Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh mạch vành là tên gọi chung của một nhóm các bệnh lý liên quan đến mạch vành - mạch máu duy nhất đến nuôi dưỡng cho cơ tim, nó có thể là xơ vữa mạch vành, thiểu năng vành, suy vành. Bệnh mạch vành được chia thành nhiều dạng bệnh lý, mỗi dạng có những triệu chứng và nguy hiểm khác nhau.
1. Điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành?
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa mạch vành, bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid máu
- Tiểu đường
- Hút thuốc lá
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim sớm (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi)
- Tuổi cao
2. Bệnh động mạch vành được chia làm mấy loại?
Bệnh động mạch vành thường bao gồm 3 dạng bệnh lý như sau:
- Đau thắt ngực ổn định
Đau thắt ngực ổn định là một dạng đau ngực thường gặp trong bệnh lý mạch vành. Được gọi là “ổn định” bởi vì nó thường mang tính chất tương tự nhau trong mỗi lần xuất hiện. Cụ thể, cơn đau thường chỉ xảy ra khi đang thực hiện các hoạt động phải dùng nhiều sức như chơi thể thao, mang vác nặng, leo cầu thang... hay khi căng thẳng tâm lý, một số trường hợp có thể xuất hiện khi nhiệt độ môi trường đột ngột xuống thấp. Các cơn đau này thường sẽ giảm dần mức độ khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch.
Người bệnh thường mô tả với cảm giác đau hay khó chịu ở ngực, ngay phía dưới xương ức, cảm giác giống như trái tim bị bóp chặt hay bị một vật rất nặng đè lên. Cơn đau có thể lan lên cổ, vai, hàm, lưng, cánh tay. Trong cơn đau thắt ngực ổn định, cũng có thể đi kèm các triệu chứng như khó thở, buồn nôn, mệt mỏi, toát mồ hôi hay lo lắng, căng thẳng.
Có thể gặp cơn đau thắt ngực ổn định vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, buổi sáng là thời điểm các cơn đau thắt ngực ổn định dễ xuất hiện nhất.
Cơn đau thắt ngực ổn định nếu không được điều trị tốt có thể tiến triển thành cơn đau thắt ngực không ổn định, lúc này nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao. Chính vì vậy, người bệnh cần điều trị hết sức tích cực và cách hiệu quả nhất đó là kết hợp đồng bộ tất cả các giải pháp trên.
- Đau thắt ngực không ổn định
Khác với cơn đau thắt ngực ổn định là do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành và làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim, cơn đau chỉ xuất hiện khi người bệnh gắng sức và giảm hoặc hết hẳn đau khi nghỉ ngơi. Đau thắt ngực không ổn định (hội chứng mạch vành cấp) là khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ đột ngột làm xuất hiện cục máu đông hoặc mảnh vỡ gây tắc nghẽn dòng máu đến nuôi tim gây đau thắt ngực, nhưng chưa làm tổn thương ở cơ tim. Tuy nhiên, đó lại tiền đề cho cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai.
Tương tự như cơn đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định cũng có các triệu chứng điển hình như: đau nhói tim bên trái, có thể lan ra cánh tay trái hoặc ra phía sau xương ức. Đôi khi, biểu hiện của cơn đau còn xuất hiện ở cổ hoặc hàm. Người bệnh có thể cảm thấy khó tiêu, đầy trướng, buồn nôn, đánh trống ngực, khó thở, choáng váng, ra mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, cơn đau thắt ngực không ổn định thường nặng hơn, dai dẳng và đột ngột hơn đau thắt ngực ổn định.
Cụ thể, đau thắt ngực được coi là không ổn định thường đặc trưng bởi các biểu hiện dưới đây:
- Cơn đau không liên quan đến gắng sức, thường xuất hiện ngay cả lúc nghỉ ngơi, khi bị stress, thời tiết thay đổi hay xảy ra vào nửa đêm về sáng.
- Cơn đau thường kéo dài trên 15 phút, không giảm khi nghỉ ngơi và không đáp ứng với thuốc giãn mạch như các cơn đau thắt ngực ổn định.
- Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là tình trạng bị tắc hoàn toàn động mạch vành (ĐMV) một cách nhanh chóng gây hoại tử vùng cơ tim phía sau phần nuôi dưỡng của đoạn ĐMV bị tắc. Về cơ chế gây nhồi máu cơ tim cũng giống phần nào so với cơn đau thắt ngực không ổn định là do sự nứt vỡ của mảng xơ vữa và gây huyết khối bịt tắc hoàn toàn ĐMV.
Triệu chứng điển hình nhất của cơn nhồi máu cơ tim là đau thắt ngực. Cơn đau khiến người bệnh có cảm giác như bị một bàn tay vô hình bóp chặt lấy tim, đè nén lồng ngực. Nó có thể lan xuống hàm, vai, cổ, cánh tay trái... một vài phút và lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, có những trường hợp nhồi máu cơ tim nhưng không hề xuất hiện triệu chứng đau ngực, mà thay vào đó là những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với chứng bệnh khác, khiến người bệnh thường bỏ qua, bao gồm:
Những trường hợp này còn được gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, thường gặp ở phụ nữ, người già, mắc bệnh tiểu đường lâu năm... Do đó, khi gặp phải bất kỳ triệu chứng nào để trên, bạn hãy cảnh giác với cơn nhồi máu cơ tim và cần nhanh chóng đi khám để được xử trí kịp thời.
3. Cần phải làm gì để chẩn đoán bệnh động mạch vành?
Nếu có những triệu chứng của bệnh nên đi khám bác sĩ để làm các xét nghiệm cần thiết như:
- Điện tâm đồ (ĐTĐ) thường quy là một thăm dò đơn giản giúp chẩn đoán bệnh.
- Xét nghiệm máu: các men tim có trong máu có thể bình thường hoặc tăng trong nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim: thường giúp ích cho chẩn đoán, hình ảnh rối loạn vận động vùng (nếu có), đánh giá chức năng thất trái (đặc biệt sau nhồi máu cơ tim) và các bệnh lý tổn thương van tim kèm theo hoặc giúp cho các bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.
- Nghiệm pháp gắng sức là phương pháp ghi lại những thay đổi của trái tim khi bạn phải hoạt động gắng sức (nếu có chỉ định).
- Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thông tim và chụp mạch vành. Đây là biện pháp tốt nhất và hiện đại nhất cho phép chẩn đoán bệnh lý động mạch vành bởi vì nó cho phép người bác sĩ có thể nhìn thấy chính xác động mạch vành nào bị hẹp hay tắc dưới màn huỳnh quang tăng sáng.
4. Cách phòng ngừa bệnh động mạch vành hiệu quả
Một số cách phòng ngừa bệnh động mạch vành hiệu quả:
- Chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo trans. Hạn chế muối, đường, rượu bia. Tăng cường rau quả, trái cây và nên ăn ít nhất 2 bữa cá một tuần. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, thay vì 3 bữa no căng bụng.
- Không hút thuốc lá: Chất nicotin trong thuốc lá làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa, cục máu đông và gây co thắt động mạch.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Căng thẳng có thể làm tổn thương trái tim của bạn. Hãy giữ tinh thần luôn thoải mái, bớt căng thẳng, stress bằng hít sâu thở chậm, thiền hoặc yoga...
- Nếu biết trước rằng một công việc, hành động có thể gây đau thắt ngực, bạn hãy thực hiện nó một cách chậm rãi và nhẹ nhàng. Hạn chế leo cầu thang hay khuân vác vật nặng. Sử dụng một viên nitroglycerin trước khi bắt đầu một hoạt động đòi hỏi sự gắng sức có thể gây đau thắt ngực, chẳng hạn như đi bộ, leo dốc, quan hệ tình dục...Hãy gọi cho bác sĩ ngay khi có cơn đau thắt ngực dữ dội, bất ngờ khi đang ngủ, nghỉ ngơi.