Bệnh phong là một loại nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Trước đây, bệnh phong dễ lây lan và có sức tàn phá khủng khiếp, nhưng giờ đây chúng ta đã có thể kiểm soát và điều trị bệnh nếu được chẩn đoán kịp thời.
1. Bệnh phong là gì?
Bệnh phong hay còn có tên gọi khác là Hansen, một nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Những vi khuẩn này phát triển rất chậm và có thể mất đến 20 năm để xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến thần kinh, da, mắt và niêm mạc mũi. Vi khuẩn tấn công các dây thần kinh và có thể gây sưng tấy dưới da. Điều này có thể làm cho các khu vực bị ảnh hưởng mất khả năng xúc giác và cảm giác đau, từ đó dẫn đến nhiều tổn thương như vết cắt và bỏng. Thông thường, vùng da bị ảnh hưởng sẽ thay đổi màu sắc và trở nên nhạt hoặc sẫm hơn, khô hay bong tróc, mất cảm giác, hơi đỏ do viêm da.
Nếu không được điều trị, tổn thương dây thần kinh có thể dẫn đến tê liệt bàn tay và chân. Trong những trường hợp rất nặng, người bệnh có thể bị đa chấn thương do không có cảm giác, cuối cùng dẫn đến mất ngón chân và tay. Loét giác mạc và mù lòa cũng có thể xảy ra nếu dây thần kinh mặt bị ảnh hưởng. Các dấu hiệu khác của bệnh phong giai đoạn nặng có thể bao gồm rụng lông mày, biến dạng mũi do vách ngăn bị tổn thương. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh phong sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tàn tật. Sau khi bắt đầu điều trị, người bệnh sẽ không còn khả năng lây bệnh cho người khác nữa.
Mỗi năm có khoảng 150 người ở Hoa Kỳ và 250.000 người trên khắp thế giới được chẩn đoán mắc bệnh phong. Trước đây, bệnh phong được coi là một căn bệnh rất dễ lây lan và có sức tàn phá khủng khiếp, nhưng giờ đây chúng ta đã có thể kiểm soát bệnh và dễ dàng điều trị nếu được chẩn đoán kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kỳ thị và định kiến về căn bệnh này, những người mắc phải căn bệnh này thường bị cô lập và phân biệt đối xử ở nhiều nơi. Chúng ta cần cam kết chống lại sự kỳ thị thông qua giáo dục và cải thiện khả năng tiếp cận điều trị.
2. Các triệu chứng của bệnh phong là gì?
Các triệu chứng chủ yếu ảnh hưởng đến da, dây thần kinh và màng nhầy. Bệnh gồm các triệu chứng điển hình như sau:
- Các mảng da đổi màu, thường phẳng, có thể tê và trông nhạt màu (sáng hơn vùng da xung quanh);
- Phát triển nốt sần trên da;
- Da dày, cứng hoặc khô;
- Loét không đau ở lòng bàn chân;
- Sưng hoặc cục u không đau trên mặt hoặc dái tai;
- Rụng lông mày hoặc lông mi;
- Các triệu chứng do tổn thương dây thần kinh là tê các vùng da bị ảnh hưởng, yếu cơ hoặc liệt cơ (đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân);
- Các vấn đề về mắt có thể dẫn đến mù lòa khi các dây thần kinh mặt bị ảnh hưởng;
- Các triệu chứng do bệnh gây ra ở màng nhầy gồm nghẹt mũi, chảy máu cam;
Nếu không được điều trị, bệnh phong có thể tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng sau:
- Tê liệt bàn tay và chân;
- Mất ngón tay, ngón chân;
- Loét mãn tính không lành ở đáy bàn chân;
- Mù lòa;
- Rụng lông mày;
- Biến dạng mũi;
- Đau dây thần kinh;
- Đỏ và đau xung quanh khu vực bị ảnh hưởng;
- Cảm giác bỏng rát trên da;
- Rối loạn cương dương;
- Suy thận.
3. Bệnh phong lây lan như thế nào?
Căn bệnh này không dễ lây lan. Bạn không thể mắc bệnh phong khi tiếp xúc bình thường với một người mắc bệnh như bắt tay hoặc ôm, ngồi cạnh nhau trên xe buýt, ngồi cùng nhau trong bữa ăn. Bệnh cũng không truyền từ mẹ sang thai nhi trong thời kỳ mang thai và cũng không lây qua đường tình dục.
Người ta không biết chính xác bệnh phong lây lan giữa người với người như thế nào. Các nhà khoa học hiện cho rằng điều này có thể xảy ra khi một người mắc bệnh phong ho hoặc hắt hơi và một người khỏe mạnh hít phải những giọt có chứa vi khuẩn. Cần tiếp xúc lâu dài, gần gũi với người bị bệnh phong không được điều trị trong nhiều tháng thì mới mắc bệnh. Theo Tạp chí Y học New England, một loài armadillo có nguồn gốc từ miền nam Hoa Kỳ và Mexico cũng có thể mang bệnh rồi truyền sang người.
Do đặc tính vi khuẩn phát triển chậm và thời gian phát triển các dấu hiệu của bệnh rất lâu nên chúng ta thường rất khó tìm ra nguồn lây bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian ủ bệnh phong trung bình (khoảng thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên) là 5 năm. Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong khoảng thời gian 20 năm. Vì vậy để tìm ra nguồn lây lan bệnh phong không phải là điều dễ dàng.
4. Bệnh phong được điều trị như thế nào?
Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ lấy mẫu sinh thiết da để tìm vi khuẩn dưới kính hiển vi. Người bệnh cũng có thể phải làm các xét nghiệm để loại trừ bệnh lý ngoài da khác.
Bệnh phong được điều trị bằng sự kết hợp của nhiều loại thuốc kháng sinh. Thông thường, 2 hoặc 3 loại kháng sinh được sử dụng cùng lúc. Đây được gọi là liệu pháp đa thuốc. Chiến lược này giúp ngăn ngừa sự phát triển vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Những loại kháng sinh dùng điều trị bệnh phong bao gồm: Dapsone (Aczone), Rifampin (Rifadin), Clofazimine (Lamprene), Minocycline (Minocin), Ofloxacin (Ocuflux). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các loại thuốc chống viêm như Aspirin (Bayer), Prednisone (Rayos) hoặc Thalidomide. Quá trình điều trị bệnh phóng sẽ kéo dài trong nhiều tháng và có thể lên tới 1 đến 2 năm. Lưu ý bạn không nên dùng thalidomide nếu bạn đang hoặc có thể mang thai vì thuốc có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Bệnh phong có thể khỏi nếu điều trị dứt điểm nếu tuân thủ theo chỉ định bác sĩ. Nếu bạn đang điều trị bệnh phong, cần lưu ý các điểm sau đây:
- Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị tê hoặc mất cảm giác ở một số bộ phận của cơ thể. Điều này có thể do tổn thương dây thần kinh. Khi mất cảm giác, các vết thương như bỏng có thể không được chú ý vì bệnh nhân có thể không cảm thấy cơn đau. Do đó hãy hết sức thận trọng để đảm bảo các bộ phận của cơ thể không bị thương hay bị bỏng.
- Uống thuốc kháng sinh theo đúng liệu trình điều trị. Nếu bạn dừng thuốc sớm hơn chỉ định, vi khuẩn có thể bắt đầu phát triển trở lại và bệnh có thể tái phát, thậm chí là nặng hơn.
- Hãy liên hệ với bác sĩ nếu các mảng da bị ảnh hưởng trở nên đỏ và đau, các dây thần kinh bị sưng lên hay bị sốt, vì đây có thể là các biến chứng bệnh phong. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy cần điều trị tích cực hơn.
Thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh phong. Chúng có thể chữa khỏi bệnh và ngăn không cho bệnh trở nên tồi tệ hơn nhưng lại không thể đảo ngược các tổn thương thần kinh hoặc biến dạng thể chất đã xảy ra trước khi chẩn đoán. Vì vậy, điều rất quan trọng là bệnh phải được chẩn đoán càng sớm càng tốt, trước khi xảy ra bất kỳ tổn thương thần kinh vĩnh viễn nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com/health/leprosy, cdc.gov