Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý tiến triển một cách âm thầm gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và để lại những biến chứng không thể vãn hồi. Tuy nhiên các bài tập cho người suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể giúp người bệnh phần nào kiểm soát bệnh lý này. Hãy theo dõi bài viết sau đây để biết cách thực hiện nhé!
1. Giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?
Giãn tĩnh mạch chi dưới là một hiện tượng khi tĩnh mạch ngoại biên giãn ra và nổi rất rõ trên bề mặt da chân của bệnh nhân, một số tĩnh mạch nông nằm gần ở bề mặt da có thể sưng phồng lên, bản thân bệnh nhân có thể quan sát được các mạch máu màu tím đậm hoặc màu xanh trồi trên da. Ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh còn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ làm cho người bệnh tự ti khi giao tiếp.
Tình trạng giãn tĩnh mạch có khả năng xuất hiện ở rất nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như bìu ở nam giới (giãn tĩnh mạch thừng tinh), hậu môn (như bệnh trĩ), thực quản (giãn tĩnh mạch ở thực quản). Tuy nhiên, tình trạng giãn tĩnh mạch thường gặp nhất ở 2 giới chính là giãn tĩnh mạch chân.
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới là:
- Những người có thói quen đứng nhiều, ngồi nhiều, có lối ống tĩnh tại ít vận động: việc ngồi quá nhiều hoặc đứng quá nhiều trong thời gian thực hiện công việc khiến cho máu dồn nhiều xuống chân và gây nên tình trạng ứ đọng, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu trở về tim, dẫn đến giãn tĩnh mạch ở chân.
- Phụ nữ đang mang thai: Trong quá trình mang thai, cơ thể của người phụ nữ có rất nhiều sự thay đổi, trong đó có sự thay đổi đột ngột nội tiết tố và thai càng ngày càng to gây ra sự chèn ép các tĩnh mạch, làm cho các hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch chi dưới. Bệnh có thể không gây ra các triệu chứng khi đang mang thai, tuy nhiên sau khoảng vài năm bệnh mới khởi phát các triệu chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.
Giãn tĩnh mạch có một số triệu chứng tiêu biểu như sau:
- Cảm giác chân nặng nề và khó chịu, đau
- Bị sưng ở mắt cá chân và sưng chân
- Cảm giác chân nhói đau, nóng rát
- Tình trạng chuột rút, nhất là vào ban đêm
- Da ở phía trên vị trí tĩnh mạch bị giãn trở nên ngứa, khô và mỏng đi.
Các triệu chứng này sẽ rõ rệt hơn khi thời tiết ấm lên hoặc khi thực hiện công việc phải đứng lâu. Cách để cải thiện triệu chứng đơn giản nhất là nằm nghỉ ngơi, đi bộ hoặc nâng cao chân ở vị trí ngang bằng hoặc có thể cao hơn tim.
Sự suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính thường ít nguy hiểm nhưng sẽ mang lại cho người bệnh cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống. Tuy nhiên, sự hình thành của các cục máu đông trong lòng các tĩnh mạch là biến chứng của bệnh này có thể gây ra tình trạng tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu đến gây tắc mạch máu ở các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể, trong đó nguy hiểm nhất có thể gặp phải là tắc mạch phổi, dẫn đến tình trạng suy hô hấp và tử vong trên người bệnh. Vì vậy, việc duy trì những bài tập thể dục thường xuyên để giúp phòng ngừa bệnh suy tĩnh mạch chi dưới là rất quan trọng. Ngoài ra, khi thấy các biểu hiện bất thường ở chi dưới như có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, khuyến cáo bệnh nhân cần đi khám để có những chẩn đoán sớm về bệnh và có sự hỗ trợ kịp thời trong điều trị.
2. Bài tập cho suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Bài tập cho người suy giãn tĩnh mạch chi dưới được khuyến cáo, đó là:
- Đi bộ: Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có nên đi bộ không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Thực tế, đây là bài tập đơn giản và phù hợp với tất các các lứa tuổi. Sau khi đi bộ ngắn 20 đến 30 phút, các triệu chứng sẽ được cải thiện ở người bệnh có suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Có thể tăng thêm hiệu quả điều trị bằng cách dùng vớ giãn tĩnh mạch.
- Bơi lội: là bộ môn được khuyến khích tập luyện cho người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch, các chuyển động trong quá trình bơi sẽ giúp 2 chân người bệnh không phải chịu nhiều áp lực như các môn thể thao khác ở trên cạn, giúp giảm được áp lực lên tĩnh mạch chân và thúc đẩy tăng cường tuần hoàn máu.
- Đạp xe: Giống như bộ môn bơi lội, đạp xe đạp cũng giúp làm giảm áp lực cho đôi chân. Việc đạp xe chậm cho phép có sự vận động nhiều ở các vùng khớp của chân, đồng thời các hoạt động của chân cũng như nhịp hô hấp trong lúc đạp xe cũng tạo điều kiện cho máu về tim nhiều hơn, giúp người bệnh cải thiện được các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, một số bài tập cho suy tĩnh mạch chi dưới có thể thực hiện ngay trong nhà bạn có thể tham khảo như sau:
Các bài tập khi ngồi trên ghế:
- Nâng cẳng chân: Thực hiện luân phiên trong việc nâng chân trái, chân phải mỗi bên 10 lần, tiếp theo là nâng cả 2 chân cùng một lúc thêm 10 lần nữa.
- Nhón chân: thực hiện luân phiên giữa việc nhón chân trái, chân phải 10 lần. Tiếp theo nhón cả 2 chân cùng lúc thêm 10 lần nữa.
- Gập và uốn cong bàn chân: gập bàn chân trái hướng vào phía cơ thể, sau đó duỗi và uốn cong về phía trước, thực hiện 10 lần rồi làm tương tự với bàn chân bên phải.
- Xoay cổ chân: Bắt đầu với chân trái, xoay cổ chân bàn chân qua bên phải 5 lần, qua bên trái 5 lần. Sau đó thực hiện tương tự lặp lại với chân phải. Tiếp theo thực hiện xoay cổ chân cả 2 chân cùng 1 lúc, theo 2 hướng khác nhau và mỗi hướng 5 lần.
- Di chuyển 2 chân lên xuống: Chân trước bước lên để gót chạm đất và mũi của chân sau chạm đất, thực hiện động tác này 20 lần.
- Nâng chân lên và đạp ra xa: Đầu tiên cần nâng chân lên, gập bàn chân lại, nâng gối và sau đó duỗi thẳng chân, thực hiện luân phiên cho mỗi bên chân 10 lần.
Các bài tập khi đứng:
- Gập và uốn cong phần bàn chân: Gập bàn chân trái hướng vào phía cơ thể, sau đó duỗi và uốn cong về phía trước, thực hiện tương tự với bàn chân phải, mỗi bên 10 lần.
- Xoay cổ chân: Tiến hành xoay cổ chân của mỗi bên về phía bên phải 10 lần và bên trái 10 lần.
- Đi tại chỗ: bắt đầu nâng cao chân lên và đi tại chỗ với 20 bước.
- Ngồi xuống và đứng lên nhón chân: Đầu tiên người bệnh đứng với tư thế thẳng lưng, ngồi xuống trong khoảng 3 giây rồi đứng dậy, nhón chân và giữ nguyên tư thế này trong 3 giây, sau đó trở về với tư thế ban đầu, thực hiện động tác này khoảng 20 lần.
- Đi nhón chân: thực hiện di chuyển 20 bước với tư thế nhón cả 2 bàn chân.
- Đi bằng gót chân: thực hiện di chuyển 20 bước với tư thế dùng 2 gót chân.
Các bài tập ở tư thế nằm:
- Gập và uốn cong phần bàn chân: thực hiện bài tập mỗi bên 10 lần bằng cách gập bàn chân vào hướng cơ thể, sau đó duỗi và uốn cong về phía trước.
- Xoay cổ chân: tiến hành xoay bên trái 5 lần, bên phải 5 lần với mỗi bên chân, sau đó xoay cả 2 chân cùng một lúc theo 2 hướng khác nhau, mỗi hướng thực hiện 5 lần.
- Bắt chéo chân: nâng một chân lên rồi tiến hành bắt chéo qua chân kia đổi bên còn lại, thực hiện luân phiên mỗi chân 10 lần.
- Đạp xe đạp: nâng 2 chân lên và tiến hành thực hiện động tác như khi đạp xe đạp, thực hiện động tác này 20 lần.
Để việc tập luyện có hiệu quả trong việc dự phòng và hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, mỗi ngày người bệnh cần thực hiện tập luyện ít nhất 30 phút, nên bắt đầu thực hiện dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của bác sĩ vật lý trị liệu để thực hiện đúng cách và có thể đạt được một số hiệu quả bước đầu trong việc chữa trị.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.