Bài viết được viết bởi ThS.BS Trịnh Ngọc Anh - Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves) là bệnh lý cường chức năng tuyến giáp do nguyên nhân tự miễn. Bệnh nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng tới đời sống và hoạt động thể lực của người bệnh và có thể dẫn tới một số biến chứng như suy tim, suy kiệt, lồi mắt nặng hay nguy hiểm nhất là cơn bão giáp có thể dẫn tới tử vong.
1. Bệnh Basedow cần điều trị như thế nào?
Basedow là bệnh lý không lây và bệnh có thể được kiểm soát bằng 1 trong 3 phương pháp: Dùng thuốc, uống iod phóng xạ hay phẫu thuật. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần biết những lưu ý về chế độ ăn và luyện tập, nghỉ ngơi giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
1.1 Các lưu ý về chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho bệnh nhân Basedow
- Người bệnh bị Basedow cần được nghỉ ngơi (nhất là khi bệnh đang tiến triển nặng), tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng
- Người bệnh nên sinh hoạt trong phòng yên tĩnh, tránh các tiếng ồn, hạn chế người qua lại vào thăm nhiều
- Cơ thể người bệnh bị Basedow thường dễ bị gầy sút, suy kiệt nên cần khuyến khích ăn chế độ ăn giàu đạm, giàu calo, uống thêm nhiều nước.
- Do iod là nguyên liệu để tuyến giáp sử dụng tổng hợp hormon do đó người bệnh Basedow nên hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều iod như hải sản, rong biển... Việc sử dụng muối trắng không có iod là cần thiết trong giai đoạn bệnh tiến triển
- Nên ở trong phòng thông thoáng khí, cần vệ sinh thân thể hàng ngày để tránh nhiễm trùng da
- Mắt là cơ quan dễ bị tổn thương trong Basedow cần được bảo vệ: Đeo kính bảo vệ, rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý, tránh khói bụi khi ra đường.
1.2 Điều trị Basedow bằng thuốc
1.2.1 Thuốc kháng giáp trạng
Thuốc kháng giáp trạng bao gồm 2 nhóm là Thiouracil (PTU, Basedene) và Methimazole (Thyrozol, Neomecarzole...). Các thuốc này có tác dụng làm tuyến giáp giảm sản xuất hormon. Thời gian dùng thuốc với người bệnh phải kéo dài ít nhất 1 năm, bệnh có thể khỏi kéo dài nhưng cũng có thể tái phát, thời gian điều trị càng ngắn càng dễ tái phát.
Một điều cần lưu ý là các thuốc kháng giáp trạng có thể gây ra các tai biến nguy hiểm như: Giảm bạch cầu hạt (là tế bào trong máu có vai trò bảo vệ cơ thể) và nhiễm độc với gan. Chính vì vậy, người bệnh khi dùng thuốc kháng giáp trạng phải được theo dõi định kỳ hàng tháng tại cơ quan y tế và phải tới gặp bác sĩ ngay khi dùng thuốc mà có các biểu hiện như mệt nhiều, sốt cao, đau rát họng, vàng mắt...
1.2.2 Sử dụng thuốc hỗ trợ
Các bác sĩ cũng có thể cho người bệnh dùng thêm một số thuốc để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng như:
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Để làm giảm nhịp tim nhanh, run tay
- Thuốc an thần giúp người bệnh đỡ bị kích thích và dễ ngủ
- Các vitamin và khoáng chất (như Kali).
1.3 Điều trị Basedow bằng uống iod phóng xạ
Đây là phương pháp đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1978 và được áp dụng tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh hiện nay.
Người bệnh khi uống iod phóng xạ, chất này vào cơ thể sẽ phá hủy các tế bào tuyến giáp làm giảm khả năng tổng hợp hormon giúp cải thiện bệnh
Phương pháp này đơn giản, có hiệu quả giúp người bệnh tránh được tác dụng phụ của thuốc kháng giáp trạng và phẫu thuật tuy nhiên, việc sử dụng iod phóng xạ có thể gây ra suy chức năng tuyến giáp cho người bệnh về sau, có thể gây quái thai và khối u (không nên dùng trên trẻ em và phụ nữ có thai) và có thể làm nặng thêm các biểu hiện ở mắt (như lồi mắt nặng hơn). Chính vì vậy, các bác sĩ thường chỉ lựa chọn điều trị iod phóng xạ cho các trường hợp nặng, không thể điều trị được bằng thuốc kháng giáp trạng.
1.4 Điều trị Basedow bằng phẫu thuật
- Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ một phần tuyến giáp, chỉ giữ lại một phần nhỏ để duy trì chức năng sản xuất hormon
- Phẫu thuật là biện pháp điều trị có hiệu quả giúp giải quyết được những bướu giáp quá to, phục hồi lại thẩm mỹ cho người bệnh tuy nhiên biện pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Suy chức năng tuyến giáp và tuyến cận giáp (một tuyến nội tiết giúp cơ thể duy trì canxi máu bình thường) gây giảm canxi trong máu, ảnh hưởng tới phát âm của người bệnh. Do đó, chúng tôi thường chỉ định phẫu thuật điều trị Basedow cho các bệnh nhân có bướu giáp quá to, nghi ngờ ung thư tuyến giáp hay các bệnh nhân nặng không thể điều trị bằng thuốc và iod phóng xạ.
2. Làm thế nào để phòng tránh bệnh Basedow?
Basedow là bệnh lý hiện chưa rõ nguyên nhân sinh bệnh nên chưa có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa xuất hiện bệnh. Đối với những người đã bị Basedow, để tránh bệnh tái phát hay tiến triển nặng thêm cần thực hiện những biện pháp sau:
- Tránh hoạt động thể lực nặng kéo dài
- Tránh các căng thẳng thần kinh, stress
- Không hút thuốc, tránh hít phải khói thuốc lá
- Luôn đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày
- Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod
- Thai sản có thể làm bệnh nặng thêm do đó cần điều trị dứt điểm bệnh trước khi mang thai
- Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo hẹn của bác sĩ.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City sử dụng hệ thống SPECT/CT Discovery NM/CT 670 Pro, với công nghệ CT 16 dãy hiện đại nhất của hãng thiết bị y tế thế giới GE Healthcare (Mỹ), cho hình ảnh chất lượng cao, giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý tại tuyến giáp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Mọi thông tin chi tiết Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Bệnh bướu cổ, basedow có nguy hiểm không?
- Điều trị bệnh basedow khi nào cần phẫu thuật?
- Bệnh Basedow có chữa khỏi được không?
- Hướng dẫn chẩn đoán Basedow