Bài viết được viết bởi ThS.Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng nhưng không phải ai cũng biết rõ đối tượng thường mắc chứng trầm cảm là ai và có dấu hiệu gì?
1. Nguyên nhân trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm có thể gây ra do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân trầm cảm phổ biến bao gồm:
- Gen: sẽ dễ mắc chứng trầm cảm hơn những người bình thường nếu trong gia đình, thân nhân có người đã từng bị trầm cảm.
- Các chất hóa học trong não: các chất hóa học trong não của người mắc chứng trầm cảm các nhà nghiên cứu đã ghi nhận có sự khác biệt hơn so với người bình thường.
- Stress: có nhiều lý do khiến bị stress và nó liên quan tới trầm cảm, nhưng không phải stress nào cũng dẫn đến trầm cảm vì mỗi người có một ngưỡng chịu đựng khác nhau dù, và stress nặng gây chấn động tâm lý như người thân mất, vấn đề về tình ...
2. Những ai thường mắc phải trầm cảm?
Một số đối tượng dễ bị mắc bệnh trầm cảm:
- Trầm cảm sau sinh là một loại trầm cảm rất hay gặp, chiếm 10% số bà mẹ, có thể trầm cảm xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng sau sinh.
Các yếu tố nguy cơ: tiền sử rối loạn cảm xúc, không muốn sinh con, người mẹ bị thất nghiệp, thiếu sữa, người mẹ là chủ gia đình, những người uống rượu, hút thuốc.
Tâm trạng của trẻ thường dễ thay đổi, dễ vui, dễ buồn, dễ khóc và dễ cười.
Tuy nhiên khả năng đối phó của trẻ với hoàn cảnh thường là không tốt. Vì vậy trẻ dễ bị trầm cảm khi gặp những hoàn cảnh không thuận lợi như: bố mẹ ly dị, bị xúc phạm hay bị bỏ rơi, đặc biệt đối với trẻ tàn tật, năng lực kém hay quá nhạy cảm.
- Trải qua chấn thương hay có cú sốc tâm lý ( mất người thân, bị bạo hành, lạm dụng...).
- Có tính cách như thiếu tự tin, hay bi quan, dễ xúc động.
- Tiền sử mắc các bệnh mãn tính: đái tháo đường, bệnh tim, bệnh Parkinson, ung thư.
- Trầm cảm có thể làm nặng thêm tình trạng các bệnh nền của bệnh nhân và ngược lại.
- Lạm dụng thức uống có cồn và các chất kích thích khác.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm
- Khí sắc trầm buồn: dấu hiệu này thường gặp và chiếm khoảng 90% những bệnh nhân trầm cảm. Người bệnh than phiền mình cảm thấy buồn bã, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc không còn tha thiết điều gì nữa. Đối lúc, người bệnh thu rút khỏi xã hội và giảm hoạt động tập thể
- Mất năng lượng: Triệu chứng mất năng lượng thường gặp ở hầu hết các bệnh nhân trầm cảm. Người bệnh than phiền cảm thấy mệt mỏi, không còn sức lực mặc dù không làm gì nhiều. Nhiều bệnh nhân mô tả cảm giác cạn kiệt sức lực.
- Mất hứng thú: Đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm, người bệnh cảm thấy không còn tha thiết, không còn hứng thú với những hoạt động, những công việc mà trước đây bệnh nhân rất thích như sở thích về âm nhạc, việc nhà, lao động, sinh hoạt tập thể...
- Rối loạn giấc ngủ: 80% bệnh nhân có một một rối loạn nào đó về giấc ngủ. Họ có thể thức dậy sớm dậy sớm vào buổi sáng và triệu chứng trầm cảm vào thời điểm này trở nên nặng hơn.
- Rối loạn ăn uống: Thường gặp là những trường hợp bệnh nhân cảm thấy ăn mất ngon, thức ăn nhạt nhẽo, không mùi vị, không hấp dẫn mặc dù đó là những món ăn trước đấy người bệnh rất thích.
- Rối loạn vận động: bệnh nhân trầm cảm có hành vi trở nên chậm chạp, trì trệ. Hoặc biểu hiện sự chậm chạp trong suy nghĩ, trong lời nói và các cử động cơ thể. Hỏi một lúc mới trả lời. Trả lời câu hỏi bằng giọng đều đều, nội dung nghèo nàn, mắt nhìn xa xăm.
- Thiếu quyết đoán và giảm tập trung: Khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm than phiền suy nghĩ của mình quá chậm chạp. Họ cảm thấy không thể suy nghĩ linh hoạt như trước đây. Họ thường tập trung kèm và rất đãng trí. Họ than phiền trí nhớ kèm và không thể tập trung để đọc báo hoặc xem tivi
- Ý tưởng tự sát: 50% bệnh nhân trầm cảm có ý nghĩ về vấn đề tự sát. Nguyên nhân do họ cảm thấy chán nản, không còn tha thiết với cuộc sống, do ý tưởng tự buộc tội...Từ chỉ là cảm giác chung quanh sẽ tốt hơn nếu không có mình đến việc lập ra kế hoạch tự sát
- Lo âu: Phần lớn bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng lo âu với những biểu hiện như hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, lo lắng không hiểu lý do vì sao. Những người này thường bị mất ngủ, khó ngủ, đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, đôi khi dẫn đến các triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón.
- Mặc cảm: Hơn 50% bệnh nhân trầm cảm tự đánh giá thấp bản thân, thường tự trách mình và khuếch đại những lỗi lầm nhỏ của mình. Nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng tự buộc tội hoặc thậm chí có những ảo giác. Một số bệnh nhân cảm thấy xấu hổ hoặc bẽ mặt, cảm thấy tự ti về những khuyết điểm của mình.
Nếu có nghi ngờ bản thân hoặc người thân có dấu hiệu mắc chứng trầm cảm, người bệnh cần đến sự giúp đỡ và tư vấn từ bác sĩ để được điều trị, tránh hậu quả xấu mà bệnh gây ra.