Bạn cần biết gì về nhịp tim?

Bài viết bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Nhịp tim của bạn, hoặc mạch, là số lần tim bạn đập mỗi phút. Nhịp tim bình thường khác nhau ở mỗi người và cùng một người khác nhau ở mỗi độ tuổi. Nhịp tim có thể xem là một thước đo sức khỏe quan trọng về tim mạch. Tuỳ theo độ tuổi, tần số và tính đều đặn của nhịp tim có thể thay đổi.

Ngay cả khi bạn không phải là một vận động viên, kiến ​​thức về nhịp tim của bạn có thể giúp bạn theo dõi mức độ tập luyện của mình và có thể giúp bạn phát hiện các vấn đề về sức khỏe.

1. Kiểm tra nhịp tim của bạn như thế nào?

Những vị trí tốt nhất để đếm nhịp tim thông qua bắt mạch của bạn là: cổ tay, phía trong khuỷu tay, hai bên cổ, đỉnh của mu bàn chân, chính giữa nếp lằn bẹn.

Dùng 2 ngón: ngón trỏ và ngón giữa của bạn bắt mạch ở tay còn lại tại vị trí cổ tay mặt lòng giao với ngón tay cái. Để có được kết quả chính xác nhất, hãy đếm số nhịp trong 60 giây. Hoặc bạn có thể đếm mạch của bạn trong 10 giây và nhân với 6 để tìm nhịp đập của bạn mỗi phút. Thông thường tần số mạch sẽ bằng với tần số tim.

Đánh giá nhịp tim lúc nào là chính xác? Đó là nhịp tim được đo lúc nghỉ ngơi, tức là khi bạn ngồi hoặc nằm và khi bạn bình tĩnh, thoải mái và không bị bệnh. Nhịp tim lúc nghỉ ngơi còn được gọi là “nhịp tim lúc nghỉ”.

2. Nhịp tim lúc nghỉ bình thường của bạn là bao nhiêu?


Cách kiểm tra nhịp tim
Cách kiểm tra nhịp tim

Tần số nhịp tim bình thường lúc nghỉ của bạn dao động từ 60 – 100 nhịp mỗi phút. Nhưng tần số tim thấp hơn 60 không nghĩa là bạn có vấn đề về sức khỏe. Nó có thể là kết quả của việc dùng thuốc như thuốc chẹn beta. Nhịp tim thấp hơn cũng phổ biến đối với những người hoạt động thể chất nhiều hoặc vận động viên. Những người năng động thường có nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn (thấp đến 40) vì cơ tim của họ ở trong tình trạng tốt hơn và cơ tim không cần phải làm việc nhiều để duy trì nhịp đập ổn định. Hoạt động thể chất thấp hoặc vừa phải thường không làm thay đổi nhịp tim lúc nghỉ nhiều.


Tần số nhịp tim bình thường lúc nghỉ
Tần số nhịp tim bình thường lúc nghỉ

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim như thế nào?

Nhiệt độ không khí: Khi nhiệt độ, độ ẩm tăng cao, tim sẽ bơm máu nhiều hơn một chút, do đó nhịp tim của bạn có thể tăng, nhưng thường không quá 5 đến 10 nhịp mỗi phút.

Tư thế: Nghỉ ngơi, ngồi hoặc đứng, mạch của bạn thường giống nhau. Đôi khi khi bạn đứng trong 15 đến 20 giây đầu tiên, mạch của bạn có thể tăng lên một chút, nhưng sau một vài phút, nó sẽ ổn định.

Cảm xúc: Nếu bạn đang căng thẳng, lo lắng, vui vẻ hoặc buồn bã thì cảm xúc của bạn có thể làm tăng nhịp tim của bạn.

Kích thước cơ thể: Kích thước cơ thể thường không thay đổi nhịp tim. Nếu bạn thừa cân, bạn có thể thấy nhịp nghỉ cao hơn bình thường, nhưng thường không quá 100.

Sử dụng thuốc: Thuốc ức chế adrenaline (thuốc chẹn beta) có xu hướng làm chậm nhịp tim của bạn.

Nếu nhịp tim của bạn quá cao, bạn đang căng thẳng. Vì vậy, hãy bình tĩnh lại. Nếu nhịp tim quá thấp thì bạn cần thúc đẩy bản thân luyện tập chăm chỉ hơn một chút.


Cảm xúc là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim
Cảm xúc là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim

4. Nhịp tim đích của bạn là bao nhiêu?

Để có sức khỏe tốt bạn cần phải tập thể dục đều độ. Cường độ tập luyện cũng như hoạt động thể chất hằng ngày sẽ làm thay đổi tần số tim của bạn. Để có trái tim khỏe mạnh thì bạn phải điều chỉnh cường độ hoạt động sao cho tần số tim của bạn thay đổi trong phạm vi nhất định, trong phạm vi đó, trái tim bạn sẽ có thời gian thích nghi, hoạt động hiệu quả nhất. Bạn cần biết nhịp tim tối đa lý thuyết(nhịp tim tối đa) của mình là bao nhiêu? Cách tính: nhịp tim tối đa lý thuyết = 220- số tuổi.

Trong vài tuần đầu tiên tập luyện, hãy nhắm đến tần số tim đích ở mức thấp nhất (tương đương 50% nhịp tim tối đa của bạn) và dần dần tăng hoạt động thể chất để tần số tim của bạn chuyển sang phạm vi cao hơn (tương đương 85% nhịp tim tối đa của bạn). Sau sáu tháng trở lên, bạn có thể tập thể dục thoải mái với 85% nhịp tim tối đa đó.

5. Khi nào cần gọi bác sĩ của bạn?

Nếu bạn đang dùng thuốc chẹn beta để giảm nhịp tim (và hạ huyết áp) hoặc kiểm soát nhịp bất thường (rối loạn nhịp tim), bác sĩ có thể yêu cầu bạn theo dõi và ghi lại nhịp tim. Chú thích tên thuốc trên bảng nhịp tim ghi chép của bạn để giúp bác sĩ xác định liều lượng hoặc phải chuyển sang một loại thuốc khác.

Nếu mạch của bạn rất thấp hoặc nếu bạn thường xuyên bị nhịp tim nhanh không giải thích được, đặc biệt là nếu chúng khiến bạn cảm thấy yếu hoặc chóng mặt hoặc ngất xỉu, hãy gọi cho bác sĩ của bạn, bác sĩ sẽ trả lời bạn có cần đến gặp trực tiếp không. Mạch hoặc nhịp tim của bạn là một công cụ quan trọng dự đoán sức khỏe của bạn.

Lưu ý quan trọng: Một vài loại thuốc hạ huyết áp làm giảm nhịp tim tối đa và do đó làm giảm nhịp tim đích. Nếu bạn đang dùng thuốc như vậy, hãy gọi bác sĩ của bạn để tìm hiểu xem bạn có cần sử dụng nhịp tim đích thấp hơn không.

Bài viết tham khảo nguồn: Heart.org; Uptodate.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe