Bệnh tiểu đường tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát đường huyết tốt. Có những biến chứng cấp tính cần phải được điều trị khẩn cấp như hạ đường huyết, nhiễm toan ceton, nhưng cũng có những biến chứng lâu dài như tổn thương mắt, thận, tim, da, thần kinh và tổn thương gân.
1. Các biến chứng của tiểu đường
Người bệnh tiểu đường phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh lượng đường trong máu. Tuy nhiên, dù bạn có cẩn thận đến đâu, vẫn có khả năng xảy ra các biến chứng.
Có 2 loại biến chứng của tiểu đường mà bạn có thể gặp phải gồm:
- Biến chứng cấp tính:Các biến chứng cấp tính cần được cấp cứu như hạ đường huyết và nhiễm toan ceton. Nếu không được điều trị, những tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như:
- Co giật;
- Mất ý thức;
- Tử vong.
- Biến chứng mạn tính: Các biến chứng mãn tính xảy ra khi bệnh tiểu đường không được quản lý đúng cách, khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu không bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, theo thời gian lượng đường trong máu tăng cao có thể gây hại cho các cơ quan khác nhau, bao gồm:
- Mắt;
- Thận;
- Tim;
- Da;
- Tổn thương thần kinh;
- Tổn thương gân.
Các biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường phát triển dần dần. Thời gian bạn mắc bệnh tiểu đường càng dài và lượng đường trong máu càng ít được kiểm soát thì nguy cơ gặp phải biến chứng càng cao.
Các biến chứng của tiểu đường có thể gây tàn phế hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Các biến chứng của tiểu đường bao gồm:
- Bệnh tim mạch: Bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác nhau, bao gồm bệnh động mạch vành với đau thắt ngực, đột quỵ, đau tim và hẹp động mạch (xơ vữa động mạch). Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có nhiều khả năng bị bệnh tim hoặc đột quỵ hơn người bình thường.
- Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh): Lượng đường cao trong máu có thể làm tổn thương thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng dây thần kinh của bạn, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ngứa ran, tê, rát hoặc đau, thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan lên phía trên. Nếu không được điều trị, bạn có thể mất hết cảm giác ở các chi bị tổn thương. Ngoài ra tổn thương các dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Đối với nam giới, nó có thể dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương.
- Thận hư (bệnh thận): Mỗi quả thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ (cầu thận) lọc chất thải từ máu của bạn. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống lọc máu tinh vi này của thận. Tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận - bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục, có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.
- Tổn thương mắt (bệnh võng mạc): Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu của võng mạc gây ra bệnh võng mạc tiểu đường, tình trạng này có khả năng dẫn đến mù lòa. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng về thị lực nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
- Tổn thương chân: Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu đến chân kém làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng ở chân. Nếu không được điều trị, các vết xước và mụn nước có thể phát triển gây nhiễm trùng nghiêm trọng, thường khó lành. Tình trạng nhiễm trùng này có thể dẫn đến việc phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc chân.
- Tình trạng da: Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn dễ mắc các vấn đề về da hơn, bao gồm cả nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.
- Khiếm thính: Các vấn đề về thính giác khá phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường.
- Bệnh Alzheimer: Bệnh tiểu đường type 2 có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Kiểm soát lượng đường trong máu của bạn càng kém thì nguy cơ gặp biến chứng càng lớn. Mặc dù có những giả thuyết nói về mối liên quan giữa những rối loạn này, nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa có giả thuyết nào được chứng minh.
- Phiền muộn: Các triệu chứng trầm cảm thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến việc quản lý bệnh tiểu đường.
2. Bệnh tiểu đường làm tổn thương gân của bạn như thế nào?
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và bạn bị đau khi di chuyển, vận động, đó có thể là do gân của bạn có vấn đề. Gân giống như những sợi dây kết nối cơ bắp với xương của bạn. Mức đường huyết cao có thể đóng một vai trò trong việc hình thành các vấn đề về gân của bạn.
Gân có mặt trên khắp cơ thể của bạn, bao gồm cả ở vai, cánh tay, cổ tay, hông, đầu gối và mắt cá chân,... Chúng có tác dụng truyền lực từ cơ đến xương để bạn có thể di chuyển, vận động. Nếu bệnh tiểu đường của bạn không được kiểm soát, các gân của bạn có thể dày lên và dễ bị rách.
Tổn thương gân ở bệnh tiểu đường type 1 và type 2 xảy ra do các chất được gọi là sản phẩm cuối glycation nâng cao (AGEs) gây ra. Chúng hình thành khi protein hoặc chất béo kết hợp với đường trong máu của bạn.
Thông thường, cơ thể bạn tạo ra AGEs với tốc độ chậm và ổn định. Nhưng khi bạn bị tiểu đường, lượng đường trong máu tăng lên sẽ làm tăng tốc độ tạo ra AGEs, từ đó gây ảnh hưởng đến gân của bạn.
Gân được tạo ra từ một loại protein gọi là collagen. AGEs hình thành một liên kết với nó có thể thay đổi cấu trúc của gân và ảnh hưởng đến mức độ hoạt động của chúng. Gân có thể dày hơn bình thường và không thể giữ được nhiều trọng lượng như trước đây. Do đó, tỷ lệ bị rách một trong các gân của bạn sẽ tăng lên.
Một số vấn đề về gân mà bạn có thể mắc phải nếu không kiểm soát được bệnh tiểu đường tốt đó là:
- Vai đông cứng: Căng cứng và đau xảy ra khi một bao quanh gân và dây chằng trong khớp của bạn dày lên. Điều này làm cho vận động vai của bạn trở nên khó khăn.
- Rách dây chằng: Tổn thương gân và cơ bao quanh khớp vai, bao gồm cả cơ ức đòn chũm.
- Ngón tay lò xo: Ngón tay của bạn bị mắc kẹt ở tư thế uốn cong và duỗi thẳng ra sau một cái búng tay, giống như âm thanh của một cái bóp cò.
- Hội chứng ống cổ tay: Bạn bị tê, ngứa ran và yếu ở cổ tay do áp lực lên dây thần kinh chạy qua nó.
- Co cứng Dupuytren: Lớp mô dưới da của tay bạn sít lại khiến cho ngón tay của bạn để uốn cong về phía lòng bàn tay.
Tổn thương gân gây đau đớn và có thể cản trở khả năng cử động khớp của bạn. Ngay cả khi bạn phẫu thuật để sửa chữa tổn thương, gân vẫn có thể bị rách trở lại. Các nghiên cứu cho thấy rằng hơn một phần ba số người bị bệnh tiểu đường được phẫu thuật để điều trị tình trạng gân bị rách sẽ gặp lại vấn đề đó.
3. Tổn thương gân do bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của bạn?
Tập thể dục là một trong những biện pháp quan trọng để giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, nhưng bạn có thể thấy khó tập luyện hơn khi gân bị đau và cứng.
Tổn thương gân Achilles ở phía sau gót chân của bạn có thể ảnh hưởng đến mức độ di chuyển mắt cá chân của bạn. Chuyển động hạn chế này buộc bạn phải tạo thêm áp lực lên giữa bàn chân trong mỗi bước đi, điều này làm tăng nguy cơ bị lở loét bàn chân.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những cách để đảm bảo lượng đường trong máu của bạn ở mức bình thường trong khi bạn phục hồi sau các vấn đề về gân.
4. Cách ngăn ngừa và điều trị tổn thương gân do bệnh tiểu đường
Cách tốt nhất để tránh các vấn đề về gân là kiểm soát bệnh tiểu đường. Giảm lượng đường trong máu của bạn với sự kết hợp của chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc. Nếu bạn thừa cân, hãy cố gắng giảm một vài cân, nó sẽ cải thiện sức khỏe của bạn và đồng thời giảm áp lực lên gân cốt.
Nếu bạn đã bị tổn thương gân, hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị như sau:
- Thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen;
- Thuốc giãn cơ;
- Vật lý trị liệu và tập thể dục;
- Phương pháp điều trị bằng nhiệt;
- Một thanh nẹp để giữ cho khớp của bạn ổn định trong khi gân của bạn lành lại.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị tiêm steroid vào khớp để giảm các vấn đề về gân. Hãy nhớ rằng steroid có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến trong thời gian ngắn. Hỏi bác sĩ xem liệu lợi ích của phương pháp điều trị này có lớn hơn những rủi ro nó gây ra không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, healthline.com