Sưng tai sau bấm lỗ tai là tình trạng xảy ra ở rất nhiều người, thậm chí có thể bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng sau bấm lỗ tai chủ yếu do trong quá trình bắn lỗ tai các dụng cụ thiết bị sử dụng không được đảm bảo về vấn đề vô trùng, do thực hiện ở các cơ sở không có chuyên môn, không uy tín, hoặc chăm sóc vệ sinh sau bắn lỗ tai chưa đúng cách. Vậy nhiễm trùng sau bấm lỗ tai biểu hiện như thế nào? Bấm lỗ tai bị chảy nước vàng phải làm sao?
1. Nhiễm trùng sau bấm lỗ tai
Đi cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội thì nhu cầu làm đẹp của con người cũng ngày càng tăng lên, đặc biệt ở nữ giới. Từ xa xưa, phụ nữ đã xem việc bắn lỗ tai và đeo khuyên tai là một cách để làm đẹp cho bản thân, tôn lên những nét riêng biệt cho chính mình. Tuy nhiên, do việc lạm dụng, sử dụng đồ dùng dụng cụ không vô trùng, đeo những loại khuyên tai kim loại không rõ nguồn gốc hoặc do chăm sóc sau bắn lỗ tai chưa đúng cách mà ngày nay tình trạng viêm, nhiễm trùng sau bắn lỗ tai xảy ra rất nhiều.
Theo thống kê của bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, có 62 trường hợp viêm sụn vành tai nguyên nhân do bấm lỗ tai trong tổng số 81 ca viêm sụn vành tai cần nhập viện điều trị. Trong số đó có 70% bệnh nhân là nữ và thường ở độ tuổi khoảng từ 16 đến 30 tuổi.
Đa số người bệnh đều rất chủ quan và xem nhẹ tình trạng sưng tai sau bấm lỗ tai cho đến khi thấy vị trí bấm lỗ tai bị chảy nước vàng rồi dần tiến triển thành áp xe vành tai mới đi khám và điều trị. Có không ít trường hợp đã bị hoại tử sụn vành tai do viêm bắt buộc phải tiến hành điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nạo vét vùng sụn hoại tử. Nguy cơ biến dạng vành tai sau phẫu thuật hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy cần nhận biết sớm tình trạng nhiễm trùng sau bắn lỗ tai để có hướng xử trí và điều trị kịp thời.
Tùy theo vị trí bắn lỗ tai, các triệu chứng viêm có thể biểu hiện khác nhau:
1.1. Nhiễm trùng sụn vành tai
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ thích bắn khuyên tai ở vùng vành tai. Khi bắn ở vị trí đó bắt buộc phải bắn vào sụn nên dễ gây viêm sụn. Ở phần sụn nhĩ thường không có thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng nên quá trình lành thương thường mất nhiều thời gian hơn và các biểu hiện nhiễm trùng sau bắn lỗ tai đôi khi cũng phức tạp hơn.
Biểu hiện của nhiễm trùng sụn vành tai:
- Sưng tai sau bấm lỗ tai có thể kèm theo tấy, nóng, đỏ, đau tại vị trí bắn. Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy thuộc theo mức độ nhiễm trùng.
- Tại chỗ bắn lỗ tai bị chảy nước vàng hoặc thậm chí chảy máu. Dịch chảy ra có thể có mùi hôi.
- Bông tai có thể bị kẹt trong lỗ bắn, bị giữ chắc bởi dịch tiết khô, lúc rút bông ra có cảm giác đau.
- Nhiễm trùng sụn vành tai có thể tiến triển thành nhiễm trùng mô da bao quanh sụn, nặng thì bị nhiễm trùng toàn thân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.
1.2. Nhiễm trùng dái tai sau bấm lỗ tai
Bắn lỗ tai và đeo khuyên ở phần dái tai là vị trí phổ biến và truyền thống được thực hiện từ xa xưa đến nay. Vùng dái tai không có sụn và rất nhiều mạch máu nên rất dễ bị chảy nhiều máu khi bắn lỗ tai nếu bạn bắn không đúng kỹ thuật cũng như vị trí bắn. Đa phần, để vết thương sau bắn lỗ tai ở vùng này có thể lành hoàn toàn thường sẽ mất khoảng 6 tuần nếu như bạn chăm sóc vệ sinh tai đúng cách.
Tương tự như nhiễm trùng sụn vành tai, nhiễm trùng tại dái tai cũng có biểu hiện sốt (tùy thể trạng), sưng nóng đỏ đau tại vị trí bắn. Tại vị trí bắn lỗ tai bị chảy nước vàng hoặc chảy máu hoặc cả hai.
Một trong những yếu tố cũng được nhắc nhiều có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng sau bắn lỗ tai đó là hiện tượng dị ứng, đặc biệt dị ứng với bông tai nhất là ở người sử dụng bông tai bằng niken.
Biểu hiện của dị ứng: ngứa, nổi ban, khô da vùng tổn thương, có thể có hiện tượng đóng vảy.
2. Cách xử lý khi bấm lỗ tai bị chảy nước vàng
Sau khi bấm lỗ tai bị chảy nước vàng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nhiễm trùng sau bắn lỗ tai. Tình trạng này tuy không gây vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu kéo dài không điều trị thì có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Vậy làm thế nào để xử lý hiện tượng này?
Để không bị tình trạng nhiễm trùng toàn thân, khi thấy tại vị trí bấm lỗ tai bị chảy nước vàng bạn cần làm ác bước sau:
- Giữ nguyên vị trí khuyên tai. Đa số mọi người khi thấy tai có dấu hiệu nhiễm trùng, chảy dịch và sưng tấy đều nghĩ rằng tháo bông tai sẽ giảm viêm nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, thao tác tháo khuyên có thể làm nặng hơn tình trạng viêm nhiễm dẫn đến những cơn đau dai dẳng kéo dài. Hơn nữa việc tháo khuyên khi lỗ bắn chưa ổn định có thể làm cho lỗ bắn bị khép dần lại và bạn sẽ phải bắn lỗ tai lại thêm một lần nữa.
- Làm sạch vùng bắn lỗ tai bằng nước ấm hoặc dung dịch muối NaCl 0,9% vô trùng, hoặc dùng dung dịch xà phòng diệt khuẩn không mùi, không chứa cồn. Đặc biệt lưu ý không dùng oxy già để làm sạch vùng tổn thương vì cồn và oxy già là những chất có tính tẩy rửa mạnh dễ làm tổn thương sâu và gây kích ứng cho da nhất là với da đang bị tổn thương. Lưu ý nên dùng bông tăm và khăn mềm để vệ sinh tai.
- Sau khi làm sạch cần để vùng tổn thương được khô ráo, không nên dùng các loại thuốc mỡ hay kem dưỡng có chứa kháng sinh ở ngay thời điểm viêm vì sẽ kéo dài thời gian viêm nhiễm.
- Vệ sinh tai thường xuyên đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ và những người có chuyên môn.
- Không chạm tay thường xuyên vào chỗ bị sưng tai sau bấm lỗ tai. Khi các vảy tiết hay tổn thương có đóng vảy không được tự ý cạy vảy vì có thể làm tổn thương bị nặng hơn.
- Trường hợp cần thiết phải dùng thuốc kháng sinh, hãy dùng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Ngoài ra bạn có thể giảm đau bằng cách chườm ấm qua lớp gạc.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, bất kể phương pháp làm đẹp nào cũng có 2 mặt ưu và nhược khác nhau. Vậy nên hãy cẩn trọng khi lựa chọn và thực hiện các cách thức làm đẹp khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất mà lại an toàn với sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.