Bạn có thể ngạc nhiên nếu biết đã ăn bao nhiêu muối

Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch chuyển hóa. Vì vậy, để giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh, điều quan trọng là bạn không nên ăn quá nhiều muối mỗi ngày. Vì tất cả chúng ta đều dành nhiều thời gian hơn ở nhà, nên việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh có thể là một thách thức. Vậy bạn có thể ngạc nhiên nếu biết đã ăn bao nhiêu muối ? Cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Ăn muối có tốt không?

Muối là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn của mọi gia đình. Không chỉ góp phần mang lại hương vị đặc biệt cho các món ăn, muối còn chứa natri – một khoáng chất cực kỳ cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên việc ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm các tình trạng bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim mạch chuyển hóa.... Vậy câu hỏi đặt ra: bao nhiêu muối là quá nhiều?

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, người trưởng thành nên ăn ít hơn 6 gam muối mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê muối. Lượng muối này bao gồm cả muối có sẵn trong một số loại thực phẩm như bánh mì và muối được thêm vào trong quá trình chế biến, nấu nướng thức ăn. Đối với trẻ em, lượng muối khuyến nghị ít hơn so với người lớn, phụ thuộc vào từng độ tuổi, cụ thể:

Tuổi Lượng muối tối đa / ngày Lượng Natri tối đa / ngày
1 – 3 tuổi 2 g 0,8 g
4 – 6 tuổi 3 g 1,2 g
7 – 10 tuổi 5 g 2 g
11 tuổi trở lên 6 g 2,5 g
Người lớn 6 g 2,5 g

Hàm lượng natri được ghi trên nhãn các loại thực phẩm chỉ là một cách nói khác về hàm lượng muối trong thực phẩm đó. Tuy nhiên, hàm lượng natri cho phép được đo khác với hàm lượng muối, do đó người tiêu dùng cần phân biệt rõ ràng hai khái niệm này.

Bên cạnh lượng muối chúng ta có thể nhìn thấy trực quan khi tra nấu trong các món ăn, còn một khái niệm nữa cũng cần được quan tâm chính là “lượng muối ẩn”. Hầu hết mọi người đều biết rằng các loại thực phẩm như khoai tây chiên giòn hoặc các loại hạt rang khô chứa nhiều muối, nhưng nhiều người có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi thực phẩm hàng ngày có thể thêm bao nhiêu muối vào chế độ ăn của mình. Khoảng 3/4 lượng muối chúng ta ăn đã được thêm vào các loại thức ăn trước khi chúng ta mua. Cũng như các loại thực phẩm như súp gói và nước sốt trong các bữa ăn sẵn, thực phẩm hàng ngày như bánh mì và ngũ cốc ăn sáng cũng thường có thêm muối. Bởi vì chúng ta ăn những thực phẩm này quá thường xuyên, lượng muối mà chúng cung cấp cho cơ thể thực sự có thể tăng lên. Lượng muối sẽ khác nhau giữa các nhãn hiệu và giống khác nhau, vì vậy việc kiểm tra nhãn thực phẩm có thể giúp các bà nội trợ đưa ra những sự lựa chọn lựa chọn lành mạnh hơn cho chế độ ăn uống của cả gia đình.


Bên cạnh lượng muối chúng ta có thể nhìn thấy trực quan khi tra nấu trong các món ăn, còn một khái niệm nữa cũng cần được quan tâm chính là “lượng muối ẩn”
Bên cạnh lượng muối chúng ta có thể nhìn thấy trực quan khi tra nấu trong các món ăn, còn một khái niệm nữa cũng cần được quan tâm chính là “lượng muối ẩn”

2. Bạn có thể ngạc nhiên nếu biết đã ăn bao nhiêu muối

Bạn có cố gắng đo lường cẩn thận về lượng muối trong chế độ ăn uống của mình không? Bạn có chắc mình đang ăn đúng lượng muối (còn được gọi là natri clorua) mỗi ngày, theo những gì hầu hết các chuyên gia khuyến nghị không? Kể cả khi luôn dành sự quan tâm cho lượng muối bản thân và gia đình ăn hàng ngày, các bà nội trợ vẫn có thể tính toán sai lượng muối. Ngay cả khi không sử dụng muối để tra nấu, chúng ta vẫn có thể hấp thụ nhiều natri - đặc biệt nếu chúng ta ăn những loại thực phẩm được chế biến sẵn hoặc đồ ăn nhanh. Trên thực tế, phần lớn natri trong chế độ ăn hàng ngày của mọi người đến từ các loại thực phẩm như vậy, chúng thường được tìm thấy trên các kệ siêu thị và trong các bữa ăn tại nhà hàng. Đó là lý do tại sao Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang cố gắng làm việc để giảm dần lượng natri được thêm vào thực phẩm.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phát hành một hướng dẫn dự thảo cho ngành công nghiệp để đặt ra các mục tiêu tự nguyện để giảm mức natri trong thực phẩm chế biến và chế biến sẵn cũng như đồ ăn nhanh. Các mục tiêu tập trung vào lượng natri được các nhà sản xuất và nhà hàng thêm vào thực phẩm của họ trước khi đến với người tiêu dùng - chứ không phải muối mà khách hàng tự thêm vào khi nấu ăn hoặc thêm tại bàn ăn. Mục tiêu là giúp người tiêu dùng giảm dần lượng natri hàng ngày xuống còn 2.300 miligam (mg) mỗi ngày. Đó là khoảng một thìa cà phê muối, lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị trong hướng dẫn chế độ ăn uống của WHO.

Ngày nay, người Mỹ tiêu thụ trung bình 3.400 mg mỗi ngày - nhiều hơn gần 50% so với mức khuyến nghị chung. Điều đó đang dấy lên những lo ngại về vấn đề sức khỏe của người dân. Tiến sĩ Susan Mayne, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Ứng dụng và An toàn Thực phẩm của FDA cho biết: “Không dễ dàng gì đối với người tiêu dùng để tiêu thụ lượng natri được khuyến nghị trong chế độ ăn của họ. “Chúng tôi muốn giúp giảm lượng natri trên toàn bộ nguồn cung cấp thực phẩm bằng cách đặt ra các mục tiêu hợp lý”. Mayne nói: “Có rất ít biện pháp can thiệp có thể mang lại lợi ích tổng thể to lớn cho sức khỏe cộng đồng”.

Hai từ “natri” và “muối” thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có một sự khác biệt giữa chúng. Muối được sử dụng trong bữa ăn hoặc thêm vào trong khi nấu ăn là một hợp chất giống như tinh thể (40% natri và 60% clorua); trong khi đó natri là một khoáng chất, một trong những nguyên tố được tìm thấy trong muối.


Hai từ “natri” và “muối” thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có một sự khác biệt giữa chúng
Hai từ “natri” và “muối” thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có một sự khác biệt giữa chúng

Muối là gia vị giúp cho natri được tiêu thụ thường xuyên nhất: Tính cả việc sử dụng cá nhân lẫn thêm vào thực phẩm chế biến và chế biến sẵn, ít nhất 95 phần trăm natri trong chế độ ăn uống của chúng ta ở dạng muối. Natri (mà cơ thể cần một lượng nhất định để hoạt động bình thường) xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cần tây, củ cải đường và sữa. Và là một thành phần thực phẩm, natri - cho dù từ muối hoặc các thành phần chứa natri khác - có nhiều công dụng, chẳng hạn như làm đặc, tăng hương vị và bảo quản thực phẩm.

Tuy nhiên vấn đề là quá nhiều natri trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến tăng huyết áp, một nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch và đột quỵ. Giảm natri trong thực phẩm có thể ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca tử vong sớm và bệnh tật trong hơn một thập kỷ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, những con số sau đây đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hạn chế natri trong khẩu phần ăn:

90% người Mỹ trưởng thành ăn nhiều natri hơn mức khuyến nghị. Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên cũng đang ăn quá nhiều natri, dao động từ 2.900 mg mỗi ngày đối với trẻ em từ 6 đến 10 tuổi, đến 3.700 mg đối với thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi. Giới hạn trên được khuyến nghị về tiêu thụ natri cho trẻ em dưới 14 tuổi thấp hơn giới hạn 2.300 mg được khuyến nghị cho thanh thiếu niên và người lớn. Giới hạn trên được khuyến nghị cho trẻ em là 2.200 mg mỗi ngày cho độ tuổi từ 9 đến 13; 1.900 mg cho độ tuổi từ 4 đến 8; và 1.500 mg cho lứa tuổi từ 1 đến 3. Có bằng chứng cho thấy trẻ em ăn thực phẩm có hàm lượng natri cao hơn sẽ tiếp tục duy trì thói quen đó khi trưởng thành. Cứ ba người Mỹ thì có một người bị huyết áp cao và ở người Mỹ gốc Phi, con số đó tăng lên gần 1,5 lần.


Muối là gia vị giúp cho natri được tiêu thụ thường xuyên nhất
Muối là gia vị giúp cho natri được tiêu thụ thường xuyên nhất

3. Các giải pháp giảm lượng muối tiêu thụ

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đang thực hiện một cách tiếp cận để điều chỉnh mức natri dựa trên tiến bộ đã đạt được của ngành công nghiệp thực phẩm. Cơ quan này đã đưa ra các mục tiêu dự thảo trong hai và 10 năm sẽ thiết lập một hệ thống đo lường tiến độ. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm có thể đã đạt được các mục tiêu dự thảo ngắn hạn.

Việc áp dụng rộng rãi dự thảo này đã đưa ra ước tính có thể làm giảm lượng natri từ 3.400 đến 3.000 mg mỗi ngày. Các mục tiêu dự thảo dài hạn nhằm mục đích giảm hơn nữa lượng natri hàng ngày xuống 2.300 mg mỗi ngày. Các mục tiêu này khó đáp ứng hơn đối với ngành công nghiệp và có thể đòi hỏi sự đổi mới trong việc phát triển các công nghệ và công thức sản phẩm mới. Mọi người thường sẽ không nhận ra những sự thay đổi nhỏ về lượng (khoảng 10 đến 15 phần trăm) natri và theo thời gian, vị giác quen với những thay đổi lớn hơn, đặc biệt nếu chúng được tạo ra từ từ. Vì vậy, cách tiếp cận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho phép người tiêu dùng dần quen với mùi vị của thực phẩm có ít natri hơn.

“Đây chính là một cách tiếp cận hợp lý nhất để giúp mọi người giảm lượng muối cũng như lượng natri đưa vào cơ thể một cách từ từ”. Kasey Heintz, một nhà sinh vật học tại Văn phòng An toàn Phụ gia Thực phẩm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cho biết natri đóng những vai trò khác nhau, tùy thuộc vào loại thực phẩm và mỗi thực phẩm sẽ có những cách khác nhau để làm giảm lượng natri. Ví dụ, trong nước trộn salad, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã tìm thấy nhiều mức hàm lượng natri khác nhau trong số các sản phẩm bán chạy nhất và có nhiều khả năng giảm.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng nhận thấy tiềm năng từ việc cắt giảm đáng kể nhiều loại thực phẩm ăn nhẹ, do sự thay đổi về hàm lượng natri trên thị trường. Heintz cho biết: “Đó là lý do tại sao tài liệu hướng dẫn dự thảo vạch ra mục tiêu cho khoảng 150 danh mục phụ của thực phẩm trong 16 danh mục thực phẩm chính góp phần vào lượng natri,” Heintz nói. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ ước tính rằng chiến lược này có thể mang lại lợi ích hàng năm từ 70 tỷ đô la một năm trở lên trong việc cải thiện sức khỏe và tuổi thọ, cũng như giảm hoặc trì hoãn các loại chi phí y tế. Các chỉ tiêu đề xuất cũng áp dụng cho thực phẩm được chế biến trong nhà hàng và các cơ sở dịch vụ ăn uống khác. Đó là bởi vì, theo Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, gần một nửa số tiền lương thực được chi cho thực phẩm tiêu thụ bên ngoài gia đình.


Muối có nhiều công dụng, đặc biệt là đối với hương vị các món ăn
Muối có nhiều công dụng, đặc biệt là đối với hương vị các món ăn

Muối có nhiều công dụng, đặc biệt là đối với hương vị các món ăn. Tuy nhiên không phải vì thế mà các đồ ăn thiếu muối sẽ trở nên nhạt nhẽo. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để đảm bảo món ăn vẫn hấp dẫn và khiến mọi người hài lòng. Kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm và cố gắng chọn các thành phần và tùy chọn ít muối. Thêm ít muối khi nấu ăn và không thêm muối vào thức ăn trên bàn ăn. Khi đã quen với mùi vị của thức ăn mà không có muối, hãy cắt bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, hãy nêm nếm thức ăn bằng hạt tiêu, rau thơm, tỏi, gia vị hoặc nước cốt chanh. Chú ý khi nấu nước sốt và gia vị như nước tương hoặc gia vị khô - một số loại gia vị trong số này có rất nhiều muối. Thay vào đó, hãy đổi đồ ăn nhẹ mặn như khoai tây chiên giòn và các loại hạt muối bằng trái cây và rau. Tránh thức ăn mặn hơn như thịt xông khói, pho mát, đồ ăn mang đi, bữa ăn sẵn và các loại thực phẩm chế biến sẵn khác.

Hy vọng thông tin trên đã cung cấp cho bạn thêm lựa chọn và giải đáp bạn ăn bao nhiêu muối. Chúc bạn luôn có chế độ ăn khoa học và nâng cao năng suất làm việc cải thiện cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: fda.gov, bhf.org.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe