Chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá về dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp làm chậm diễn tiến của bệnh, đồng thời gia đình có thể ra quyết định tốt hơn cho kế hoạch trong tương lai.
1. Những dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer
Chẩn đoán bệnh Alzheimer từ sớm đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận điều trị, chăm sóc bệnh nhân, giáo dục gia đình và ra quyết định phù hợp cho những kế hoạch trong tương lai. Các dấu hiệu và triệu chứng sớm cảnh báo bệnh Alzheimer bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như quên mất những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại;
- Rất khó tập trung, gặp nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề;
- Ảnh hưởng đến công việc hàng ngày tại nhà hoặc tại nơi làm việc;
- Đôi khi cảm thấy bối rối về địa điểm hoặc thời gian trôi qua;
- Gặp khó khăn về thị giác hoặc không gian, chẳng hạn như không cảm nhận được khoảng cách khi lái xe, bị lạc đường hoặc để quên đồ đạc;
- Rối loạn về ngôn ngữ, không thể diễn đạt chính xác bằng từ ngữ khi nói hoặc viết;
- Khả năng ra quyết định kém;
- Né tránh các sự kiện công tác xã hội hoặc tương tác với nhiều người;
- Thay đổi bất thường về tâm trạng hoặc những thay đổi khác về hành vi và tính cách, chẳng hạn như trầm cảm.
Bệnh Alzheimer có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện thì việc thăm khám và chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác là rất quan trọng.
2. Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Để chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác, cần có sự phối hợp thăm khám của nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và bác sĩ chuyên về lão khoa để xem xét tình hình bệnh sử, tiền sử dùng thuốc và các triệu chứng của bệnh nhân. Ngoài ra, các bác sĩ cũng chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá những tiêu chuẩn chẩn đoán Alzheimer như sau:
- Bệnh nhân có bị suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tư duy (nhận thức) không?
- Bệnh nhân có biểu hiện những thay đổi về tính cách và hành vi không?
- Mức độ suy giảm hoặc thay đổi trí nhớ và tư duy ra sao?
- Những vấn đề về tư duy có ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động sống hàng ngày?
- Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng?
Các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm bổ sung, chụp chiếu não hoặc cho bệnh nhân đi khám chuyên biệt về trí nhớ. Những xét nghiệm cụ thể này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn, giúp chẩn đoán bệnh chính xác, bao gồm cả việc loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra những triệu chứng tương tự.
2.1. Loại trừ các nguyên nhân khác
Các bác sĩ sẽ tiến hành khám thực thể và kiểm tra xem liệu bệnh nhân có đang mắc phải một bệnh lý hoặc tình trạng rối loạn nào đó có thể trực tiếp hoặc góp phần gây ra các triệu chứng hay không, ví dụ như các dấu hiệu của cơn đột quỵ, bệnh Parkinson, bệnh trầm cảm hoặc một số tình trạng bệnh khác cũng có biểu hiện tương đối giống với suy giảm nhận thức, cần phải loại trừ trong quá trình chẩn đoán Alzheimer.
2.2. Đánh giá các vấn đề về trí nhớ và một số triệu chứng khác
Để đánh giá các triệu chứng của Alzheimer, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân trả lời các câu hỏi hoặc thực hiện một vài bài kiểm tra nhỏ liên quan đến khả năng nhận thức, chẳng hạn như kiểm tra trí nhớ, suy nghĩ trừu tượng, kỹ năng giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ và những kỹ năng liên quan.
- Kiểm tra trạng thái tâm thần
Bác sĩ có thể tiến hành một số bài kiểm tra để đánh giá trạng thái tâm thần của bệnh nhân, nhằm kiểm tra kỹ năng tư duy (nhận thức) và năng lực ghi nhớ. Các bác sĩ sử dụng điểm số từ các bài kiểm tra này để làm tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Alzheimer và đánh giá mức độ suy giảm trí nhớ.
- Kiểm tra tâm lý và thần kinh
Bệnh nhân có thể được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm lý và thần kinh. Quá trình chẩn đoán Alzheimer bao gồm các bài kiểm tra mở rộng để đánh giá khả năng ghi nhớ và tư duy (nhận thức). Qua đó, bác sĩ có thể xác định xem người bệnh có bị sa sút trí tuệ hay không và khả năng bệnh nhân có thể thực hiện các công việc hàng ngày như lái xe và quản lý tài chính một cách an toàn hay không. Những bài kiểm tra này cũng đánh giá xem liệu trầm cảm có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng về trí nhớ và nhận thức hay không.
- Phỏng vấn bạn bè và gia đình
Các bác sĩ có thể đề nghị được hỏi người thân trong gia đình và bạn bè của bệnh nhân những thông tin liên quan đến hành vi mà họ quan sát được ở bệnh nhân. Các câu hỏi chủ yếu liên quan đến sự thay đổi của hành vi ở thời điểm hiện tại so với quá khứ. Người nhà và bạn bè của bệnh nhân thường là những người có thể quan sát rất rõ hành vi của bạn đã thay đổi theo thời gian như thế nào.
Một loạt những đánh giá lâm sàng, khám thực thể và bệnh cảnh kể trên (liên quan đến tuổi tác và thời gian tiến triển của các triệu chứng) thường sẽ cung cấp cho bác sĩ đầy đủ những thông tin cần thiết để chẩn đoán bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, nếu nhận thấy chẩn đoán vẫn chưa thật sự rõ ràng, các bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải làm một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ những nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh Alzheimer, ví dụ như rối loạn tuyến giáp hoặc thiếu vitamin B12.
2.3. Xét nghiệm chụp chiếu hình ảnh não bộ
Bệnh Alzheimer là hậu quả của sự mất dần (thoái hóa) các tế bào não. Quá trình thoái hóa này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau trên hình ảnh chụp chiếu não bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên kết quả chụp não đơn thuần thì sẽ không đủ dữ kiện để chẩn đoán Alzheimer.
Trên thực tế, kỹ thuật chụp chiếu hình ảnh não bộ thường không được sử dụng làm tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Alzheimer, vì có sự trùng lặp nhất định giữa những thay đổi bình thường ở não bộ của người già và những thay đổi bất thường đối với bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, hình ảnh chụp não có thể giúp:
- Loại trừ những nguyên nhân khác, chẳng hạn như xuất huyết não, u não hoặc đột quỵ;
- Phân biệt giữa các loại thoái hóa não khác nhau;
- Xác định mức độ thoái hóa ban đầu và ranh giới của chúng.
Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh não bộ phổ biến nhất là:
- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI): Sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về bộ não người;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X để lấy được hình ảnh cắt ngang của bộ não;
- Chụp positron cắt lớp (PET): Sử dụng chất phóng xạ (được gọi là chất đánh dấu) để phát hiện sự hiện diện của các chất trong cơ thể, giúp phân biệt giữa các dạng bệnh thoái hóa não khác nhau.
3. Bệnh Alzheimer cần được chẩn đoán sớm
Nếu nhận thấy bản thân mình hoặc một thành viên trong gia đình có vấn đề về trí nhớ thì nên đến bác sĩ thăm khám vì đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Một số người muốn che giấu các triệu chứng của họ hoặc người nhà mặc dù nhận ra. Điều này là do chẩn đoán bệnh Alzheimer thường đi kèm với những mất mát, chẳng hạn như mất sự tự do, mất quyền lái xe và đôi khi là kiểm soát tài chính. Nhiều người tự hỏi liệu việc chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer có mang lại ích lợi gì không trong khi hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh.
Mặc dù các bác sĩ không thể chữa khỏi được Alzheimer, song việc chẩn đoán sớm có thể đem đến những lợi ích nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là ý thức được bệnh, biết được mình có thể làm gì cũng như hạn chế làm những việc gì. Trong trường hợp bệnh nhân mắc một bệnh lý nào đó gây ra suy giảm nhận thức hoặc làm cho tình trạng mất trí nhớ phức tạp thêm thì các bác sĩ có thể bắt đầu điều trị.
Đối với bệnh nhân Alzheimer, các bác sĩ có thể chỉ định biện pháp can thiệp bằng thuốc và cả không dùng thuốc để giảm bớt gánh nặng bệnh tật. Theo đó, thuốc được kê đơn để làm chậm diễn tiến của suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức. Ngoài ra, bệnh nhân và người chăm sóc còn được hướng dẫn thực hiện các chiến lược để cải thiện môi trường sống, thiết lập nề nếp sinh hoạt, sắp xếp các hoạt động, lên kế hoạch công việc và quản lý những thay đổi về kỹ năng để giảm thiểu những ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống hàng ngày sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org