Trước khi có vắc xin, hàng năm bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2010, trên thế giới cứ mỗi 4 phút có một người chết vì bệnh sởi. Vậy bệnh sởi là gì và lây truyền như thế nào? Hãy cùng tìm ra câu trả lời.
1. Bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...Sởi do virus gây ra, do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh mà thường khỏi trong vòng từ 7-10 ngày. Sởi là một bệnh lưu hành, có nghĩa là nó liên tục xuất hiện trong cộng đồng. Sau khi mắc sởi, người đó sẽ được miễn dịch với sởi trong suốt quãng đời còn lại, khả năng mắc sởi lần thứ hai của họ tương đối thấp.
2. Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?
Virus sởi là một loại virus rất dễ lây lan, sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người nhiễm bệnh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh, khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh.. Ngoài ra, virus sởi có thể sống tới 2 giờ trong không gian nơi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Nếu người khác hít phải không khí bị nhiễm virus hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm virus, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, có thể bị nhiễm bệnh. Bệnh sởi rất dễ lây lan đến nỗi nếu một người mắc bệnh này, có tới 90% những người gần gũi với người đó không được miễn dịch cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Những người bị nhiễm bệnh có thể truyền bệnh sởi sang người khác từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban xuất hiện. Sởi là bệnh lây từ người sang người, virus sởi không lây lan ở động vật.
3. Mắc sởi rồi có mắc lại lần 2 không?
Câu trả lời là không. Những người đã từng mắc sởi, cơ thể đã sinh ra miễn dịch chống lại virus sởi, do đó có khả năng bảo vệ không mắc sởi lần 2.
Đối với những người chưa mắc sởi, tiêm vắc xin là phương pháp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể chống lại virus sởi.
4. Những đối tượng nào dễ mắc sởi?
Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh (những người chưa bị sởi bao giờ và chưa tiêm vắc xin sởi)
Ở nước ta, các nhóm có nguy cơ mắc sởi cao là:
- Trẻ em, vì lúc này không còn miễn dịch do mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin
- Nhóm trẻ đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch
- Thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin trước đây
Do vậy, những nhóm đối tượng này cần được tiêm vắc xin sởi để phòng ngừa bệnh.
5. Biểu hiện và triệu chứng của sởi
Các triệu chứng của bệnh sởi thường xuất hiện khoảng 7 đến 14 ngày kể từ khi bị nhiễm bệnh.
Bệnh sởi thường bắt đầu bằng các triệu chứng:
- Sốt cao
- Ho
- Sổ mũi
- Đỏ mắt, chảy nước mắt (viêm kết mạc).
Hai hoặc ba ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu, những đốm trắng nhỏ (đốm Koplik) có thể xuất hiện bên trong miệng. Đây là dấu hiệu sớm và khá điển hình để giúp chẩn đoán bệnh sởi. Ba đến năm ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu, bắt đầu phát ban. Ban sởi thường bắt đầu như những đốm đỏ phẳng, mịn như nhung, không phỏng nước, mọc theo thứ tự từ trên xuống dưới, xuất hiện trên mặt ở chân tóc và lan xuống cổ, thân, cánh tay, chân và bàn chân. Những vết sưng nhỏ cũng có thể xuất hiện trên đỉnh của những đốm đỏ phẳng. Các đốm có thể kết hợp với nhau khi chúng lan từ đầu đến phần còn lại của cơ thể. Sau khi mắc sởi, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, nên rất dễ gây ra biến chứng.
6. Biến chứng sởi
Bệnh sởi có thể diễn biến nặng ở tất cả các nhóm tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi nhóm có nguy cơ cao bị biến chứng sởi.
6.1. Biến chứng thường gặp:
- Biến chứng đường tiêu hóa:
+ Viêm niêm mạc miệng: Lúc đầu do virus sởi, thường hết cùng với ban. Muộn thường do bội nhiễm. Cam tẩu mã.
+ Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli gây tiêu chảy.
- Biến chứng tai – mũi – họng, mắt:
+ Viêm mũi họng bội nhiễm
+ Viêm tai – viêm tai xương chũm.
+ Viêm kết mạc, loét giác mạc.
- Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà...
6.2. Biến chứng nặng:
- Viêm thanh quản; Viêm phế quản; Viêm phế quản phổi. Cứ 20 trẻ em thì có một em bị viêm phổi, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do bệnh sởi ở trẻ nhỏ.
- Khoảng 1 trong số 1.000 trẻ mắc sởi sẽ bị viêm não, có thể dẫn đến co giật và có thể khiến trẻ bị điếc hoặc bị thiểu năng trí tuệ. Cứ 1.000 trẻ em mắc bệnh sởi, một hoặc hai trẻ tử vong vì bệnh này.
- Bệnh sởi có thể khiến bà bầu sinh non, hoặc sinh con nhẹ cân.
6.3. Biến chứng lâu dài
Viêm màng não bán cấp là một bệnh rất hiếm gặp nhưng gây tử vong của hệ thần kinh trung ương do nhiễm virus sởi mắc phải trước đó trong đời. Bệnh thường phát triển từ 7 đến 10 năm sau khi một người mắc bệnh sởi, mặc dù người đó dường như đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia