Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Phụ nữ mang thai khi bị tiểu đường sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt mức đường huyết thì có thể ảnh hưởng đến thai nhi và có nguy cơ để lại những biến chứng nguy hiểm như thai nhi quá lớn, dị tật bẩm sinh, rối loạn hô hấp.

1. Bệnh tiểu đường có thai được không?

Bệnh tiểu đường (còn gọi là "đái tháo đường") đa phần xảy ra khi có rối loạn liên quan đến insulin. Insulin có nhiệm vụ đưa glucose (đường) ra khỏi máu vào các tế bào sống và biến đổi chúng thành năng lượng. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng được nhu cầu insulin, nồng độ glucose tăng cao nhưng không được đưa vào tế bào mà chỉ nằm lại trong máu. Kết quả là nồng độ glucose trong máu (đường huyết) tăng lên. Theo thời gian, lượng đường trong máu tăng cao có thể gây hại cho cơ thể và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, suy giảm thị lực và suy thận. Vậy phụ nữ bị tiểu đường có thai được không?

Trên thực tế, người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai khi bị tiểu đường. Tuy nhiên, người tiểu đường có thai thường sẽ có một số rủi ro ảnh hưởng nhất định đến thai kỳ và con yêu.

2. Tiểu đường mang thai có nguy hiểm không?

Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc phải một số biến chứng liên quan đến tiểu đường. Những vấn đề sau đây có khả năng xảy ra ở những trường hợp mang thai khi bị tiểu đường:

  • Dị tật bẩm sinh
  • Tăng huyết áp
  • Đa ối: Trong tình trạng này, lượng nước ối tăng lên, nguy cơ xảy ra hiện tượng chuyển dạ sớm và sinh non.
  • Thai nhi quá lớn: Thai nhi có cân nặng cao hơn bình thường. Do trong quá trình phát triển, thai nhi nhận được quá nhiều glucose từ mẹ và phát triển quá mức. Em bé quá lớn khiến cho việc sinh nở trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ sinh mổ.

3. Tiểu đường có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Em bé sinh ra từ những bà mẹ mang thai khi bị tiểu đường có khả năng gặp các vấn đề về hô hấp, lượng glucose thấp và bị vàng da. Cân nặng của em bé cũng cao hơn bình thường (nặng hơn 4 kg). Tuy nhiên, hầu hết các bé đều khỏe mạnh, mặc dù có vài bé cần phải chăm sóc đặc biệt một thời gian sau khi sinh. Thế nhưng, người tiểu đường khi có thai có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề kể trên nếu có thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.

4. Kiểm soát đường huyết trước khi mang thai

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ giúp bạn ra kế hoạch kiểm soát mức đường huyết trước khi mang thai (nếu chưa có). Kiểm soát mức glucose đối với phụ nữ mang thai khi bị tiểu đường là rất quan trọng vì đường huyết của mẹ tăng cao có thể gây ra một số dị tật bẩm sinh. Nguy cơ dị tật xảy ra khi các cơ quan của bé đang trong giai đoạn phát triển, thường trong 8 tuần đầu của thai kỳ, thậm chí trước khi bạn biết mình có thai. Kiểm soát nồng độ glucose ở những người bị tiểu đường trước khi có thai thường phải phối hợp sử dụng thuốc, chế độ ăn uống và tập thể dục.


Kiểm soát đường huyết trước khi mang thai để hạn chế xảy ra biến chứng trong thai kỳ
Kiểm soát đường huyết trước khi mang thai để hạn chế xảy ra biến chứng trong thai kỳ

5. Kiểm soát bệnh tiểu đường trong khi mang thai

Trong giai đoạn mang thai, bạn có thể ổn định đường huyết bằng cách kết hợp ăn uống hợp lý, tập thể dục và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, thai phụ bị tiểu đường cần thăm khám bác sĩ thường xuyên hơn theo lịch đã đề ra. Trong các lần thăm khám định kỳ như vậy, mẹ bầu sẽ được kiểm tra mức glucose và thực hiện các xét nghiệm khác nhau.

6. Xét nghiệm đường huyết trong thai kỳ

Để theo dõi mức đường huyết trong thai kỳ, bác sĩ sẽ cho thai phụ thực hiện một loại xét nghiệm máu được gọi là xét nghiệm HbA1C. Ưu điểm của xét nghiệm này là kết quả xét nghiệm có thể phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết của bạn trong 4 - 6 tuần qua.

7. Ảnh hưởng của thai kỳ đến diễn tiến bệnh tiểu đường

Phụ nữ mang thai khi bị tiểu đường có nhiều khả năng bị hạ đường huyết, là tình trạng lượng đường trong máu tụt xuống dưới mức bình thường. Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu thai phụ không ăn đủ thức ăn, bỏ bữa, không ăn đúng giờ hoặc thậm chí khi tập thể dục quá nhiều. Hãy trao đổi với bác sĩ để bạn và các thành viên trong gia đình biết phải làm gì nếu phát hiện triệu chứng hạ đường huyết, chẳng hạn như chóng mặt, cảm thấy run rẩy, đói đột ngột, đổ mồ hôi hoặc yếu.

8. Chế độ ăn uống đối với người có thai khi bị tiểu đường

Chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý là một phần quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh, vì sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi chủ yếu phụ thuộc vào các thực phẩm mà bạn bổ sung hàng ngày. Ở phụ nữ mang thai khi mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống thậm chí còn quan trọng hơn. Ăn uống không đúng cách có thể khiến đường huyết tăng quá cao hoặc quá thấp, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Trao đổi với bác sĩ để thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp với mẹ bầu.

9. Luyện tập thể dục quan trọng với người mẹ mang thai khi bị tiểu đường

Luyện tập thể dục không chỉ giúp giữ cho mức đường huyết ở trong giới hạn bình thường mà còn đem đến nhiều lợi ích khác, bao gồm việc kiểm soát cân nặng, tăng cường sức khỏe, giúp cải thiện giấc ngủ, giảm đau lưng, táo bón và đầy hơi.


Tập thể dục để ổn định đường huyết khi mang thai
Tập thể dục để ổn định đường huyết khi mang thai

10. Dùng thuốc để kiểm soát bệnh tiểu đường khi mang thai

Trước khi mang thai, bệnh nhân tiểu đường thường dùng insulin để kiểm soát đường huyết. Trong thời kỳ mang thai, bác sĩ thường sẽ tăng liều insulin. Insulin là loại thuốc an toàn khi sử dụng trong thai kỳ và không gây dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến thai nhi. Liệu pháp bơm insulin tự động có thể sử dụng trước và trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, một vài trường hợp bạn cần phải chuyển sang insulin dạng tiêm.

Nếu bệnh nhân tiểu đường thường kiểm soát đường huyết bằng thuốc uống, thì bác sĩ có thể đề nghị thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang dùng insulin trong giai đoạn mang thai.

11. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến sinh nở như thế nào?

Đối với phụ nữ mang thai khi bị tiểu đường, chuyển dạ có thể tới sớm hơn, đặc biệt khi xảy ra vấn đề với thai kỳ. Trong quá trình chuyển dạ, mức glucose sẽ được theo dõi chặt chẽ và liên tục hàng giờ. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể cho truyền insulin qua đường tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể dùng bơm insulin tự động trong khi mẹ bầu chuyển dạ.

12. Tiểu đường có nên cho con bú không?

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường sau khi sinh nên nuôi con bằng sữa mẹ. Cho con bú sữa mẹ sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tăng cường sức đề kháng cho con và cho con bú cũng đem tới lợi ích mẹ. Cho con bú giúp các bà mẹ sau sinh giảm được cân nặng tăng thêm trong quá trình mang thai và giúp cho tử cung nhanh chóng trở lại kích thước bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe