Biến chứng bệnh tiểu đường gây kiệt quệ sức khỏe là một vấn đề rất phổ biến, khiến người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống và công việc. Thực hiện một số cách giúp xoa dịu sự suy kiệt vì tiểu đường sẽ giúp người bệnh cải thiện đời sống hàng ngày và hỗ trợ điều trị bệnh.
1. Thế nào là suy kiệt vì tiểu đường?
Theo một bài báo năm 2019 từ Tạp chí Điều dưỡng Hoa Kỳ, mặc dù không có định nghĩa tiêu chuẩn nào cho tình trạng suy kiệt vì tiểu đường, nhưng tình trạng này thường liên quan đến cảm giác thất vọng và kiệt sức vì ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến những nhu cầu hàng ngày.
Tuy nhiên, tình trạng suy kiệt vì tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc mà cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường của người bệnh. Trong một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra rằng, hơn 1/3 số người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 kiệt sức ảnh hưởng tiêu cực đến sự tuân thủ các kế hoạch điều trị tiểu đường của bệnh nhân.
Những người bị suy kiệt vì tiểu đường cảm thấy quá tải, mệt mỏi với việc phải sống chung với bệnh.
2. Các triệu chứng suy kiệt vì tiểu đường diễn ra như thế nào?
Shahzadi Devje, RD, một chuyên gia về bệnh tiểu đường cho biết: Xác định tình trạng suy kiệt vì tiểu đường có thể rất phức tạp vì dấu hiệu suy kiệt vì tiểu đường khác nhau giữa các người bệnh, thậm chí còn thay đổi theo giai đoạn bệnh của từng cá nhân tùy vào sự thay đổi trong cuộc sống của bệnh nhân.
Dưới đây là những triệu chứng mà người bệnh bị suy kiệt vì tiểu đường có thể gặp phải:
- Những cảm xúc tiêu cực liên quan đến suy kiệt vì tiểu đường như thất vọng, tức giận, phẫn uất, tuyệt vọng, cảm giác thất bại, thiếu động lực để tuân theo các kế hoạch điều trị, cảm giác lo lắng về sức khỏe, cô lập hoặc không ai hiểu những gì người bệnh đang trải qua sẽ dẫn đến những cảm xúc bi quan, trầm cảm,...
- Những thay đổi trong cách kiểm soát tình trạng bệnh cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy kiệt vì tiểu đường như: Giảm tần suất kiểm tra đường huyết hoặc thậm chí hoàn toàn không kiểm tra, không dùng thuốc tiểu đường theo chỉ định, bỏ qua các cuộc hẹn khám lại với bác sĩ.
- Các triệu chứng suy kiệt vì tiểu đường cũng có thể là các biểu hiện về thể chất do liên quan đến căng thẳng như thay đổi giấc ngủ, đau đầu, đau nhức cơ thể, các cơn bệnh thường xuyên hơn,...
3. Làm thế nào để xoa dịu sự suy kiệt vì tiểu đường?
Mặc dù hầu như không thể tránh khỏi hoàn toàn những ảnh hưởng của suy kiệt vì tiểu đường lên cuộc sống của người bệnh, nhưng có nhiều cách để xoa dịu tình trạng kiệt sức vì tiểu đường.
3.1 Chấp nhận và trung thực với bản thân cũng như người chăm sóc
Khi cảm thấy suy kiệt vì tiểu đường, người bệnh có thể bỏ qua cảm xúc của mình hoặc tự trách bản thân vì đã không tuân theo các kế hoạch điều trị. Tuy nhiên, bước đầu tiên trong việc quản lý chứng suy kiệt vì tiểu đường là chấp nhận sự hiện diện của nó, bao gồm cả những cảm xúc này. Viết nhật ký có thể là một công cụ hữu ích để khám phá cảm xúc của cá nhân trong một không gian không có sự phán xét.
Bên cạnh việc trung thực với bản thân, người bệnh cần trung thực với người chăm sóc để trao đổi về các triệu chứng suy kiệt mà người bệnh gặp phải.
3.2. Xác định vấn đề cụ thể để xoa dịu sự suy kiệt vì tiểu đường
Hãy tự hỏi bản thân: “Điều gì đang gây ra cảm giác căng thẳng và tại sao lại khó tập trung vào sức khỏe của mình?” Nếu vấn đề nằm ở kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường không thực tế (ví dụ như các mục tiêu tập thể dục không phù hợp với lịch trình bận rộn dẫn tới suy kiệt vì tiểu đường) hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về các giải pháp thay thế phù hợp với lối sống để không bị cảm thấy gánh nặng khi phải cố gắng tuần thủ kế hoạch điều trị.
3.3. Thử những phương pháp mới
Người bệnh suy kiệt vì tiểu đường có thể thử các phương pháp kiểm soát đường huyết mới để lấy lại cảm hứng và giảm bớt cảm giác suy kiệt, ví dụ như thay đổi thói quen tập thể dục bằng cách đi bộ trên các tuyến đường khác nhau, đăng ký các lớp thể dục trực tuyến hoặc trực tiếp, thử sức với các môn thể thao yêu thích thời thơ ấu.
3.4. Tham gia hoạt động nhóm
Một cách khác hữu ích để giải quyết tình trạng suy kiệt vì tiểu đường là tìm cách kết nối với những người khác cùng bị tiểu đường để có có cảm giác đồng cảm và chia sẻ những khó khăn, thành công trong điều trị tiểu đường của mình.
3.5. Nghỉ dưỡng và thay đổi lối sống
Những kỳ nghỉ ngắn ngày hay chỉ vài phút nghỉ ngơi tại chỗ có thể giúp người bệnh bị suy kiệt vì tiểu đường cảm thấy bớt mệt mỏi hơn, giúp phục hồi năng lượng. Bên cạnh đó, có thể tìm cách ngăn chặn biến chứng tiểu đường bằng cách đặt ra mục tiêu ưu tiên sức khỏe, hay đơn giản là vận động cơ thể trong 10 phút sau mỗi bữa ăn hoặc đi bộ nhanh trong giờ nghỉ trưa để thư giãn dù có vấn đề gì xảy ra.
Ngoài ra, đối với nhiều người, cải thiện chế độ ăn uống như làm mới thực đơn, thử các công thức nấu ăn mới thân thiện với bệnh tiểu đường cũng cho thấy hiệu quả làm xoa dịu cảm giác suy kiệt vì tiểu đường.
Căng thẳng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy kiệt vì tiểu đường. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm cách để hạn chế căng thẳng xảy ra, xoa dịu cảm giác này một cách lành mạnh khi gặp phải, tránh uống rượu hoặc không sử dụng ma túy.
3.6. Nhận sự hỗ trợ của mọi người xung quanh khi bị suy kiệt vì tiểu đường
Người bệnh có thể xoa dịu những cảm xúc tiêu cực do suy kiệt vì tiểu đường bằng cách thực sự kết nối với mọi người xung quanh, nói chuyện với những người thân yêu, nêu ra suy nghĩ, bày tỏ sự thất vọng và buồn bã, bày tỏ mong muốn được giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn để được sự đồng cảm về cảm xúc.
Đồng thời, cùng nhau vui vẻ tận hưởng những cuộc phiêu lưu tích cực với mục đích vui vẻ để yêu thương cuộc sống và tạm dừng các suy nghĩ tiêu cực có thể giúp làm giảm sự suy kiệt vì tiểu đường.
Tóm lại, suy kiệt là một biến chứng tiểu đường, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc mà cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bệnh. Do đó, thực hiện những cách để xoa dịu tình trạng kiệt sức vì tiểu đường như trên sẽ giúp người bệnh cải thiện đời sống và hỗ trợ điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, diabetes.co.uk