Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc được xem là một cấp cứu tối khẩn cấp trong nhãn khoa, cần được xử lý càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ mù khó hồi phục. Bệnh thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước nên mức độ nguy hiểm càng gia tăng.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Võng mạc là lớp thần kinh trong mắt chịu trách nhiệm nhận ánh sáng và xử lý ánh sáng. Khi động mạch bị tắc thì máu sẽ không thể đến nuôi dưỡng võng mạc được. Mô võng mạc sẽ không có chất dinh dưỡng, các quá trình chuyển hóa tế bào không thể diễn ra do thiếu oxy nên chết dần. Mô võng mạc chết đồng nghĩa với việc không nhận được hình ảnh và gây mất thị lực.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu phổ biến:
- Hậu quả của huyết khối do viêm nhiễm (bệnh Lupus ban đỏ, bệnh xơ cứng bì, bệnh Kawasaki, giang mai kỳ ba..)
- Bệnh Behcet (viêm mạch máu, chủ yếu ở tĩnh mạch)
- Bệnh Horton (viêm động mạch khu trú ở động mạch thái dương nông)
- Các bệnh lý về tim mạch và cao huyết áp
- Do các chấn thương nặng ở vùng tiểu khung.
- Hậu phẫu thuật hay tạo cục máu đông.
- Bệnh xơ vữa động mạch
- Chứng hồng cầu hình liềm, rối loạn đông máu
- Bệnh nhiễm trùng máu và tiêm tĩnh mạch có bọt khí.
Với những nguyên nhân điển hình trên, đa phần bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc thường xảy ra ở những người đã lớn tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng và khả năng phục hồi rất thấp.
2. Các hình thái lâm sàng
2.1. Chứng mù thoáng qua (co thắt động mạch)
Bệnh khởi phát đột ngột khiến bệnh nhân mù hoàn toàn một mắt. Tuy nhiên thường chỉ kéo dài trong vài phút. Ngoài cơn thị lực và đáy mắt không có dấu hiệu bất thường. Cần làm thêm những xét nghiệm về tim mạch để tìm dấu hiệu hẹp hoặc nghẽn động mạch cảnh.
2.2. Tắc nhánh động mạch trung tâm võng mạc
Gây ra những dấu hiệu lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào vị trí tắc. Triệu chứng thường thấy nhất là giảm thị lực đột ngột, người bệnh bị mất vùng nhìn tương ứng với khu vực động mạch bị tắc nghẽn.
Ở đáy mắt có dấu hiệu phù võng mạc ở khu vực tắc do thiếu tưới máu. Đôi khi phát hiện thấy nguyên nhân gây nghẽn là do mảnh cholesterol hoặc canxi.
2.3. Bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc ở người có động mạch mi - võng mạc:
Chỉ có khoảng 20% trường hợp người bệnh may mắn có động mạch mi võng mạc hỗ trợ thì thị lực có thể hồi phục một phần còn lại thì đa phần tiên lượng xấu. Ở trường hợp này khi động mạch bị tắc thì mi võng mạc vẫn có thể hoạt động. Bệnh nhân vẫn bị giảm thị lực trầm trọng, ở đáy mắt bị phù trắng một vùng giữa gai thị và hoàng điểm nhưng võng mạc xung quanh không bị tổn thương, không đến mức mất hẳn thị lực như các trường hợp khác.
3. Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc xảy ra thường không có triệu chứng báo hiệu. Nhiều bệnh nhân phát hiện tình trạng bệnh ngay sau khi ngủ dậy, đột ngột thấy mất thị lực một mắt, không kèm theo đau nhức mắt.
Để chẩn đoán tắc võng mạc trung tâm võng mạc, bác sĩ sẽ thực hiện khám và đánh giá các dấu hiệu:
Khám mắt:
- Đồng tử hơi giãn, mất phản xạ hoặc phản xạ yếu với ánh sáng trực tiếp, phản xạ liên ứng (khi chiếu sáng vào mắt kia vẫn thấy đồng tử còn phản xạ).
- Bán phần trước bình thường.
Soi đáy mắt:
- Động mạch lớn co hẹp nhiều, nhỏ như sợi chỉ, không thấy máu trong lòng động mạch (ở giai đoạn đầu).
- Dấu hiệu phù nề võng mạc do thiếu máu cục bộ: võng mạc mất tính chất trong, chuyển thành màu trắng đục, ánh đồng tử màu xám.
- Vùng hoàng điểm màu hồng hơn bình thường (dấu hiệu hoàng điểm anh đào - do các mô võng mạc xung quanh đã phù và bạc màu).
4. Các biện pháp điều trị
Hiện nay việc điều trị bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc gần như không khả quan. Hiện nay một số phương pháp xử lý nhanh được áp dụng phổ biến là:
- Tăng thông khí: Cho bệnh nhân hít thở một hỗn hợp khí 95% oxy và 5% cacbon dioxide để giãn động mạch, đẩy tác nhân gây tắc sang vị trí khác.
- Chọc tiền phòng: Rút bớt dịch trong tiền phòng mắt để giảm áp lực trong mắt để tác nhân tắc sang vị trí khác.
- Massage day nhấn mắt: Tạo áp lực thay đổi bên trong mắt để nguyên nhân tắc nghẽn thoát đi được.
- Dùng thuốc giãn mạch dạng uống hoặc tiêm truyền.
- Dùng thuốc hạ nhãn áp như Acetazolamid
- Dùng các loại thuốc chống đông để giảm bớt sự phát triển của huyết khối.
Phòng tránh bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc bằng cách điều trị trước những nguyên nhân có thể gây bệnh:
- Bệnh Horton: Áp dụng liệu pháp corticoid khẩn cấp với liều cao.
- Điều trị chứng cao huyết áp
- Điều trị phẫu thuật khi có bệnh mạch máu hoặc bệnh lý tim mạch.
- Điều trị các ổ viêm nhiễm toàn thân nói chung và tại mắt nói riêng.
5. Tiến triển và tiên lượng của bệnh
Tiến triển của bệnh còn tùy thuộc vào mức độ và hình thái lâm sàng, tình trạng xử lý sớm hay muộn. Nếu người bệnh đến bệnh viện trong vòng 2 giờ sau khi phát bệnh và xử lý kịp thời, thị lực vẫn có khả năng phục hồi. Phù võng mạc mất đi sau vài ngày, động mạch tiếp tục lưu thông bình thường.
Trường hợp tắc nhánh động mạch ở trung tâm võng mạc, các tổn thương ổn định, khuyết thị trường vùng võng mạc tương ứng hoặc lan rộng ra toàn bộ võng mạc. Thường người bệnh không mấy khi đến kịp nên tiến triển thường không tốt. Thị lực sẽ giảm sút trầm trọng, teo gai thị sau 1 tháng dẫn đến mù vĩnh viễn.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Video đề xuất:
Ca ghép giác mạc đầu tiên tại Vinmec: Thắp lại ánh sáng sau hàng chục năm chìm trong bóng tối
XEM THÊM
- Gói tầm soát tật khúc xạ
- Trẻ nhỏ cũng có thể mắc viễn thị
- Loạn thị cũng đáng lo như cận thị