Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bệnh chốc lở là một loại bệnh nhiễm trùng da do cầu khuẩn gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi bị chốc lở, vùng da bị nhiễm trùng sẽ xuất hiện bóng nước, rộp đỏ và khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét.
1. Thuốc trị bệnh chốc lở - dạng thuốc bôi
Thuốc bôi trị bệnh chốc lở thường có mục đích chính là giảm các triệu chứng đau đớn, cải thiện tình trạng viêm sưng và sát khuẩn, hạn chế nhiễm trùng. Các loại thuốc bôi phổ biến cho chốc lở bao gồm thuốc sát trùng, thuốc mỡ,...
1.1 Thuốc sát khuẩn
1.1.1 Povidone Iodine
Đây là dung dịch sát khuẩn có chứa hoạt chất Povidone Iodine, có thể sử dụng trực tiếp trên da. Khi thoa lên vùng da bị tổn thương, Povidone Iod sẽ được giải phóng nhằm kéo dài tác dụng sát trùng – kháng khuẩn.
Tuy nhiên, dung dịch sát khuẩn này chống chỉ định với một số đối tượng sau:
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Các bệnh nhân có chứng rối loạn tuyến giáp.
- Bệnh nhân bị dị ứng với bất kì thành phần nào trong dung dịch.
1.1.2 Chlorhexidine
Một loại dung dịch sát khuẩn khác tương tự như Povidone Iodine, được sử dụng để bôi lên vùng da bị chốc lở. Tuy nhiên, khi thoa thuốc trị bệnh chốc lở này, cần tránh sử dụng cùng với xà phòng vì sẽ gây ra các tác dụng phụ.
1.1.3 Castellani
Castellani là thuốc diệt khuẩn tại chỗ, bôi trên da và thường được sử dụng với mục đích điều trị chốc lở, viêm da có mủ... hoặc các tình trạng viêm da khác do tụ cầu khuẩn hoặc liên cầu gây ra.
1.1.4 Hydrogen Peroxide
Hydrogen Peroxide còn có tên gọi khác là Oxy già với công thức là H2O2, được sử dụng phổ biến trong việc sát trùng các vết thương hở hoặc các tổn thương da, ngăn ngừa nhiễm trùng.
Đối với bệnh chốc lở, bệnh nhân nên bôi Oxy già lên vùng da bị tổn thương từ 1 – 3 lần mỗi ngày để ngăn ngừa bội nhiễm (nhiễm thêm nhiều chủng vi khuẩn khác ngoài tác nhân gây bệnh).
1.1.5 Millian
Milian là dung dịch sát khuẩn có chứa thành phần Xanhmethylen. Hoạt chất này có khả năng liên kết với các acid nucleic trong vi khuẩn hoặc virus, sau đó phá vỡ các tế bào này khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, xanh methylen lại là chất độc hại đối với bệnh nhân suy thận, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đối tượng thiếu hụt G6PD. Do đó, những đối tượng này cần tránh sử dụng sản phẩm trên.
1.2 Thuốc mỡ
Thuốc mỡ (hay thuốc bôi kháng sinh) là một nhóm thuốc trị bệnh chốc lở đặc hiệu. Hoạt chất chính của các sản phẩm trong nhóm thuốc này thường có vai trò hạn chế sự phát triển của vi khuẩn hoặc diệt khuẩn.
1.2.1 Mupirocin
Đây là một loại thuốc kháng sinh tại chỗ có nhiều hoạt chất diệt khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của nhiều chủng gây nhiễm trùng da phổ biến như Streptococcus, Staphylococcus Aureus... Loại thuốc này có tác dụng ức chế trực tiếp vi khuẩn gây bệnh.
Bạn có thể sử dụng Mupirocin 3 lần/ngày nhằm cải thiện các nhiễm trùng trên da và giảm bớt tổn thương da.
Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định với:
- Phụ nữ mang thai.
- Người đang bị tiêu chảy.
1.2.2 Gentamicin
Gentamycin là một loại thuốc bôi kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycoside. Thuốc đáp ứng tốt với tụ cầu khuẩn, chủng kháng methicillin, chủng vi khuẩn gram âm hiếu khí... bởi có hoạt động ức chế sinh tổng hợp protein của các chủng vi khuẩn gây bệnh này.
1.2.3 Acid Fusidic
Acid Fusidic là hoạt chất kháng sinh bôi ngoài da là chủ yếu, có thể áp dụng đối với hầu hết vi khuẩn gram dương, trong đó có Staphylococcus và các chủng kháng penicillinase...
Khi sử dụng Acid Fusidic, cần lưu ý chỉ nên thoa tối đa trong vòng 7 ngày vì việc sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày có thể làm tăng số lượng vi khuẩn kháng thuốc.
2. Các loại thuốc uống trị bệnh chốc lở
Bên cạnh việc thoa bên ngoài, một số loại thuốc uống cũng góp phần vào việt điều trị bệnh chốc lở hiệu quả, như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt...
2.1 Thuốc kháng sinh
2.1.1 Cephalexin
Thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin, có khả năng tác động đến thành tế bào của vi khuẩn, làm vỡ thành và giết vi khuẩn gây bệnh.
Liều dùng của Cephalexin đối với bệnh chốc lở thường là 250mg/lần, mỗi lần cách nhau từ 6 tiếng.
2.1.2 Amoxicillin
Một loại kháng sinh phổ biến, là dẫn xuất của Penicillin với tác dụng kìm hãm và giết chết vi khuẩn gây bệnh. Thuốc có đáp ứng tốt với hầu hết các loại vi khuẩn gram dương cũng như gram âm, liên cầu khuẩn, tụ cầu...
2.1.3 Trimethoprim
Trimethoprim là một loại thuốc kháng sinh có tác dụng kìm hãm vi khuẩn với hoạt chất chính có khả năng ức chế enzyme của vi khuẩn. Loại thuốc này thường được sử dụng kết hợp với Sulfamethoxazole nhằm kìm hãm tuyệt đối sự phát triển của vi khuẩn.
Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trên da như ngứa, phát ban đỏ...
2.1.4 Oxacillin
Đây là một loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm Isoxazolyl Penicillin với khả năng ức chế mạnh mẽ tụ cầu tiết penicilinase, đặc biệt là chủng tụ cầu gây ra bệnh chốc lở.
2.2 Thuốc giảm đau, hạ sốt
Bên cạnh các loại thuốc trị bệnh chốc lở đặc hiệu, để cải thiện bớt triệu chứng, việc sử dụng một số loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt... cũng cực kỳ có ích.
Một số loại thuốc giảm đau hạ sốt được sử dụng phổ biến là:
- Paracetamol: Thuốc giảm đau phổ biến, an toàn cho mọi đối tượng, kể cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Thuốc có thể cải thiện các cơn đau nhẹ và đồng thời hạ thân nhiệt.
- NSAID (Aspirin, Ibuprofen...): nhóm thuốc kháng viêm không steroid, có tác dụng giảm viêm và cải thiện cơn đau. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, nhóm thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày, chảy máu...
Thuốc trị bệnh chốc lở đến nay đã được nghiên cứu và phát triển rộng rãi. Tuy nhiên, cần phải có một liệu trình điều trị hợp lý, khoa học để đảm bảo thuốc không gây ra các tác dụng phụ cũng như làm phát sinh các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.