Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I. Trần Thị Thu Hà, Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ cũng có thể lấy máu để tiến hành xét nghiệm, tuy nhiên, thường thì các bác sĩ sẽ lấy máu ở gót chân trẻ sơ sinh (khu vực có lượng máu dồi dào) để xét nghiệm. Đặc biệt, trẻ được lấy máu gót chân cũng sẽ ít bị đau hơn so với khu vực khác.
“Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để làm gì?” là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và muốn biết câu trả lời. Vài năm trở lại đây, xét nghiệm lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh được bác sĩ khuyên nên thực hiện, các sàng lọc sơ sinh sẽ được thực hiện từ 24-72 giờ bằng cách lấy máu gót chân của trẻ giúp các bác sĩ tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ, giảm thiểu số lượng trẻ em bị chậm phát triển về thể lực, trí tuệ và nhiều bệnh lý khác.
Các nhân viên y tế sẽ thực hiện quy trình lấy máu gót chân cho trẻ trong vòng từ 24 giờ - 72 giờ, tốt nhất là từ 48 giờ - 72 giờ sau sinh, hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh, khi trẻ đã ăn sữa được hơn 8 lần. Trường hợp các bé sinh non, thiếu cân, các bé nên được đưa đi sàng lọc sơ sinh lấy máu gót chân trước ngày thứ 20 sau sinh. Những trẻ phải truyền máu sau sinh thì lấy máu gót chân sau thời gian 3 tháng. Máu lấy ra sẽ được thấm lên giấy thấm khô chuyên biệt và mang đi xét nghiệm.
Có 3 bệnh có thể phát hiện thông qua xét nghiệm lấy máu gót chân trẻ sơ sinh gồm:
- Thiếu men G6PD: Đây là bệnh di truyền do nhiễm sắc thể X bị dị dạng gây nên bệnh vàng da, nếu kéo dài sẽ gây nên các nguy cơ bệnh lý về não, có thể gây tử vong cao hoặc các biến chứng về thần kinh, chậm phát triển...
- Tăng tuyến thượng thận bẩm sinh: Khi cơ thể mắc bệnh này, tuyến thượng thận không thể sản xuất 2 loại hormone cortisol và aldosterone theo đúng nhu cầu bình thường của trẻ. Tăng tuyến thượng thận bẩm sinh là bệnh kéo dài suốt đời, không có cách nào chữa dứt điểm và khi bé gái lớn lên sinh con thì phải sinh mổ.
- Suy giáp bẩm sinh: Suy giáp bẩm sinh là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone ở giai đoạn sơ sinh. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone sẽ mà cho trẻ trở nên đần độn, trẻ sẽ bị ảnh hưởng cả về trí tuệ và chiều cao. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 2 tuần để bổ sung hormone tuyến giáp thì trẻ sẽ phát triển bình thường.
Thực tế, khi trẻ mới sinh ra, có nhiều bệnh lý không thể biết được bằng mắt thường, vì vậy để trẻ phát triển bình thường cần phải có thêm thông tin về tình trạng sức khỏe của trẻ nhằm phát hiện kịp thời các bệnh lý, việc lấy máu gót chân là rất cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.