Bé 8 tháng nặng bao nhiêu là đủ?

Em bé 8 tháng tuổi đã bắt đầu trở thành một người biết quan sát thế giới xung quanh. Bên cạnh khả năng học hỏi khởi động một cách nhanh chóng, trẻ 8 tháng nặng bao nhiêu vẫn tiếp tục là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Hơn nữa, đây còn là lứa tuổi chuyển tiếp sang chế độ ăn dặm và 8 tháng là thời điểm thích hợp để đánh giá hiệu quả của dinh dưỡng cho trẻ khi cần biết bé 8 tháng nặng bao nhiêu.

1. Bé 8 tháng nặng bao nhiêu là đủ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cân nặng trung bình của trẻ 8 tháng tuổi là 8 kg (17,5 pound) đối với trẻ gái và 8,6 kg (19,0 pound) đối với bé trai. Song song đó, chiều dài trung bình là 68 cm (27,1 inch) đối với trẻ gái và 70,6 cm (27,8 inch) đối với trẻ trai.

Tất nhiên, chiều cao và cân nặng có thể khác nhau rất nhiều giữa các em bé khỏe mạnh, vì vậy, miễn là em bé đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh — trên một đường cong ổn định trên biểu đồ tại phòng khám bác sĩ nhi khoa, sự phát triển của em bé 8 tháng được xem là đang đi đúng hướng.

2. Cách nuôi dưỡng trẻ 8 tháng tuổi

Tại thời điểm 8 tháng tuổi, em bé đang chuyển dần sang ăn thức ăn đặc - và vẫn uống sữa công thức hoặc sữa mẹ. Điều này đôi khi sẽ khiến cha mẹ hay người chăm sóc rất dễ bị choáng ngợp với số lượng những gì bé nên tiêu thụ nhưng chỉ cần nhớ là sữa vẫn là nguồn của một em bé 8 tháng tuổi nhận được phần lớn dinh dưỡng của mình.

Theo đó, em bé 8 tháng tuổi để duy trì được sự phát triển phù hợp sẽ cần từ 750 đến 900 calo mỗi ngày. Trong đó, có 400 đến 500 calo phải đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì vậy, hãy bắt đầu bữa ăn trong ngày cho trẻ với sữa mẹ cho con bú hoặc một chai sữa công thức. Sau đó, mẹ sẽ cần cung cấp cho em bé một bữa ăn dặm dạng đặc với sự cân bằng lành mạnh của chất béo, carbohydrate và protein.

Hơn nữa, khi trẻ được tám tháng, mẹ có thể muốn thêm thức ăn dạng mềm và thức ăn dạng viên có kết cấu khác nhau vào thực đơn của bé. Ngoài ra, nên cho em bé tham gia vào bữa ăn cùng gia đình — đó là một cách tuyệt vời để nuôi dưỡng thói quen ăn uống tốt.

Bên cạnh đó, trẻ 8 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để giới thiệu cốc uống nước cho bé. Lúc đầu, đây có thể giống như một món đồ chơi hơn là một chiếc cốc nhưng cha mẹ vẫn nên cho con làm quen với cốc sớm. Điều này có thể sẽ giúp trẻ mau chóng uống cốc dễ dàng hơn và sớm hơn, tránh phụ thuộc vào bình sữa lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của răng sữa.


Cách nuôi dưỡng ảnh hưởng đến vấn đề bé 8 tháng nặng bao nhiêu cân
Cách nuôi dưỡng ảnh hưởng đến vấn đề bé 8 tháng nặng bao nhiêu cân

3. Trẻ 8 tháng tuổi nên ăn gì?

Nếu 6 tháng tuổi là thời điểm để trẻ bắt đầu thói quen ăn dặm thì khi trẻ 8 tháng tuổi sẽ dần dần hoàn thiện hơn kỹ năng nhai nuốt thức ăn đặc. Lúc này, bé nên ăn ba bữa chính và hai bữa phụ mỗi ngày. Cha mẹ cần cố gắng cho trẻ ăn thực phẩm không chế biến, không đường hoặc không ướp muối càng nhiều càng tốt.

Những thực phẩm tốt cho trẻ 8 tháng tuổi có thể bao gồm:

  • Táo
  • Trái bơ
  • Lúa mạch
  • Cà rốt
  • Phô mai
  • Lòng đỏ trứng
  • Mỳ ống
  • Quả bí ngô
  • Cơm
  • Khoai lang
  • Đậu hũ
  • Thịt gà
  • Quả bí

Em bé có thể ăn bất kỳ loại nào ở trên nếu được nấu cho đến khi mềm (ngoại trừ bơ và đậu phụ không cần nấu chín) và cắt hoặc xay thành các miếng rất nhỏ. Vì trẻ 8 tháng đã biết ngồi, quan sát và cầm nắm đồ vật, thường thích cho vào miệng, cha mẹ nên khuyến khích cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy để bữa ăn trở nên vui thích hơn.

4. Những phát triển thể chất khác ở trẻ 8 tháng

Đối với các giác quan, bé vẫn sẽ nhìn rõ hơn các vật ở gần hơn là ở xa nhưng khi được 8 tháng, trẻ đã có thể nhận ra mọi thứ từ khắp phòng. Hơn nữa, trẻ có thể cải thiện sự điều chỉnh khoảng cách và độ sâu nhãn cầu, giúp dễ dàng tiếp cận và lấy đồ vật hơn. Các họa tiết và hình dạng rực rỡ sẽ rất quyến rũ bé. Lúc này, trẻ 8 tháng tuổi có thể biết với tay cầm và sẽ tỏ ra vẻ đặc biệt thú vị khi chạm vào rồi cảm nhận bằng các giác quan còn lại như vị giác, xúc giác. Đối với thính giác, trẻ đã biết nghe thấy và nhận ra giọng nói quen thuộc của mẹ. Đồng thời, những âm thanh vui tươi, sôi động từ các món đồ chơi có thể tạo ra sự chú ý cho trẻ.

Với những kỹ năng vận động của bé 8 tháng tuổi, trẻ đã có thể tự ngồi dậy - nhưng đôi khi vẫn cần được đỡ - và bắt đầu nghiêng người để nhặt đồ chơi, với lấy những thứ trong tầm mắt. Sau khi ngồi vững, trẻ sẽ chuyển qua lăn, cúi người, xoay người và đung đưa thân mình theo nhạc hay âm thanh vui tươi. Khi đặt bé ở trên sàn, bé sẽ có khuynh hướng chuyển động liên tục.


Ngoài vấn đề bé 8 tháng nặng bao nhiêu thì giai đoạn này trẻ có một số phát triển thể chất khác
Ngoài vấn đề bé 8 tháng nặng bao nhiêu thì giai đoạn này trẻ có một số phát triển thể chất khác

5. Trẻ 8 tháng tuổi nên ngủ bao nhiêu?

Giấc ngủ vẫn là thời gian giúp cho cơ thể bé chuyển hóa và phát triển, tăng dần cân nặng và chiều cao. Thông thường, trẻ 8 tháng tuổi ngủ tổng cộng khoảng 15 giờ mỗi ngày. Khoảng 11 giờ trong đó sẽ là vào ban đêm. Em bé có thể vẫn thức giấc vào ban đêm nhưng giấc ngủ đã có khuynh hướng kéo dài hơn. Một số trẻ thậm chí còn ngủ suốt đêm từ 10 đến 12 giờ khi được 8 tháng nếu cha mẹ biết cách tập ngủ xuyên đêm cho trẻ.

Lịch trình ngủ trưa thông thường của trẻ 8 tháng tuổi bao gồm hai giấc ngủ ngắn với tổng thời gian ngủ ban ngày là 3 tiếng rưỡi.

Tóm lại, khi trẻ được 8 tháng, trẻ sẽ có nhận thức rất rõ về môi trường xung quanh mình và những gì đang xảy ra xung quanh. Đồng thời, trẻ 8 tháng nặng bao nhiêu cũng cần được theo dõi để đánh giá hiệu quả của chế độ ăn dặm. Vì vậy, cha mẹ hay người chăm sóc cần chú ý cân đối giữa lượng sữa cho trẻ bú và thức ăn để trẻ nhận được nguồn dinh dưỡng tối ưu để phát triển thể chất toàn diện.

Ngoài ra, trẻ t8 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe