Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có nước ta. Căn bệnh này thường hay gặp ở trẻ em hơn là người lớn, vậy hay xảy ra bệnh tay chân miệng ở trẻ mấy tuổi?
1. Bệnh tay chân miệng xảy ra ở độ tuổi nào?
Độ tuổi bị bệnh tay chân miệng nhiều nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó hay gặp hơn cả là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng của bệnh càng nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt nhiễm virus do bệnh nhân chạm vào, song không phải ai nhiễm virus cũng sẽ có biểu hiện của bệnh.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh tay chân miệng cao vì đối tượng này có sức đề kháng và khả năng miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn đều được miễn dịch khỏi căn bệnh này, nhưng các trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng cũng không phải là hiếm.
Phụ nữ mang thai cần phòng tránh căn bệnh này, không nên tiếp xúc gần với người bị bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho thai nhi ngay trước hoặc trong khi sinh.
Điều đáng lưu ý là một người có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần, nguyên nhân là do mỗi lần bị bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, trong khi có nhiều chủng virus gây ra căn bệnh này.
Vì vậy dù đã từng bị bệnh, một người vẫn có thể mắc bệnh tay chân miệng trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.
2. Tại sao bệnh tay chân miệng ở trẻ em lại nguy hiểm?
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh tay chân miệng và nếu mắc thì khả năng hồi phục không được như người lớn. Cùng với đó, tay chân miệng là một căn bệnh có nguy cơ gây ra các biến chứng và tử vong. Các lý do khiến cho bệnh tay chân miệng ở trẻ em lại trở nên nguy hiểm, bao gồm:
- Trẻ em có sức đề kháng yếu: Độ tuổi bị tay chân miệng nhiều nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ trong độ tuổi này có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên sức đề kháng yếu. Vì vậy, chỉ cần một sự tác động nhỏ của một tác nhân gây bệnh nào đó cũng có thể khiến cho trẻ mắc bệnh. Không chỉ dừng lại ở đó, mà đây còn là điều kiện thuận lợi để bệnh tay chân miệng diễn biến nhanh và nghiêm trọng.
- Trẻ em chưa biết cách bảo vệ bản thân: Tư duy và nhận thức của trẻ còn non nớt nên chưa biết cách bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh. Cụ thể, trẻ vui chơi, hoạt động theo bản năng là chủ yếu, hầu như các trẻ dưới 5 tuổi chưa phân biệt được các yếu tố có thể gây hại cho cơ thể và đây là nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là khi bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan từ người sang người.
- Bệnh tay chân miệng dễ lây lan: Chỉ cần tiếp trẻ xúc với nước bọt, dịch tiết từ mũi họng hoặc bọng nước hay phân của người bị bệnh là đã có nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng. Chính vì vậy, trẻ em đang trong độ tuổi đi học ở trường lớp sẽ tiếp xúc với trẻ bị bệnh mà không biết cách phòng tránh, giữ gìn vệ sinh cá nhân nên nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao.
- Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm: Khi mắc bệnh, do trẻ không thể tự phát hiện được những dấu hiệu bất thường của cơ thể, nên rất nguy hiểm. Bởi vì bệnh tay chân miệng có nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề (như suy hô hấp, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não,...). Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ đe dọa đến tính mạng của trẻ.
- Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần: Những đứa trẻ đã từng bị tay chân miệng vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm nhiều lần, đặc biệt là những trẻ có hệ miễn dịch kém, bị suy dinh dưỡng,... Trong khi đó, chúng ta lại chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng nên gây ra mối lo ngại lớn cho các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Các triệu chứng cho thấy bệnh tay chân miệng ở mức độ nguy hiểm và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, bao gồm:
- Trẻ bị sốt cao liên tục và không thể hạ nhiệt bằng các biện pháp thông thường.
- Trẻ bị giật mình, hốt hoảng không có lý do.
- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, không chơi, lơ mơ, ngủ li bì, ngủ gà.
- Trẻ bị toát mồ hôi, lạnh toàn thân, đặc biệt là ở tay, chân.
- Nhịp thở của trẻ bất thường như: Thở nhanh, thở khò khè, thở nông, rút lõm ngực, ngưng thở.
- Trẻ bị run tứ chi, run cả người, đi - đứng - ngồi không được vững, loạng choạng.
3. Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng
Hiện nay, chúng ta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Khi bạn nhiễm bệnh hãy uống nhiều nước và có thể sử dụng các loại thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng việc áp dụng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi có các triệu chứng nghiêm trọng.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng như sau:
- Vệ sinh cá nhân: Cả người lớn và trẻ em cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, đặc biệt là trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, ăn/ cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã hay làm vệ sinh cho trẻ.
- Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần được đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng; thực hiện ăn chín, uống sôi; các vật dụng ăn uống cần phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng bằng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ngậm mút đồ chơi, mút tay, ăn bốc; không cho trẻ sử dụng chung khăn ăn, khăn tay, các vật dụng ăn uống như là cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Tại gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần phải thường xuyên lau chùi sạch sẽ các bề mặt, vật dụng trẻ tiếp xúc hằng ngày như là đồ chơi, dụng cụ học tập, tay vịn cầu thang, tay nắm của, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các loại chất tẩy rửa thông thường.
- Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh, phân và chất thải của trẻ cần phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà vệ sinh.
- Theo dõi phát hiện sớm trẻ bị bệnh: Trẻ cần phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện khi bị bệnh. Tiến hành cách ly, điều trị cho các trường hợp bị bệnh, tránh lây truyền bệnh cho các trẻ khác.
- Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và các hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện khi trẻ bị bệnh tay chân miệng và đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp học và chơi cùng với các trẻ khác. Đưa trẻ đi khám để có biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
Tóm lại, độ tuổi bị tay chân miệng nhiều nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó hay gặp hơn cả là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng của bệnh càng nghiêm trọng hơn. Do đó, dù trong bất cứ trường hợp nào thì cha mẹ cũng không được chủ quan, thay vào đó, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị tích cực, phòng tránh tình huống xấu nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.