Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp, trong đó có bệnh suy hô hấp. Vậy bệnh suy hô hấp ở người già có đáng lo? Nên làm gì để phòng tránh suy hô hấp ở người già?
1. Suy hô hấp ở người già
Hệ hô hấp được chia làm 2 phần lấy nắp thanh quản làm ranh giới, gồm Hệ hô hấp trên: mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Hệ hô hấp dưới : khí quản, cây phế quản, phế nang, phổi màng phổi.
Suy hô hấp là tình trạng suy giảm chức năng thông khí của bộ máy hô hấp hoặc/và chức năng trao đổi khí của phổi. Trong đó, suy hô hấp cấp là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải nằm tại các khoa Hồi sức.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy hô hấp ở người già như:
- Hít phải chất độc hại
- Hút thuốc lá
- Viêm phổi nặng
- Nhiễm khuẩn huyết nặng
- Bị thương ở ngực hoặc đầu
Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc suy hô hấp như do tuổi tác, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có tiền sử lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
2. Dấu hiệu suy hô hấp ở người già
Một số triệu chứng suy hô hấp ở người cao tuổi như sau:
- Nhịp thở thay đổi: Việc tăng số lần thở mỗi phút có thể có nghĩa là bệnh nhân đang khó thở hoặc không nhận đủ oxy.
- Xanh tím ở xung quanh miệng, ở bên trong môi hoặc trên móng tay có thể xảy ra khi một người không nhận được đủ oxy khi cần thiết. Màu của da cũng có thể xuất hiện nhợt nhạt hoặc xám.
- Rối loạn tim mạch: Thường nhịp nhanh xoang hay cơn nhịp nhanh, rung thất thường là biểu hiện cuối cùng. Huyết áp tăng hoặc hạ: giai đoạn đầu huyết áp thường tăng cao, giai đoạn sau hạ dần, phải can thiệp ngay (bóp bóng, đặt ống nội khí quản, hút đờm, thở máy).
- Rối loạn thần kinh: não tiêu thụ đến 20% số oxy toàn cơ thể. Do đó, khi xảy ra tình trạng suy hô hấp thì não là cơ quan chịu hậu quả sớm nhất của tình trạng thiếu oxy và tăng CO2 máu. Rối loạn thần kinh có dấu hiệu như giãy giụa, lẫn lộn, mất phản xạ gân xương, rối loạn ý thức (li bì, hôn mê).
3. Suy hô hấp ở người già có nguy hiểm không?
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do suy hô hấp giảm oxy máu là khoảng 40 - 60%, tăng CO2 trong máu là 10 - 25%. Ngoài ra, các biến chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra:
- Biến chứng tại phổi: nhồi máu phổi, xơ phổi, nhiễm trùng phổi, tràn khí và tràn màng dịch phổi.
- Biến chứng tại thận: Suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, rối loạn nước điện giải.
- Biến chứng tim mạch: viêm màng tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim.
- Hệ tiêu hóa: tiêu chảy, loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, liệt ruột,...
- Gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tiểu
- Tăng nguy cơ tử vong do suy hô hấp.
4. Phòng tránh suy hô hấp ở người già
Những biện pháp giúp hạn chế nguy cơ mắc suy hô hấp ở người già như:
- Từ bỏ việc hút thuốc, nếu bạn hút thuốc, hãy tìm sự giúp đỡ để bỏ thuốc đồng thời tránh hút thuốc thụ động bất cứ khi nào có thể.
- Tiêm phòng: Tiêm phòng cúm hàng năm, cũng như vắc-xin viêm phổi cứ 5 năm một lần, có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi.
- Bỏ rượu: Việc sử dụng quá nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ tử vong của bạn và ảnh hưởng đến chức năng phổi.
- Hạn chế sử dụng máy lạnh, nếu dùng thì nên để nhiệt độ từ 24-25 độ C, không nằm ngay luồng gió máy lạnh thổi ra.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, kiểm soát điều trị tốt các bệnh mãn tính.
Suy hô hấp ở người cao tuổi có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và có tiên lương bệnh khác nhau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com