Bệnh ban đào ở trẻ em: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh ban đào (một loại sốt phát ban) ở trẻ em có xu hướng nhẹ và bạn có thể chăm sóc cho con ngay tại nhà. Bệnh này thường sẽ tự hồi phục trong khoảng thời gian một tuần.

1. Bệnh ban đào ở trẻ em

Bệnh ban đào là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh gây sốt cao từ 3-5 ngày sau đó phát ban. Đôi khi làm cha mẹ hoảng sợ vì bệnh sốt rất cao. Bệnh ban đào có nhiều tên gọi chẳng hạn như: bệnh thứ sáu, bệnh giả rubella, bệnh sốt 3 ngày...

Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là do virus Human herpesvirus 6 (HHV-6) được tìm thấy trong hầu hết các trường hợp.

2. Các triệu chứng của bệnh ban đào là gì?

  • Sốt: có thể sốt cao 40 – trên 40 độ C, kéo dài 3-5 ngày.
  • Phát ban: ban xuất hiện khi sốt bắt đầu giảm. Đầu tiên xuất hiện ở cổ, ngực, bụng sau đó lan lên mặt và tứ chi.

Ban màu đỏ hay hồng thường là không ngứa, ban có thể mịn hay hơi sần lên. Ban thường kéo dài 1-2 ngày rồi hết. Tuy nhiên cũng có trường hợp nổi ban rồi tự hết sau 2-4 giờ.

Mặc dù bị sốt và nổi ban nhưng hầu hết các bé tổng trạng đều tốt. Ngoài sốt và phát ban 1 số triệu chứng kèm theo có thể gặp gồm:

  • Có vẻ mệt mỏi
  • Cáu gắt
  • Biếng ăn
  • Sưng hạch cổ hoặc sau tai
  • Đau họng
  • Ho
  • Tiêu chảy nhẹ
  • Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn
  • Mí mắt sưng và sưng hạch ở cổ

Trẻ biếng ăn là một trong các triệu chứng của bệnh ban đào
Trẻ biếng ăn là một trong các triệu chứng của bệnh ban đào

3. Bệnh ban đào điều trị như thế nào?

Hiện nay không có phương pháp điều trị bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên một số cách sau đây có thể giúp làm giảm tình trạng đào ban ở trẻ.

Hãy để trẻ được nghỉ ngơi nếu trẻ cảm thấy không khỏe. Chúng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu chúng được nghỉ ngơi trên giường cho đến khi bệnh tình tiến triển tốt hơn.

Cho trẻ uống thật nhiều nước. Nếu bạn đang cho con bú hoặc cho bé bú bình, cố gắng cho trẻ bú thường xuyên thật nhiều.

Bạn nên giữ cho phòng của trẻ luôn được mát mẻ, khi trẻ ngủ bạn có thể sử dụng một tấm chăn mỏng trên giường, không nên sử dụng chăn dày khi bé ngủ sẽ làm trẻ khó chịu.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc hạ sốt khi trẻ cảm thấy khó chịu như paracetamol, tuy nhiên trong trường hợp sốt ở trẻ nên hạn chế sử dụng thuốc hạ sốt bởi sốt chính là phản ứng của cơ thể chống những tác nhân xâm nhập ngoại lai.


Paracetamol được sử dụng hạ sốt khi trẻ cảm thấy khó chịu
Paracetamol được sử dụng hạ sốt khi trẻ cảm thấy khó chịu

4. Cách ngăn chặn bệnh ban đào ở trẻ em lây lan

Bệnh ban đào lan truyền tương tự như những căn bệnh cảm cúm thông thường. Chúng có thể lây khi người bệnh ho, hắt hơi hay tiếp xúc với các đối tượng hoặc các bề mặt bị nhiễm virus.

Tuy nhiên, bệnh ban đào cũng không lây lan một cách quá dễ dàng và bạn cũng không cần thiết phải cách ly trẻ nếu bé đang đi học và bé đủ sức khỏe để đến trường.

Trong trường hợp bé thấy mệt mỏi và không khỏe trong người, bạn để bé ở nhà cho đến khi bé cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải đợi cho đến khi vị trí phát ban cuối cùng biến mất.

Những biện pháp sau đây có thể giúp bạn ngăn chặn nhiễm trùng lây lan cho người khác:

  • Rửa tay thường xuyên là cách ngăn ngừa dành cho cả mẹ và bé.
  • Bạn nên cho trẻ sử dụng khăn giấy khi hắt hơi hoặc ho và ném khăn giấy đã dùng đi ngay lập tức cũng như rửa tay ngay sau đó.
  • Bạn nên giữ cho bề mặt khu vực phát ban thường xuyên sạch sẽ.
  • Không để trẻ dùng chung chén, đĩa, dao kéo và đồ dùng nhà bếp cũng như đồ dùng cá nhân với người khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe