Ảnh hưởng của nhược thị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh nhược thị (mắt lười) dẫn đến suy giảm thị lực, nếu không điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị mất thị lực vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, làm việc, học tập...

1. Nhược thị là vấn đề phổ biến

Nhược thị (hay còn gọi là mắt lười, tên tiếng anh là amblyopia, hay lazy-eye) là tình trạng thị lực suy yếu, thường xảy ra ở một bên mắt do sự phát triển bất thường của thị giác trong những năm đầu đời. Mắt bị nhược thị có xu hướng hơi lệch vào bên trong hoặc hướng ra ngoài.

Tình trạng nhược thị thường bắt đầu xuất hiện trong khoảng thời gian từ khi trẻ sinh ra cho đến 7 tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực không hồi phục ở trẻ em. Hiện tượng này hiếm khi ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Chẩn đoán và điều trị nhược thị từ sớm giúp ngăn ngừa các biến chứng mất thị lực không hồi phục đối với thị lực của trẻ, hạn chế nguy cơ mù lòa. Để cải thiện thị lực của bên mắt yếu hơn, bác sĩ có thể cho bé sử dụng thuốc nhỏ mắt, đeo kính thông thường, kính áp tròng hoặc dùng miếng che mắt.

2. Triệu chứng của nhược thị

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhược thị bao gồm:

  • Một bên mắt hơi lệch vào trong hoặc ra ngoài;
  • Hai mắt gần như không hoạt động một cách đồng bộ;
  • Thị lực giảm, không thể nhìn xa;
  • Phải nheo mắt hoặc nhắm mắt khi nhìn xa;
  • Phần đầu hơi nghiêng;
  • Kết quả đo thị lực bất thường.

Đôi khi không thể nhận biết được tình trạng giảm thị lực rõ ràng nếu không đi khám mắt.

Phụ huynh nên đưa con đi khám bác sĩ nếu nhận thấy hai mắt của bé có vẻ không đồng đều vài tuần sau khi sinh. Kiểm tra thị lực đặc biệt quan trọng với trẻ nếu gia đình có tiền sử bị tật khúc xạ hoặc các bệnh lý khác về mắt.

Nói chung tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi nên được kiểm tra mắt tổng quát để phát hiện sớm những bệnh lý liên quan đến thị lực.


Thị lực suy yếu, không thể nhìn xa có thể là dấu hiệu của nhược thị
Thị lực suy yếu, không thể nhìn xa có thể là dấu hiệu của nhược thị

3. Nguyên nhân gây ra nhược thị

Nhược thị xảy ra do sự phát triển bất thường về thị lực ngay từ những năm đầu đời của trẻ, làm thay đổi đường dẫn truyền thị giác từ võng mạc đến não và bên trong não. Do đó, một bên mắt của bệnh nhân nhược thị sẽ nhận được ít tín hiệu thị giác hơn. Não không thể nhận biết được đầy đủ những hình ảnh truyền về từ bên mắt yếu hơn. Cuối cùng, khả năng làm việc cùng nhau của mắt giảm đi đáng kể.

Bất cứ tác nhân nào làm suy giảm thị lực của trẻ hoặc dẫn đến loạn thị (mắt lé) đều có thể là nguyên nhân gây ra nhược thị. Trong đó, phổ biến nhất là những nguyên nhân bao gồm:

  • Mất cân bằng cơ mắt: Nguyên nhân phổ biến nhất của nhược thị là sự mất cân bằng trong các cơ định vị tại mắt. Sự mất cân bằng này khiến cho mắt bị lệch vào trong hoặc ra ngoài, hậu quả hai mắt dần dần hoạt động không đồng đều với nhau;
  • Sự khác biệt về độ rõ trong khả năng nhìn giữa hai mắt (nhược thị khúc xạ): Sự khác biệt đáng kể trong khả năng nhìn của hai mắt có thể dẫn đến nhược thị. Hiện tượng này thường do viễn thị gây ra, đôi lúc do cận thị hoặc đường cong bề mặt của mắt không đều (loạn thị). Để khắc phục các vấn đề khúc xạ này, bác sĩ thường sẽ cho trẻ đeo mắt kính hoặc kính áp tròng. Một số trường hợp trẻ có thị lực suy yếu là do sự kết hợp của loạn thị và các vấn đề về khúc xạ ở mắt;
  • Mắt lười do thiếu sự kích thích: Suy giảm thị lực ở trẻ có thể gây ra bởi một số vấn đề liên quan đến thiếu sự kích thích, chẳng hạn như đục thủy tinh thể. Trường hợp này cần điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn. Đây là loại nhược thị nghiêm trọng nhất, nguy cơ cao dẫn đến mù lòa.

4. Những yếu tố nguy cơ của nhược thị

Nguy cơ mắc bệnh “mắt lười” thường cao hơn ở những đối tượng bệnh nhi sau đây:

  • Sinh non;
  • Kích thước nhỏ khi sinh;
  • Tiền sử gia đình có bệnh lý về mắt
  • Trẻ chậm phát triển.

5. Nhược thị nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến mù lòa

Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực do rối loạn dẫn truyền thị giác. Trẻ bị nhược thị có thể chữa khỏi bệnh nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Nhược thị nếu phát hiện sớm ở trẻ em dưới 5 tuổi thì có thể điều trị sớm bằng cách tập cho trẻ phương pháp nhìn và quan sát. Còn đối với người lớn bị nhược thị, khả năng chữa khỏi là rất ít.

Nếu nguyên nhân gây ra nhược thị liên quan đến thực thể, như lác mắt, tật khúc xạ, đục thủy tinh thể hay tổn thương võng mạc... thì cần có biện pháp can thiệp kịp thời và hợp lý để cải thiện thị lực cho mắt ngay từ lúc trẻ còn nhỏ tuổi. Trong trường hợp bệnh đã kéo dài đến tuổi trưởng thành thì thường không thể điều trị khỏi. Vì thế, ngay khi còn nhỏ, nếu trẻ cần bị cận hay loạn từ nhỏ thì phụ huynh nên cho trẻ đeo kính. Với những trẻ bị tật khúc xạ cũng như các bệnh lý khác về thị lực mà không đeo kính, dù có điều trị kịp thời thì hình ảnh truyền về tại võng mạc cũng sẽ không rõ nét, qua thời gian sẽ dẫn tới nhược thị, thậm chí có nguy cơ mù lòa.

6. Làm sao giữ thị lực khỏe mạnh và hạn chế nhược thị?


Khám mắt thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ tiến triển nhược thị và ngăn ngừa thị lực suy yếu
Khám mắt thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ tiến triển nhược thị và ngăn ngừa thị lực suy yếu

Những lời khuyên sau đây giúp hạn chế nguy cơ tiến triển nhược thị và ngăn ngừa thị lực suy yếu:

  • Khám mắt thường xuyên;
  • Bỏ hút thuốc;
  • Vệ sinh tay trước khi đeo kính áp tròng vào mắt;
  • Sử dụng kính bảo vệ mắt khi cần thiết, chẳng hạn như khi làm công việc tiếp xúc hóa chất hoặc các hoạt động thể thao dễ ảnh hưởng tới mắt;
  • Đeo kính mát khi ra ngoài nắng;
  • Bổ sung vitamin C, E, kẽm và axit béo omega-3: Đây là những chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe của mắt, có trong các loại thức ăn như hào, thịt heo, dầu cá, rau xanh, nước cam, các loại đậu, đậu phộng và trứng;
  • Tránh sử dụng máy vi tính hay nhìn vào màn hình (tivi, điện thoại...) trong thời gian dài;
  • Đảm bảo bàn làm việc có khoảng cách hợp lý đối với mắt;
  • Cho mắt nghỉ giải lao thường xuyên bằng cách nhìn ra khỏi màn hình hoặc rời khỏi bàn làm việc sau mỗi 20 phút hoặc lâu hơn, có thể nhìn ra cửa sổ hoặc đi dạo đâu đó trong khoảng thời gian ít nhất 20 giây.

Chăm sóc sức khỏe mắt là một phần quan trọng của sức khỏe nói chung. Để phát hiện sớm nguy cơ bị nhược thị, nên cho trẻ thăm khám chẩn đoán các vấn đề về mắt từ sớm, tránh để bệnh tiến triển lâu ngày, dễ dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe