Tiểu đường là một bệnh lý hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc. Trước tình trạng này nhiều người thắc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có di truyền không và nếu có thì bệnh tiểu đường di truyền như thế nào?
1. Bệnh tiểu đường di truyền như thế nào?
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, có 2 loại:
- Tiểu đường tuýp 1: Rối loạn chuyển hóa glucose do thiếu hormone insulin.
- Tiểu đường tuýp 2: Suy giảm chức năng của hormone insulin.
Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là khác nhau. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã biết tiểu đường là bệnh có thể di truyền. Tuy nhiên, việc mắc bệnh không chỉ phụ thuộc vào gen di truyền gây bệnh mà còn tùy vào tác động của môi trường sống.
Đối với tiểu đường tuýp 1, tỉ lệ di truyền được thống kê như sau:
- Nếu cả cha và mẹ đều bị tiểu đường tuýp 1 thì tỉ lệ con cái sinh ra bị di truyền bệnh này là khoảng 30%.
- Nếu chỉ có người cha bị tiểu đường thì tỉ lệ con cái sinh ra bị di truyền bệnh này là khoảng 6%.
- Nếu chỉ có người mẹ bị tiểu đường thì tỉ lệ con cái sinh ra bị di truyền bệnh này là khoảng 4%.
2. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có di truyền không?
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, tỉ lệ di truyền bệnh tiểu đường tuýp 2 là khá cao và trong hầu hết các trường hợp đây chính là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Tỉ lệ di truyền ở bệnh tiểu đường tuýp 2 như sau:
- Nếu trước 50 tuổi cha mẹ được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 thì tỉ lệ con cái sinh ra bị bệnh này là 14%, còn sau 50 tuổi thì tỉ lệ là 7,7%.
- Nếu cả cha và mẹ đều bị tiểu đường tuýp 2 thì tỉ lệ con cái sinh ra bị di truyền bệnh này là lớn hơn 50%.
- Nếu chỉ có người cha hoặc người mẹ bị tiểu đường tuýp 2 và dưới 50 tuổi thì tỉ lệ con cái sinh ra bị di truyền bệnh này là 14% và sau 50 tuổi là 7,7%.
Mặc dù tỷ lệ di truyền ở bệnh tiểu đường tuýp 2 là cao hơn, nhưng tùy vào các yếu tố tác động từ môi trường sống bên ngoài, tỉ lệ nêu trên có thể thay đổi. Vì vậy, lời khuyên được các bác sĩ đưa ra là hãy chú ý xây dựng lối sống lành mạnh để làm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến gen và nguy cơ mắc bệnh.
3. Những gen di truyền liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2
Như vậy, qua thống kê cho thấy tỷ lệ di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 2 là cao hơn so với tuýp 1. Cho đến nay, các nghiên cứu về đột biến gen di truyền bệnh tiểu đường đã cho biết một số loại gen liên quan đến khả năng điều hòa glucose trong cơ thể, đó là:
- Gen kiểm soát điều hòa việc sản xuất insulin và glucose, điều hòa nồng độ insulin, kiểm soát độ nhạy của cơ thể với nồng độ glucose trong máu.
- Các gen khác có liên quan như thụ thể và hormone Glucagon điều hòa glucose, thụ thể Ure Sulfonylurea điều tiết insulin, gen vận chuyển Glucose 2, gen TCF7L2 ảnh hưởng đến quá trình sản xuất glucose và bài tiết insulin, ...
Như vậy, người có các gen nêu trên thì có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn, nhưng cần phải hiểu rõ ràng không phải mang gen này là bị bệnh. So với người bình thường, người mang gen đột biến sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn.
Như đã nêu ở trên, một phần nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 là do các yếu tố từ môi trường. Nếu con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị bệnh tiểu đường tuýp 2, ngoài nguyên nhân di truyền còn có thể là do lối sống bao gồm chế độ ăn và thói quen tập luyện thể dục thể thao.
4. Xét nghiệm di truyền bệnh tiểu đường tuýp 2
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, có thể tiến hành xét nghiệm di truyền đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, tuy nhiên độ chính xác chưa cao vì nguy cơ đột biến gen. Để có thể chẩn đoán bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 do di truyền, cần kết hợp thêm các yếu tố sau:
- Người bị huyết áp cao
- Tiền sử trong gia đình có người thân bị tiểu đường tuýp 2
- Chỉ số khối cơ thể (BMI)
- Tiền sử bị tiểu đường thai kỳ
- Xét nghiệm thấy nồng độ cholesterol và triglycerid máu tăng
Thực tế, việc xét nghiệm và sàng lọc di truyền bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn rất khó khăn vì không thể đánh giá chính xác sự tác động của hai yếu tố phát triển bệnh là gen di truyền và môi trường sống bên ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh nhờ vào việc thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt hàng ngày.
Cụ thể, duy trì cân nặng trong mức cho phép hoặc giảm cân, chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể dục thể thao sẽ giúp duy trì được chỉ số đường huyết, nhờ đó có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
5. Có thể phòng ngừa tiểu đường di truyền như thế nào?
Một chế độ sống lành mạnh có thể giúp cải thiện và phòng ngừa bệnh tiểu đường di truyền tiến triển, cụ thể:
- Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao, tăng cường các hoạt động thể chất, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Hạn chế ăn thức ăn nhiều tinh bột, đường, mỡ.
- Mỗi bữa ăn nên tiêu thụ trái cây, rau xanh, các loại thực phẩm giàu chất xơ nhiều hơn.
- Tránh hoặc hạn chế, từ bỏ các thói quen sử dụng chất kích thích thường xuyên như uống rượu bia, hút thuốc lá, ...
- Cố gắng duy trì cân nặng vừa phải, trong ngưỡng cho phép, tránh để cơ thể bị béo phì.
- Cố gắng không để bị căng thẳng.
- Ghi nhớ lịch khám sức khỏe hoặc thường xuyên kiểm tra theo định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Bệnh tiểu đường type 2 có di truyền và có tỉ lệ di truyền cao hơn so với tiểu đường type 1. Tuy nhiên, có thể hạn chế được tỉ lệ di truyền giữa các thế hệ và phòng ngừa bệnh tiến triển bằng cách xây dựng một lối sống, chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.