Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn liên quan tới thần kinh cơ, dẫn tới yếu cơ hoặc suy nhược cơ. Các phương pháp điều trị bệnh nhược cơ hiện nay đều nhằm mục đích làm thuyên giảm triệu chứng bệnh, ức chế sự phát triển của bệnh chứ không thể trị bệnh khỏi hẳn.
1. Tìm hiểu về bệnh nhược cơ
Nhược cơ là bệnh xảy ra do tình trạng mất liên lạc giữa thần kinh và cơ, dẫn tới giảm trương lực cơ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường phát muộn muộn khi người bệnh đã có biến chứng khó thở, suy hô hấp nên dễ tử vong.
Dấu hiệu bệnh nhược cơ đặc trưng là yếu cơ. Bệnh nhân có thể bị yếu một hoặc toàn bộ các cơ trên cơ thể. Biểu hiện đầu tiên của bệnh thường ở các cơ mắt, cơ nhai, cơ mặt và cơ cổ. Khi bệnh tiến triển tới giai đoạn cuối, toàn bộ các cơ trên cơ thể đều bị yếu, suy nhược. Triệu chứng điển hình của bệnh là Sụp mi, nhai nuốt khó khăn, khó phát âm, cổ bị rủ xuống. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn sau, cơ hoành, có liên sườn, cơ thành bụng, cơ chi,... đều yếu dần.
2. Bệnh nhược cơ có chữa được không?
Trong điều trị bệnh nhược cơ, các bác sĩ thường kết hợp các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, làm giảm nhẹ các triệu chứng và ức chế sự tiến triển của bệnh chứ không thể chữa khỏi tận gốc bệnh.
Hiện nay, việc điều trị bệnh nhược cơ đã có những bước tiến đáng kể. Người bệnh có thể có một cuộc sống gần như người khỏe mạnh bình thường với tuổi thọ không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân nhược cơ sẽ phải lệ thuộc vào các loại thuốc trị bệnh trong nhiều năm hoặc suốt đời và các loại thuốc trị bệnh có thể tồn tại một số tác dụng phụ nguy hiểm.
Những phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh nhược cơ gồm:
- Acetylcholinesterase: Có tác dụng trong điều trị ban đầu đối với bệnh nhân nhược cơ nhẹ, mới được chẩn đoán mắc nhược cơ;
- Thuốc chế miễn dịch: Gồm corticoid hoặc nhóm thuốc không chứa steroid, dùng để ức chế hoạt động tự miễn dịch ở khe synap thần kinh - cơ. Tuy nhiên, corticoid nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm;
- Phẫu thuật tuyến ức: Có tới 85% bệnh nhân nhược cơ gặp các vấn đề bất thường về tuyến ức nên phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức là một phương pháp điều trị bệnh đang được áp dụng rộng rãi. Phương pháp này cho kết quả tương đối khả quan nhưng gặp khó khăn khi điều trị hậu phẫu. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nhược cơ tiếp tục được điều trị bằng prednisolon với liều lượng trung bình;
- Lọc huyết tương: Lọc bỏ các kháng thể kháng thụ thể và các thành phần bổ thể trong huyết tương của người bệnh nhược cơ, giúp làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nhược cơ;
- Phương pháp khác: Bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị ngắn hạn như truyền immunoglobulin miễn dịch hoặc thay huyết tương cho bệnh nhân diễn tiến xấu, bệnh nhân trước phẫu thuật tuyến ức. 2 phương pháp này cho kết quả tốt nhưng không có tác dụng lâu dài.
Ngoài ra, bệnh nhân nhược cơ cần bổ sung thêm vitamin, canxi, kali và dùng thuốc bảo vệ dạ dày để hạn chế tác dụng phụ của corticoid.
Khi tuân thủ việc điều trị bệnh nhược cơ đúng phác đồ trị liệu bằng thuốc, có thể thấy hiệu quả ban đầu sau 2 - 4 tuần điều trị và hiệu quả tối ưu sau 6 - 12 tháng. Với trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức, bệnh nhược cơ sẽ được cải thiện sau phẫu thuật 12 - 18 tháng.
3. Một số lưu ý quan trọng cho bệnh nhân nhược cơ
- Bệnh nhân nhược cơ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và lao động phù hợp. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là thực phẩm giàu kali như đu đủ và chuối vì chúng tốt cho hoạt động của cơ. Đồng thời, cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao;
- Khi có triệu chứng cảnh báo nhược cơ nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, chỉ định điều trị và tư vấn chính xác;
- Các loại thuốc điều trị bệnh nhược cơ đều có tác dụng phụ nên khi dùng thuốc kéo dài cần chú ý hạn chế các tác dụng phụ của thuốc;
- Tránh gắng sức, căng thẳng tâm lý, tránh bị nhiễm trùng, giữ tinh thần thoải mái;
- Tránh sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng trực tiếp tới dẫn truyền thần kinh - cơ như kháng sinh nhóm aminoglycosid, ketolide;
- Lưu ý tới việc sử dụng quá liều thuốc kháng cholinesterase như neostigmine hoặc Pyridostigmine có thể khiến bệnh yếu cơ thêm trầm trọng hoặc gây ra các rối loạn cholinergic với biểu hiện tăng tiết nước bọt, mồ hôi, nước mắt hoặc gây nôn ói;
- Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc dùng thêm các loại thuốc khác khi không được bác sĩ chỉ định.
Tuy việc điều trị bệnh nhược cơ tương đối phức tạp và đòi hỏi phải kiên trì nhưng nhờ có sự tiến bộ của y học, bệnh nhân có thể có một cuộc sống gần như người bình thường. Vì vậy, bệnh nhân nhược cơ nên giữ tư tưởng thoải mái, vận động vừa phải và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh.