Bệnh rỗng tủy não là căn bệnh mãn tính ở tủy sống, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
1. Bệnh rỗng tủy là gì?
Bệnh rỗng tủy là bệnh mạn tính ở tủy sống, xảy ra khi một đoạn tủy sống hình thành một hốc rỗng ở trung tâm của chất xám chứa dịch não tủy. Dịch não tủy tích tụ lại, hình thành các khoang hoặc nang, phát triển lớn dần, đè lên các dây thần kinh nối bộ não với các bộ phận khác trên cơ thể, làm hủy hoại tủy. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là những rối loạn về vận động, cảm giác và dinh dưỡng.
Có nhiều cách phân loại bệnh rỗng tủy như:
- Theo hình thức lâm sàng: Sừng bên, sừng trước, hỗn hợp, hành tủy;
- Theo sự phát triển của bệnh: Rỗng thân não, cột sống, cuống não - tủy sống;
- Theo tiến trình của bệnh: Ổn định, tiến triển chậm, tiến triển nhanh;
- Theo các nguyên nhân và sinh bệnh học: Vô căn, có căn nguyên (dị tật cột sống bẩm sinh, dị dạng cổ chẩm, phối hợp với não úng thủy, sau chấn thương, viêm tủy sống thắt lưng, nang hố sau,...).
2. Nguyên nhân bệnh rỗng tủy
Đến nay, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh rỗng tủy sống. Tuy nhiên, bệnh có thể do lưu thông dịch não tủy bị tắc nghẽn hoặc rối loạn. Điều này có thể tạo nên khoang bất thường chứa đầy dịch ở tủy sống.
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh rỗng tủy gồm:
- Viêm màng não hoặc chảy máu làm tắc nghẽn dịch não tủy;
- Do dị dạng Chiari và các chấn thương trong khi sinh;
- Do khối u của tủy sống như u mạch máu, u thần kinh đệm;
- Do di truyền;
- Tỷ lệ mắc bệnh rỗng tủy ở nam giới cao hơn nữ giới;
- Người thường xuyên tham gia các hoạt động gây căng thẳng, tạo sức ép lên vùng cổ;
- Người thường xuyên thực hiện các động tác gập lưng hoặc ngửa đầu ra sau nhiều lần, trong thời gian dài;
- Người được chọc dò tủy sống thắt lưng hoặc gây tê ngoài màng cứng;
- Người sử dụng thực phẩm chứa quá nhiều muối, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh.
3. Triệu chứng bệnh rỗng tủy
Bệnh thường khởi phát chậm sau nhiều tháng đến vài năm và thường xảy ra sau một chấn thương nào đó. Tùy theo vị trí bị rỗng tủy mà bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau. Người bệnh có những triệu chứng như:
- Ho, thường xuyên cảm thấy căng thẳng
- Gáy, vai, cánh tay và bàn tay bị yếu cơ, teo cơ, mất phản xạ gân cơ;
- Đôi khi người bệnh mất cảm nhận nóng lạnh hoặc cảm nhận đau, đặc biệt là ở bàn tay;
- Đau và cứng vùng gáy, cổ, vai, cánh tay và chân;
- Rối loạn tiểu tiện và đại tiện;
- Có cảm giác như kim chích từ thân xuống chân.
Bệnh rỗng tủy là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh kéo dài, có thể dẫn tới tàn tật ở các bộ phận bị ảnh hưởng. Khi hốc rỗng tủy lan tới não (bệnh rỗng tủy não) thì có thể gây ra những rối loạn nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
4. Chẩn đoán bệnh rỗng tủy sống
Để chẩn đoán bệnh, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bệnh nhân và khám lâm sàng toàn diện. Nếu nghi ngờ bệnh rỗng tủy, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:
- Chụp cộng hưởng từ cột sống và tủy sống: Là phương pháp có độ chính xác cao nhất để chẩn đoán bệnh. Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng điện từ và từ trường mạnh, tạo ra hình ảnh chi tiết của cột sống và tủy sống. Nếu có nang bên trong tủy sống thì bác sĩ sẽ phát hiện ra. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào mạch máu ở bẹn bệnh nhâu, nó đi theo mạch máu tới cột sống và hiển thị hình ảnh của khối u (hoặc các bất thường khác). MRI cũng có thể được thực hiện lặp lại nhiều lần để theo dõi diễn tiến của bệnh;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Là kỹ thuật sử dụng chuỗi tia X để tạo dựng hình ảnh chi tiết của cột sống và tủy sống. Chụp CT cho thấy khối u hoặc các bệnh lý khác ở cột sống.
Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh xơ cứng từng mảng, chảy máu trong tủy sống, khối u tủy sống, bệnh teo cơ tiến triển Aran-Duchenne, bệnh tabet.
5. Phương pháp điều trị bệnh rỗng tủy
Việc điều trị bệnh chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân, tuổi tác, triệu chứng và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Đa số các trường hợp, người bệnh đều cần phẫu thuật vì nếu không phẫu thuật thì bệnh sẽ dẫn đến yếu tay, chân từ từ, mất cảm giác bàn tay, đau yếu mãn tính.
Phẫu thuật giúp làm ngưng diễn tiến của bệnh rỗng tủy nhưng không cải thiện được các triệu chứng thần kinh có sẵn. Trường hợp bệnh rỗng tủy tái phát sau phẫu thuật thì có thể phải thực hiện phẫu thuật thêm.
Những bệnh nhân bị rỗng tủy nhưng không có triệu chứng thì có thể không cần điều trị. Người cao tuổi hoặc người có sức khỏe yếu thì có thể chỉ cần theo dõi diễn biến của bệnh một cách chặt chẽ mà không cần phẫu thuật.
Vì bệnh rỗng tủy sống có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới hệ thần kinh nên để hạn chế diễn tiến của bệnh thì người bệnh cần theo dõi các triệu chứng bệnh, có thể tham khảo các biện pháp vật lý trị liệu để giảm triệu chứng, tái khám đúng hẹn,...
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi lựa chọn thực hiện các xét nghiệm MRI hay chụp CT scan tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.