Bệnh co thắt Dupuytren: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh co thắt Dupuytren khiến các ngón tay của người bệnh gập vào bên trong lòng bàn tay gây ra khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt thường ngày. Để điều trị bệnh co thắt Dupuytren hiệu quả, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị vì bệnh có tỷ lệ tái phát rất cao.

1. Bệnh co thắt Dupuytren là gì?

Bệnh co thắt Dupuytren hiện nay chưa có nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân gây bệnh, thường có tính di truyền và tiến triển mãn tính trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh là kết quả của sự rối loạn tăng sinh dạng sợi của mô liên kết dẫn đến tình trạng dày lên và co ngắn cân gan tay ở lòng bàn tay và ngón tay.

Triệu chứng điển hình của bệnh khi đến giai đoạn muộn là tình trạng gập các ngón tay vào lòng bàn tay do mô sợi liên kết co rút theo chiều dọc khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ trên cơ thể.

Nhóm người mắc bệnh co thắt Dupuytren thường là người gốc Bắc Âu, chiếm từ 4-6% người da trắng trên toàn thế giới. Theo các nghiên cứu chỉ ra, bệnh co thắt Dupuytren có tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

2. Triệu chứng của bệnh co thắt Dupuytren

Bệnh co thắt Dupuytren có thể xảy ra ở cả hai tay tuy nhiên sẽ có một tay tình trạng nghiêm trọng hơn so với tay còn lại, thông thường là tay phải thường nặng hơn so với tay trái.


Tay phải thường có biểu hiện bệnh nặng hơn so với tay trái
Tay phải thường có biểu hiện bệnh nặng hơn so với tay trái

Vì lý do bệnh co thắt Dupuytren tiến triển rất chậm trong nhiều năm nên nhiều khi các dấu hiệu nhận biết thường bị bỏ qua. Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh co thắt Dupuytren người bệnh cần lưu ý:

  • Lòng bàn tay xuất hiện các nốt sần hoặc cục u ở lòng bàn tay, chúng có đặc điểm hình tròn, oval, cứng nhắc, không di động và có kích thước từ 0.5cm đến 1.5 cm. Các nốt này thông thường không gây đau đớn cho người bệnh, trừ một số ít các trường hợp chúng đỏ, gây đau và ngứa cho người bệnh.
  • Da tay người bệnh nhăn nheo hơn và có thể nhíu lại như lúm đồng tiền.
  • Các dây xơ nổi gồ lên kéo dài từ lòng bàn tay đến các ngón tay, khi kéo căng ngón tay sẽ thấy chúng cứng nhắc hơn
  • Co gấp ngón tay về phía lòng bàn tay, đây là dấu hiệu khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, ba ngón út, giữa và ngón nhẫn thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các khớp bị co rút là khớp bàn ngón và khớp liên đốt gần ngón tay.

3. Những ai dễ mắc bệnh co thắt Dupuytren

Hiện nay chữa có nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chính gây ra bệnh co thắt Dupuytren, sau đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Tuổi tác: Bệnh có nguy cơ tăng dần theo tuổi tác, đặc biệt người sau 50 tuổi
  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới, chiếm 80% tổng số ca bệnh
  • Chủng tộc: Người Bắc Âu có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người Châu Á và Châu Phi

Hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh co thắt Dupuytren
Hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh co thắt Dupuytren

  • Gia đình: Nếu trong gia đình có người từng mắc bệnh co thắt Dupuytren thì các thành viên trong đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường
  • Thuốc lá, rượu: Gây tăng nguy cơ mắc bệnh co thắt Dupuytren
  • Đái tháo đường: Những người mắc bệnh này thường có liên quan đến tình trạng co thắt này
  • Người bệnh động kinh hoặc sử dụng các thuốc chống động kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh
  • Chỉ số cơ thể: BMI thấp hơn bình thường được báo cáo là có liên quan đến bệnh này

4. Chẩn đoán bệnh co thắt Dupuytren như thế nào?

Bệnh co thắt Dupuytren được chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng của bác sĩ, các dấu hiệu bên ngoài của bệnh đã đủ để bác sĩ chuyên khoa đưa ra những kết luận về bệnh, vì vậy các xét nghiệm hỗ trợ hiếm khi được chỉ định sử dụng. Tuy nhiên vẫn cần phân biệt giữa bệnh co thắt Dupuytren với một số bệnh như ngón tay cò súng, viêm bao hoạt dịch gân, nang bạch huyết, u mô mềm...

Mặc dù bệnh có thể chẩn đoán trên lâm sàng, nhưng một số trường hợp bác sĩ vẫn cần sử dụng các biện pháp cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán như test nhanh đường huyết nếu bệnh nhân có biểu hiện đái tháo đường, siêu âm giúp bác sĩ thấy được sự dày lên của cân gan tay và hỗ trợ tiêm các chất vào nơi tổn thương.


Có thể kết hợp các biện pháp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh co thắt Dupuytren
Có thể kết hợp các biện pháp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh co thắt Dupuytren

5. Làm sao để điều trị bệnh co thắt Dupuytren

Có hai phương pháp điều trị bệnh co thắt Dupuytren thường được sử dụng hiện nay là điều trị giải phóng mô mềm bằng tiêm chất tiêu collagen hoặc phẫu thuật cắt bỏ cân mạc. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ điều trị được triệu chứng của bệnh cho nên tình trạng bệnh có thể tái phát rất phổ biến xảy ra. Bệnh co thắt Dupuytren được chỉ định điều trị khi bệnh nhân có những triệu chứng, bệnh nhân sẽ được theo dõi từ 6-12 tháng để đánh giá tiến triển bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên điều trị nếu bệnh tiến triển nặng và có dấu hiệu suy giảm chức năng vận động.

Ngoài ra bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện vật lý trị liệu kết hợp với phương pháp kéo giãn với sóng nhiệt siêu âm, dùng nẹp hỗ trợ để kéo dãn ngón tay. Một số bài tập vật lý trị liệu bao gồm chăm sóc vết thương, massage, kéo dãn thụ động, bài tập nâng tầm vận động của ngón tay...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe