Bài viết bởi Tiến sĩ Đào Thị Mai Lan - Chuyên viên Y tế - Công nghệ gen - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Bệnh động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức và nhất thời của các tế bào thần kinh ở não. Bệnh động kinh ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh thì cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
1. Bệnh động kinh là gì?
Bệnh động kinh là một rối loạn của hệ thần kinh trung ương gây ra các cơn động kinh tự phát và tái phát. Bệnh động kinh ở trẻ em là một trong những rối loạn phổ biến nhất của hệ thần kinh. Bệnh động kinh gây ảnh hưởng đến trẻ em thuộc mọi chủng tộc và nguồn gốc dân tộc.
Não bộ bao gồm các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau thông qua hoạt động điện. Cơn động kinh xảy ra khi một hoặc nhiều phần của não bộ có một loạt các tín hiệu điện bất thường, gây ra sự xung đột làm gián đoạn các tín hiệu bình thường của não. Bất cứ điều gì làm gián đoạn các kết nối bình thường giữa các tế bào thần kinh đều có thể gây ra cơn động kinh. Khi trẻ có từ 2 cơn động kinh trở lên với khoảng thời gian lớn hơn 24 giờ mà không rõ nguyên nhân thì được chẩn đoán là bệnh động kinh.
Có nhiều dạng động kinh khác nhau. Nếu phân loại động kinh phụ thuộc vào vị trí và mức độ ảnh hưởng trên não và những gì xảy ra trong cơn động kinh thì có 2 loại động kinh chính là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể.
2. Động kinh cục bộ
Động kinh cục bộ xảy ra khi điện não bất thường xảy ra ở một hoặc nhiều vùng trên một bên bán cầu não. Trước cơn động kinh cục bộ, trẻ có thể có dấu hiệu báo trước cơn động kinh sắp xảy ra. Dấu hiệu báo trước phổ biến bao gồm: thay đổi cảm xúc, thấy ảo giác, cảm giác sự diệt vong sắp xảy ra, cảm giác sợ hãi hoặc cảm giác hưng phấn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có những thay đổi về thị giác, thính giác, hoặc khứu giác. Có 2 loại cơn động kinh cục bộ là:
- Động kinh cục bộ dạng đơn giản: Các triệu chứng của động kinh phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Nếu chức năng điện não bất thường ở phần não mà liên quan đến thị lực (thuỳ chẩm), thị lực của trẻ có thể bị thay đổi. Ngoài ra hệ cơ cũng bị ảnh hưởng. Hoạt động co giật chỉ giới hạn trong một nhóm cơ ví dụ như: các cơ ở ngón tay hoặc các cơ lớn hơn ở cánh tay và chân. Trẻ có thể bị đổ mồ hôi, buồn nôn, xanh xao. Tuy nhiên trẻ không bị mất ý thức trong dạng cơn động kinh này.
- Động kinh cục bộ dạng phức tạp: Loại cơn động kinh này thường xảy ra ở vùng não kiểm soát cảm xúc và chức năng ghi nhớ (Thuỳ thái dương). Trẻ có thể sẽ bị thay đổi ý thức hoặc ngừng nhận thức về những việc đang xảy ra xung quanh mình. Trẻ có thể trông khá tỉnh táo, tuy nhiên lại có một loạt các hành vi bất thường như bịt miệng, chu môi, chạy, la hét, khóc hoặc cười. Trẻ có thể mệt mỏi và buồn ngủ sau cơn động kinh.
3. Động kinh toàn thể
Động kinh toàn thể xảy ra ở cả hai bên bán cầu não. Trẻ thường mất ý thức trong cơn động kinh và mệt mỏi sau cơn động kinh (trạng thái sau cơn động kinh). Các dạng cơn động kinh toàn thể bao gồm:
- Cơn động kinh vắng ý thức: Hay còn gọi là chứng giật nhẹ. Cơn động kinh gây ra một trạng thái thay đổi ngắn về nhận thức và trẻ duy trì tư thế nhìn chăm chú trong một khoảng thời gian. Mặt và miệng của trẻ có thể co giật hoặc mắt có thể chớp nhanh. Cơn động kinh thường kéo dài không quá 30 giây. Khi hết cơn trẻ có thể sẽ không nhớ những gì vừa xảy ra và chúng có thể tiếp tục các hoạt động như bình thường. Những cơn động kinh vắng ý thức có thể diễn ra vài lần trong ngày. Loại động kinh này đôi khi bị nhầm lẫn với một vấn đề nào đó trong học tập và hành vi. Các cơn động kinh vắng ý thức thường bắt đầu ở trẻ từ 4-12 tuổi.
- Cơn động kinh mất trương lực: trong cơn động kinh, trẻ bị mất trương lực cơ đột ngột và có thể ngã từ tư thế đứng hoặc gục đầu xuống đột ngột. Trong cơn động kinh, trẻ yếu ớt và không có phản ứng.
- Cơn động kinh co cứng-co giật toàn thể: Đây là dạng cơn động kinh nặng nề nhất. Điển hình của loại cơn động kinh này bao gồm các giai đoạn riêng biệt. Đầu tiên, cơ thể, cánh tay, và chân của trẻ sẽ co cứng lại, rồi duỗi ra và run rẩy. Tiếp theo là sự co lại và thư giãn của các cơ và thời kỳ sau co giật. Sau co giật trẻ có thể buồn ngủ. Trẻ có thể gặp một số vấn đề về thị lực giọng nói, có thể bị đau đầu, mệt mỏi hoặc đau nhức cơ thể sau cơn giật. Tuy nhiên không phải tất các giai đoạn này đều xảy ra ở tất cả mọi người.
- Cơn giật cơ: Loại co giật này gây ra các cử động nhanh hoặc giật một cách đột ngột của một nhóm cơ. Những cơn co giật này có xu hướng xảy ra theo từng cụm cơ, có thể xảy ra vài lần trong ngày hoặc trong vài ngày liên tiếp.
4. Nguyên nhân gây ra động kinh ở trẻ em
Cơn động kinh có thể do nhiều nguyên nhân bao gồm:
- Tổn thương não do bệnh tật hoặc chấn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh
- Trẻ dùng thuốc
Cơn động kinh cũng có thể do sự kết hợp của những yếu tố trên. Trong hầu hết các trường hợp cơn động kinh không tìm ra căn nguyên.
5. Các triệu chứng động kinh ở trẻ em
Các triệu chứng của cơn động kinh phụ thuộc vào dạng động kinh. Các triệu chứng chung và dấu hiệu cảnh báo cơn động kinh bao gồm:
- Nhìn chằm chằm
- Động tác giật của cánh tay và chân
- Co cứng cơ thể
- Mất ý thức
- Khó thở hoặc ngừng thở
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang
- Bị ngã đột ngột mà không có nguyên nhân
- Không có phản ứng với tiếng ồn hoặc lời nói trong một thời gian ngắn
- Có vẻ bối rối và mê man
- Gật đầu nhịp nhàng đặc biệt khi liên quan đến mất nhận thức hoặc ý thức
- Chớp mắt nhanh
Trong cơn động kinh, môi của trẻ có thể bị tím tái, hơi thở không bình thường. Sau cơn co giật trẻ có thể cảm thấy buồn ngủ và lo lắng. Các triệu trứng của một cơn động kinh có thể giống như các triệu chứng của các bệnh khác. Do đó cần chẩn đoán sớm bệnh động kinh.
6. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ em?
Bệnh viện và các trung tâm y tế là nơi cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi thấy các triệu chứng của bệnh động kinh. Các bác sĩ có thể hỏi các câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh của trẻ như:
- Sốt hoặc nhiễm trùng gần đây
- Chấn thương ở đầu
- Tình trạng sức khỏe bẩm sinh
- Sinh non thiếu tháng
- Thuốc đã sử dụng gần đây
Các xét nghiệm kiểm tra bao gồm:
- Kiểm tra hệ thần kinh
- Xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề về đường huyết và các yếu tố khác
- Các chẩn đoán hình ảnh của não như cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp (CT)
- Điện não đồ để kiểm tra hoạt động điện trong não
- Chọc dò thắt lưng để đo áp lực trong não và ống sống, xét nghiệm dịch não tuỷ xem có bị nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác hay không
7. Điều trị bệnh động kinh ở trẻ em
Mục tiêu của điều trị bệnh động kinh là kiểm soát, cắt cơn hoặc giảm tần suất xuất hiện các cơn động kinh. Bệnh động kinh có thể điều trị bằng thuốc. Hiện nay có nhiều loại thuốc được sử dụng để kiểm soát các cơn co giật. Thuốc được lựa chọn trên dạng động kinh, độ tuổi của trẻ, các tác dụng phụ, chi phí và mức độ dễ sử dụng. Thuốc sử dụng tại nhà thường qua đường uống dưới dạng viên nang, viên nén, bột hoặc siro. Một số loại thuốc có thể được đưa vào trực tràng hoặc trong mũi. Nếu trẻ đang điều trị trong bệnh viện thì thuốc có thể được dùng qua đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch.
Điều rất quan trọng là phải cho trẻ uống thuốc đúng giờ và đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Liều dùng được bác sỹ điều chỉnh để kiểm soát cơn động kinh tốt nhất. Tất cả các loại thuốc chống động kinh đều có thể gây ra tác dụng phụ, tuy nhiên không được ngừng cho trẻ uống thuốc. Việc ngừng dùng thuốc đột ngột có thể gây ra nhiều cơn động kinh hơn hoặc cơn động kinh tồi tệ hơn. Trẻ có thể không cần dùng thuốc suốt đời. Một số trẻ được ngừng thuốc nếu không bị cơn động kinh nào trong 1 đến 2 năm. Điều này sẽ được quyết định bởi bác sĩ điều trị.
Trong quá trình dùng thuốc, các xét nghiệm có thể được tiến hành để kiểm tra hoạt động của thuốc bao gồm:
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu giúp kiểm tra nồng độ thuốc trong cơ thể. Dựa trên kết quả bác sĩ có thể thay đổi liều lượng dùng thuốc. Ngoài ra xét nghiệm máu còn kiểm tra sự ảnh hưởng của thuốc đến các nội quan khác.
- Điện não đồ: Điện não đồ ghi lại hoạt động điện của não thông qua các điện cực gắn bên ngoài, xét nghiệm này nhằm kiểm tra sự cải thiện dòng điện bất thường khi dùng thuốc.
8. Các phương pháp điều trị khác
Nếu thuốc không đạt hiệu quả kiểm soát các cơn động kinh hoặc bệnh nhân gặp vấn đề với các tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể tư vấn các phương pháp điều trị khác. Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
- Chế độ ăn Ketogenic: Là loại chế độ ăn kiêng giàu chất béo và rất ít chất bột. Chế độ ăn uống này khiến cơ thể sử dụng ketones (được phân huỷ từ chất béo) làm nguồn năng lượng. Chế độ ăn kiêng này cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt vì quá nhiều chất bột có thể ngăn chặn quá trình ketosis. Các nhà nghiên cứu chưa giải thích được lý do tại sao các chế độ ăn kiêng có thể giúp giảm các cơn động kinh. Tuy nhiên chế độ ăn kiêng này không phù hợp với mọi trẻ em.
- Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS): Phương pháp điều trị này thực hiện bằng cách gửi các xung điện năng lượng nhỏ đến não từ một trong các dây thần kinh phế vị-một đôi dây thần kinh lớn ở cổ. Nếu trẻ lớn hơn 12 tuổi, bị động kinh cục bộ mà không kiểm soát được bằng thuốc thì phương pháp kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) cũng có thể là một lựa chọn. VNS được thực hiện bằng cách phẫu thuật đặt một cục pin nhỏ vào thành ngực. Các dây nhỏ được gắn vào pin được đặt dưới da và xung quanh một trong các dây thần kinh phế vị. Sau đó, pin được lập trình để gửi các xung năng lượng đến não vài phút một lần. Khi trẻ cảm thấy cơn động kinh sắp xảy ra, trẻ có thể kích hoạt các xung điện bằng cách giữ một nam châm nhỏ ở trên pin giúp cắt các cơn co giật. Phương pháp VNS cũng có thể có tác dụng phụ như gây khàn giọng, đau cổ họng hoặc thay đổi giọng nói.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được thực hiện nhằm loại bỏ các phần não nơi xuất phát các cơn động kinh hoặc phẫu thuật giúp ngăn chặn sự lan truyền của các dòng điện bất thường lan tỏa trong não. Phẫu thuật là một lựa chọn nếu các cơn co giật của khó kiểm soát và luôn bắt đầu ở một phần não không ảnh hưởng đến giọng nói, trí nhớ và thị lực. Điều trị động kinh bằng phẫu thuật rất phức tạp đòi hỏi được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia về thần kinh. Trẻ vẫn có thể tỉnh táo trong khi phẫu thuật bởi bản thân bộ não không cảm thấy đau. Nếu trẻ tỉnh táo bác sĩ phẫu thuật có thể kiểm tra các vùng não của trẻ tốt hơn trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải là lựa chọn tốt cho tất cả mọi người.
9. Làm thế nào để trẻ sống chung với bệnh động kinh?
Gia đình có thể giúp trẻ bị động kinh tự kiểm soát sức khỏe bằng cách:
- Nếu độ tuổi phù hợp, hãy đảm bảo trẻ hiểu được loại động kinh mà chúng mắc phải và các loại thuốc cần thiết.
- Gia đình cần biết liều lượng, thời gian và tác dụng phụ của tất cả các loại thuốc. Cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ dẫn.
- Nói chuyện với bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng các loại thuốc khác. Thuốc chống động kinh được sử dụng kèm với loại thuốc khác có thể làm giảm hoạt động thuốc hoặc gây nhiều tác dụng phụ.
- Tránh bất cứ kích thích nào gây ra cơn động kinh. Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc vì thiếu ngủ có thể gây ra co giật.
- Cho trẻ đến bệnh viện và các cơ sở y tế để kiểm tra thường xuyên.
- Trẻ có thể không cần dùng thuốc suốt đời. Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi trẻ kiểm soát được cơn co giật trong 1 đến 2 năm.
- Nếu cơn co giật của trẻ được kiểm soát tốt, trẻ không cần hạn chế nhiều hoạt động. Đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi các môn thể thao.
10. Gia đình nên đến bệnh viện khi nào?
Gia đình hãy đưa trẻ đến bệnh viện và trung tâm y tế nếu:
- Các triệu chứng của trẻ trở nên tồi tệ hoặc không thuyên giảm.
- Trẻ bị tác dụng phụ của thuốc
11. Tóm tắt những điểm chính về bệnh động kinh ở trẻ em
- Cơn động kinh xảy ra khi một hoặc nhiều phần của não có một loạt các tín hiệu điện bất thường làm gián đoạn các tín hiệu bình thường.
- Có nhiều dạng động kinh, mỗi dạng có các loại triệu chứng khác nhau bao gồm từ cử động cơ thể nhẹ đến mất ý thức và co giật.
- Bệnh động kinh được xác định khi bệnh nhân có từ 2 cơn co giật trở lên tự phát và tái phát mà không rõ nguyên nhân.
- Bệnh động kinh có thể điều trị bằng thuốc. Trong một số trường hợp, bệnh có thể điều trị bằng kích thích dây thần kinh phế vị, phẫu thuật hoặc chế độ ăn kiêng.
- Cần tránh tất cả các kích thích gây ra cơn động kinh đặc biệt là thiếu ngủ.
12. Những điều cha mẹ cần lưu ý khi đến các cơ sở y tế
- Trước mỗi lần khám bệnh, cha mẹ hãy viết ra những câu hỏi quan tâm.
- Khi thăm khám, cha mẹ hãy viết tên của những chẩn đoán, loại thuốc, phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm mới được thực hiện gần nhất, những chỉ định của bác sĩ.
- Cha mẹ cần biết một loại thuốc tác dụng phụ của loại thuốc và phương pháp điều trị mới
- Cha mẹ có thể tìm hiểu xem trẻ có thể điều trị bằng phương pháp khác hay không.
- Cha mẹ nên biết lý do tại sao cần làm xét nghiệm, quy trình xét nghiệm và kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì.
- Cha mẹ nên biết điều gì sẽ xảy ra khi con ngừng dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Cha mẹ nên nhớ cuộc hẹn tái khám, hãy ghi lại ngày, giờ và mục đích của cuộc tái khám.
- Cha mẹ biết cách liên hệ với bác sĩ ngay cả khi không phải giờ làm việc, giúp cha mẹ giải đáp thắc mắc hoặc cần lời khuyên.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong các bệnh viện có chức năng thăm khám, điều trị tầm soát, chẩn đoán nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh động kinh. Đặc biệt để đem lại hiệu quả cao trong việc khám và điều trị bệnh, hiện nay Vinmec còn thiết kế nhiều dịch vụ y tế đi kèm được thực hiện từ các bác sĩ chuyên khoa ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Vinmec còn trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để xác định bệnh và phân loại giai đoạn bệnh động kinh như: Nội soi, CT scan, PET-CT scan, MRI, Điện não đồ,... Khi xác định được giai đoạn bệnh các bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Stanfordchildrens.org