Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Quai bị là bệnh nhiễm trùng của tuyến nước bọt do siêu vi trùng Paramyxovirus gây ra. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm bởi nếu không điều trị đúng cách bệnh sẽ để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.
1. Triệu chứng của bệnh quai bị
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua nước bọt khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi. Thời gian lây bệnh từ 6 ngày đến 2 tuần với các triệu chứng bệnh sau:
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 18-25 ngày, giai đoạn này hoàn toàn yên lặng không bộc lộ dấu hiệu và triệu chứng gì rõ rệt.
Bước sang thời kỳ khởi phát với các triệu chứng sốt từ 38 - 38,5 độ C, nhức đầu, nôn, đau cổ họng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
Thời kỳ toàn phát: Sau sốt 24 - 48 giờ bắt đầu xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1 - 2 ngày sưng tiếp bên kia ( thông thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng 1 bên). Hai bên sưng thường không đối xứng( bên sưng to, bên sưng nhỏ), căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, ấn đau.
- Nước bọt ít, hơi quánh.
- Đau hàm khi há miệng, nhai hoặc khi nuốt. Đau lan ra hai tai.
- Họng bị viêm đỏ.
Thời kỳ lui bệnh: Bệnh thường sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thường hết sốt sau 3 - 4 ngày, tuyến nước bọt hết sưng trong vòng 8 - 10 ngày.
Có khoảng 1⁄3 số bệnh nhân mắc quai bị không biểu hiện triệu chứng gì. Đôi khi, bệnh quai bị qua đi mà không hay biết gì do tuyến mang tai không sưng.
2. Biến chứng nguy hiểm
Bệnh quai bị ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây biến chứng tổn thương nặng nề tới màng não, não, viêm tủy cấp...Nam giới mắc quai bị có thể bị viêm tinh hoàn, nữ giới thường viêm buồng trứng.
Viêm tinh hoàn
Có khoảng 20 - 30% các trường hợp gặp ở trẻ em trai trong độ tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn xuất hiện trong khoảng 7 - 10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Phần lớn viêm tinh hoàn chỉ xảy ra ở một bên với biểu hiện như sốt cao, lạnh run, nôn ói, đau bụng, tinh hoàn sưng to và đau nhức. Người bệnh thấy đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3-4 lần so với bình thường. Thường thì sưng 1 bên, hoặc cũng có thể sưng 2 bên. Tình trạng này kéo dài khoảng 3-7 ngày thì giảm bớt, sau khoảng 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do mắc quai bị là 30 - 40%. Nếu bị teo tinh hoàn hai bên thì khả năng vô sinh rất cao.
Sinh non hoặc thai chết lưu
Mắc quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng. Trong ba tháng cuối của thai kỳ có thể bị sinh non hoặc thai chết lưu.
Viêm não - màng não
Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 25% với các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật, một số trường hợp có biểu hiện liệt giống sốt bại liệt. Tuy nhiên, diễn tiến của viêm não - màng não do quai bị thường ít để lại di chứng.
Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp gặp khoảng 3-7%, thường là ở người lớn, phần lớn là thể ẩn, chỉ biểu hiện biến đổi qua xét nghiệm. Một số triệu chứng có thể gặp là sốt trở lại, đau thượng vị kèm theo các triệu chứng hay gặp như nôn, đầy bụng, ỉa lỏng, chán ăn...
Khi mắc quai bị, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc chống viêm vì không có tác dụng ngăn lại biến chứng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Với trẻ nhỏ bị quai bị, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc đúng cách để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.