Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Bác sĩ Chuyên khoa Thần Kinh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Dây thần kinh quay ít khả năng bị chèn ép mạn tính hơn các dây thần kinh giữa và trụ nhưng vẫn là một bệnh lý một dây thần kinh thường gặp do các tổn thương chèn ép cấp tính.
1. Giải phẫu cơ bản
Thần kinh quay là nhánh tận của bó sau đám rối cánh tay. Ở nách, thần kinh quay cho ba nhánh, bao gồm thần kinh bì cánh tay sau và các nhánh chi phối các đầu dài và đầu trong của cơ tam đầu cánh tay. Sau đó nó đi xuống cùng với động mạch cánh tay sâu ở giữa đầu dài cơ tam đầu và xương cánh tay và đi qua rãnh xoắn giữa các đầu trong và ngoài của cơ tam đầu. Hai nhánh cảm giác tách ra ở vùng này, bao gồm thần kinh bì cánh tay dưới ngoài, thần kinh bì trước cánh tay sau, và các nhánh vận động cho các đầu trong và ngoài của cơ tam đầu. Sau khi đi qua vách gian cơ ngoài, thần kinh quay chạy giữa các cơ cánh tay và cơ cánh tay quay ngay phía trước lồi cầu ngoài, với các nhánh cho cơ cánh tay quay và cơ duỗi cổ tay quay dài và ngắn. Thần kinh quay sau đó sẽ chia đôi ra hai nhánh tận, một nhánh cảm giác nông và một nhánh sâu gọi là thần kinh gian cốt sau.
Thần kinh gian cốt sau đi qua vòm của Fröhse, tạo thành bởi một vòm xơ bắt nguồn từ đầu nông của cơ ngửa tại chỗ bám của nó vào lồi cầu ngoài. Thần kinh gian cốt sau đi ở giữa và phân nhánh vào các đầu nông và sâu của cơ ngửa để hỗ trợ cho các cơ duỗi cổ tay và ngón tay. Nhánh cảm giác nông chi phối cảm giác cho mặt sau ngoài của bàn tay. Nó nằm dưới cơ cánh tay quay ở khuỷu và ở gốc cẳng tay khi nó đi xuống cùng với động mạch quay. Ở một phần ba ngọn cẳng tay, thần kinh tách xa khỏi động mạch và chạy ra nông phía dưới gân cơ cánh tay quay. Thần kinh sau đó sẽ đi giữa gân cơ cánh tay quay và gân cơ duỗi dài cổ tay quay. Xa hơn nữa, thần kinh xuyên qua mạc cẳng tay phía phủ ở trên và chia thành các nhánh ngoài và trong và cuối cùng là thần kinh mu ngón tay.
2. Biểu hiện lâm sàng và khám thực thể
Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh thần kinh quay là những triệu chứng của ép cấp tính, thường được biết đến là hội chứng liệt đêm Thứ 7. Trong hội chứng này, bệnh nhân đè ép mặt trong cánh tay vào một bề mặt cứng (ví dụ: cánh tay vắt lên một cái ghế tựa) trong một giấc ngủ dài, an thần sâu, hoặc say rượu. Họ có thể thức dậy với biểu hiện không thể duỗi được các ngón tay hoặc cổ tay (bàn tay rủ). Tê buốt và dị cảm biểu hiện ở mặt sau ngoài của bàn tay. Đau ở rãnh xoắn là tương đối ít gặp. Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 3 tháng.
Vì mối liên quan gần giữa thần kinh quay và xương cánh tay, gãy thân xương cánh tay cũng là một nguyên nhân thường gặp của bệnh thần kinh quay. Các dấu hiệu khám thực thể phụ thuộc vào mức gãy xương. Biểu hiện cấp tính dễ dàng được phát hiện trong phần lớn ca bệnh, nhưng tổn thương muộn có thể bị bỏ sót. Bệnh thần kinh quay tiến triển chậm có thể gặp khi gãy xương đang liền vì hình thành can xương tạo ra bẫy thần kinh hoặc có thể liên quan đến vật liệu cứng dùng khi phẫu thuật để điều trị gãy xương.
Hội chứng gian cốt sau là một hội chứng vận động đơn thuần mà không kèm theo mất cảm giác. Nó ít gặp hơn ép thần kinh quay ở rãnh xoắn và nguyên nhân là do ép thần kinh gian cốt sau tại vòm của Fröhse liên quan đến động tác ngửa lặp đi lặp lại, các tổn thương choán chỗ, và chấn thương. Nó biểu hiện là yếu rõ duỗi ngón tay và mức độ nhẹ hơn của yếu duỗi cổ tay. Duỗi cổ tay có thể được bảo tồn tương đối nhờ cơ duỗi dài cổ tay quay được chi phối bởi nhánh tách ra gần với chỗ chia nhánh của thần kinh quay. Vì thần kinh gian cốt sau là một thần kinh vận động đơn thuần, các bệnh nhân sẽ không có triệu chứng cảm giác. Bệnh nhân đôi khi có triệu chứng mơ hồ ở mặt sau cẳng tay, nặng lên khi ngửa cánh tay. Đau khi ngửa cẳng tay chống lại lực cản có thể được sử dụng như là một test gợi, nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu của nó chưa được xác định rõ.
Các tổn thương riêng của nhánh cảm giác nông cũng có thể xảy ra. Chúng có thể do ép cục bộ hoặc chấn thương, như trong chứng đau dị cảm bàn tay (ép nhánh cảm giác nông của thần kinh quay tại cổ tay), hoặc như là một thể hiếm gặp của bệnh một dây thần kinh do đái tháo đường. Các bệnh nhân có mất cảm giác, đôi khi đi kèm với dị cảm khó chịu ở mặt sau ngoài của bàn tay. Khám cảm giác ở vùng bị ảnh hưởng và không thấy yếu vận động là quyết định cho chẩn đoán lâm sàng.
3. Thăm dò chẩn đoán điện
Thăm dò chẩn đoán điện thần kinh quay cần thăm dò dẫn truyền thần kinh và điện cơ (EMG) cắm kim. Điển hình, đáp ứng vận động được ghi lại ở cơ duỗi ngón trỏ sau kích thích ở cẳng tay, phía ngoài khuỷu tay, và rãnh xoắn. Điều này cho phép đánh giá các vị trí tiềm tàng nguy cơ bị chèn ép, và cần đặc biệt chú ý biên độ CMAP và sự phân tán theo thời gian. Kích thích ở điểm Erb là có ích để định khu các tổn thương cánh tay đoạn gốc chi, mặc dù kích thích đồng thời đám rối cánh tay có thể gây nhiễu bản ghi. Đáp ứng nhánh cảm giác nông là có giá trị để phân biệt giữa bệnh thần kinh quay chung và thần kinh gian cốt sau. Như với bất kỳ bệnh một dây thần kinh nào, thăm dò dẫn truyền thần kinh các thần kinh khác ở chi trên có thể là cần thiết để xác định tổn thương riêng biệt của thần kinh quay. EMG cắm kim có thể hỗ trợ định khu và tiên lượng. Cơ tam đầu cánh tay, cơ cánh tay quay, và đầu dài cơ duỗi cổ tay quay được bảo tồn nếu chỉ tổn thương thần kinh gian cốt sau. Ở phía ngọn chi, cơ duỗi chung các ngón và cơ duỗi ngón trỏ được test. Thăm dò thêm các cơ không phải do chi phối thần kinh quay là có ích và thường là cần thiết để loại trừ bệnh đám rối cánh tay hoặc bệnh rễ thần kinh sống cổ là nguyên nhân của các triệu chứng.
4. Siêu âm
Siêu âm thần kinh – cơ có thể cũng có ích trong chẩn đoán bệnh thần kinh quay. Phì đại cục bộ ở các vị trí bị ép có thể có ích để định khu tổn thương. Tiết diện cắt ngang thần kinh quay thường nhỏ hơn 10mm2 ở đoạn trên cánh tay và hố trước xương trụ, với nhánh cảm giác nông thì chỉ 1mm2 đến 3mm2. Tiết diện cắt ngang của thần kinh gian cốt sau xấp xỉ 2mm2. Thú vị là, tăng kích thước dây thần kinh phía ngọn chi của thần kinh gian cốt sau đã được ghi nhận trong một số ca bệnh tổn thương thần kinh quay phía gốc chi, gợi ý một hội chứng chèn ép kép. Thăm dò thêm là cần thiết để xác định các tổn thương thứ phát này có thể ảnh hưởng đến tiên lượng và điều trị như thế nào. Mặc dù chấn thương thần kinh ngoại biên không được trình bày trong bài viết này, siêu âm thần kinh – cơ có thể được sử dụng để xác định sự liên tục của dây thần kinh trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau chấn thương thần kinh ngoại biên, để xúc tiến quyết định điều trị.
5. Điều trị bệnh thần kinh quay
Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh thần kinh quay do ép cấp tính (liệt đêm Thứ 7), thường tự khỏi mà không cần điều trị gì. Những tình trạng ép cấp tính này gây mất myelin cục bộ sẽ tự hồi phục trong vòng 2 đến 3 tháng. Tránh chèn ép thêm được khuyến cáo trong thời gian này. Nếu có tổn thương sợi trục thứ phát, hồi phục có thể mất thời gian hơn và không hoàn toàn.
Ngoại trừ khắc phục các tổn thương dây thần kinh do chấn thương và ép do các tổn thương choán chỗ, can thiệp phẫu thuật trong bệnh thần kinh quay là ít gặp, và không có kỹ thuật chuẩn để áp dụng thường quy trong giải ép thần kinh quay.
Ở những bệnh nhân mắc hội chứng gian cốt sau, các thuốc chống viêm, nghỉ ngơi, và tiêm corticosteroid là các khuyến cáo điều trị lựa chọn đầu tay. Phẫu thuật cắt đầu nông cơ ngửa có thể được thực hiện ở những bệnh nhân mà điều trị bảo tồn thất bại. Vì thiếu các thử nghiệm tiến cứu lớn và tiềm tàng các biến chứng, phẫu thuật giải ép thần kinh gian cốt sau không được khuyến cáo thường quy.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai phẫu thuật các bệnh lý chèn ép dây thần kinh. Đặc biệt, với việc tiên phong khai các kỹ thuật chẩn đoán điện. Vinmec là một trong số ít địa chỉ triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, với thiết bị hiện đại hãng NATUS (Mỹ), bác sĩ chuyên khoa sau thực hiện thăm khám, ghi và đọc kết quả sẽ đưa ra phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác, giúp bệnh nhân có cơ hội phục hồi, điều trị an toàn và không để lại biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:
Hobson-Webb LD, Juel VC. Common Entrapment Neuropathies. Continuum (Minneap Minn) 2017;23(2, Selected Topics in Outpatient Neurology):487-511.