Bệnh lý suy tĩnh mạch và các biện pháp điều trị

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Vũ Thị Tuyết Mai, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Suy tĩnh mạch là để chỉ những trường hợp máu tĩnh mạch không theo đường chảy bình thường mà trào ngược lại ngoại biên vốn đã bị ứ huyết. Nếu không điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hệ tĩnh mạch có chức năng đưa máu trở về tim, khi suy yếu sẽ gây tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch và dòng máu trở về tim bị hạn chế, ứ trệ máu trong hệ tĩnh mạch, thường gây ra bởi sự phối hợp của các yếu tố sau: suy hệ thống van tĩnh mạch, huyết khối gây tắc nghẽn, hoặc suy yếu chức năng bơm đẩy máu của hệ thống cơ xung quanh, đặc biệt là cơ bắp chân.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tần suất mắc bệnh có thể lên đến 50%, tùy dân số, và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam

1. Nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng

Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm: tuổi cao, yếu tố gia đình, thai kỳ, shunt động tĩnh mạch, chấn thương, huyết khối tĩnh mạch trước đó, béo phì, tư thế đứng lâu, hút thuốc lá.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể từ nhẹ như không có triệu chứng, mỏi, nặng, vọp bẻ chân, da khô, phù chân, giãn tĩnh mạch nổi dưới da, da đổi sậm màu, loét tĩnh mạch khó lành, hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây biến chứng thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng.

Phân độ theo lâm sàng, nguyên nhân, giải phẫu và bệnh học của bệnh (CEAP), hiện có 7 mức độ (0-6), chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng:


Phân độ lâm sàng suy giãn tĩnh mạch
Phân độ lâm sàng suy giãn tĩnh mạch

2. Điều trị

2.1. Điều trị bảo tồn

Được áp dụng cho mọi trường hợp, để làm chậm diễn tiến và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Nếu điều trị bảo tồn thất bại hoặc cải thiện không đáng kể, sẽ dựa vào cấu trúc giải phẫu và sinh lý bệnh để chọn lựa các biện pháp can thiệp tiếp theo.

Thay đổi thói quen sinh hoạt:

  • Hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, nằm nghỉ kê cao chân;
  • Tập thể thao nhịp nhàng: chạy bộ, đi bộ, bơi lội, xe đạp, khiêu vũ...;
  • Giảm cân, tránh béo phì;
  • Ăn nhiều chất xơ, rau quả, uống nhiều nước;
  • Tránh táo bón;
  • Không nên thoa dầu nóng, ngâm chân trong nước nóng, hoặc nước muối khoáng nóng;
  • Đối với những bệnh nhân phải nằm bất động tại chỗ lâu dài nên tập vật lý trị liệu và xem xét sử dụng thuốc kháng đông để phòng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Mang vớ y khoa hoặc băng thun:

Mức độ áp lực của vớ phụ thuộc vào độ nặng của bệnh. CEAP C2- C3 mức áp lực 20-30 mmHg, C4--C6 mức 30-40 mmHg, loét tĩnh mạch tái phát 40-50 mmHg, chiều dài vớ đến gối thường được sử dụng, vì bệnh nhân tuân thủ tốt hơn, và mức cải thiện triệu chứng chấp nhận được và nên thay vớ mỗi 6-9 tháng để đảm bảo mức áp lực nếu mang vớ hàng ngày.

Liệu pháp tập luyện thể dục:

Bất thường chức năng bơm của các cơ vùng bắp chân đóng một vai trò đáng kể trong cơ chế sinh lý bệnh của bệnh lý tĩnh mạch. Việc phục hồi chức năng bơm của các cơ bắp chân bằng các hoạt động tập luyện, thể dục hàng ngày được chứng minh là làm cải thiện triệu chứng có ý nghĩa, đặc biệt các giai đoạn nặng C4 –C6

Điều trị bằng thuốc:

Có 4 nhóm thuốc được sử dụng để điều trị hiện nay bao gồm coumarins, flavonoids, saponosides và các dẫn chất thực vật khác, có tác dụng làm tăng trương lực tĩnh mạch, được sử dụng rộng rãi tại Châu âu cho thấy cải thiện triệu chứng, nhưng chưa được FDA Mỹ công nhận.

2.2. Các biện pháp điều trị bằng can thiệp tĩnh mạch

Chích xơ là biện pháp làm tắc các mao mạch giãn (<1mm), nhánh tĩnh mạch phình dãn (1-4 mm), và các đoạn tĩnh mạch có dòng trào ngược bằng các chất gây xơ hóa như dung dịch ưu trương natri chloride 23,4% và các nhóm khác như sodium iodide và chromated glycerin. Biến chứng có thể gặp của chích xơ là làm tăng sắc tố da vùng điều trị


Chích xơ điều trị bằng can thiệp tĩnh mạch
Chích xơ điều trị bằng can thiệp tĩnh mạch

Biện pháp can thiệp nội tĩnh mạch

Dùng năng lượng nhiệt từ sóng cao tần hay laser để gây xơ hóa, huyết tắc những tĩnh mạch đã bị suy yếu, thường được sử dụng điều trị dòng trào ngược tại tĩnh mạch hiển lớn, thay thế cho phẫu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch nông stripping trước đây. Tỷ lệ thành công, cải thiện triệu chứng trong các nghiên cứu lên đến 95%. Một nghiên cứu so sánh các biện pháp can thiệp như dùng laser, sóng cao tần, chích xơ, phẫu thuật stripping điều trị dòng trào ngược tĩnh mạch hiển lớn cho thấy hiệu quả của các biện pháp ngang nhau, nhưng khả năng thất bại của biện pháp chích xơ cao hơn, và việc hồi phục sau thủ thuật khi dùng sóng cao tần và chích xơ cao hơn phẫu thuật stripping và laser.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, biện pháp can thiệp dùng năng lượng nhiệt laser hoặc sóng cao tần cho thấy khá an toàn, tỷ lệ biến chứng huyết khối thấp <1%

Phẫu thuật ngoại khoa

Cắt bỏ, thắt, các đoạn tĩnh mạch đã bị suy, giãn. Thời gian phục hồi chậm hơn, đau nhiều hơn. Hiện tại phương pháp phẫu thuật ít được sử dụng so với trước đây do các biện pháp điều trị can thiệp nội tĩnh mạch ngày càng chứng minh được tính an toàn và hiệu quả.

Biện pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh, vì vậy khi xuất hiện dấu hiệu bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, bạn hãy đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn điều trị. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe