệnh nhân ăn chế độ keto dưới sự hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia có sức khoẻ tim mạch được đánh giá cải thiện đáng kể, bao gồm giảm triglycerides, giảm huyết áp, cải thiện lipid máu và đặc biệt là giảm viêm.
Mối liên quan của tiểu đường và các bệnh về tim mạch đã được chứng minh thông qua rất nhiều nghiên cứu trên thế giới. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ cao gấp đôi so với người bình thường (CDC Hoa Kỳ).
Vì vẫn còn nhiều kết quả trái chiều từ các nghiên cứu khoa học về tác dụng của chế độ dinh dưỡng keto đến sức khoẻ tim mạch, trước khi tiếp cận và áp dụng chế độ dinh dưỡng này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ chuyên ngành để được tư vấn, định hướng và kiểm soát rủi ro tốt nhất.
Tóm lại, các bệnh tim mạch có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến huyết áp, cholesterol, đường máu, lịch sử gia đình, thói quen hút thuốc hoặc stress. Chế độ dinh dưỡng tuy quan trọng nhưng chỉ là một mảnh ghép nhỏ. Nên việc phụ thuộc hoàn toàn vào keto hoặc bất kỳ chế độ dinh dưỡng nào để phòng ngừa hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch là không đủ và không nên. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia và bác sĩ để có thể được khám và tư vấn đầy đủ nhất, việc áp dụng các chế độ dinh dưỡng này mà không có ý kiến chuyên gia là rất nguy hiểm và tìm ẩn nhiều rủi ro đến sức khoẻ tim mạch nói riêng và sức khoẻ toàn thân nói chung.