Xét nghiệm bạch cầu trong nước tiểu là một loại xét nghiệm khá quen thuộc. Nhiều trường hợp chỉ số này cho kết quả dương tính. Xét nghiệm nước tiểu bạch cầu dương tính nghĩa là tỷ lệ bạch cầu cao hơn mức bình thường, cho thấy có bất ổn. Nguyên nhân gây ra vấn đề này bao gồm cả vấn đề bệnh lý và các vấn đề khác.
1. Xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu là gì?
Bạch cầu là một trong các loại tế bào máu, tồn tại cùng với tiểu cầu và hồng cầu. Bạch cầu hay còn gọi là các tế bào máu trắng là một phần trong hệ miễn dịch. Các bạch cầu có nhiệm vụ tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Chúng giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại bên ngoài và các căn bệnh truyền nhiễm. Những tế bào này được sản xuất và dự trữ ở rất nhiều nơi trong cơ thể bao gồm các tuyến ức, lá lách và tủy xương.
Sự xuất hiện thành phần bạch cầu trong nước tiểu được xem là bình thường khi nằm trong giới hạn cho phép. Xét nghiệm nước tiểu bạch cầu dương tính nghĩa là tỷ lệ bạch cầu cao hơn mức bình thường, cho thấy có bất ổn. Nguyên nhân gây ra vấn đề này bao gồm cả vấn đề bệnh lý và các vấn đề khác.
2. Các nguyên nhân làm xét nghiệm nước tiểu bạch cầu cao
- Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất hiện bạch cầu trong nước tiểu. Nhiễm trùng tiểu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên trong bàng quang đặc biệt khi đi tiểu hoặc trong khi quan hệ tình dục. Loại nhiễm khuẩn này có thể tăng sự hiện diện các tế bào bạch cầu trong nước tiểu, kèm đau rát khi đi tiểu.
- Phụ nữ thường có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu cao hơn nam giới do niệu đạo của nữ ngắn hơn. Nhiễm trùng tiểu có thể lan sang thận nếu không được điều trị đúng cách.
- Các khối u bàng quang, khối u thận hoặc sỏi thận có thể làm xuất hiện nhiều bạch cầu trong nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn thận còn được gọi là viêm thận có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Từ nhiễm khuẩn vùng tiết niệu thấp, vi khuẩn có thể lây lan lên niệu quản và vào thận. Tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận và nhiễm khuẩn thận làm hiện diện tế bào bạch cầu trong nước tiểu.
Nhiễm khuẩn thận có nguy cơ xảy ra cao hơn, nếu bạn bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản làm hạn chế hoặc tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu. Nước tiểu bị ứ trong bể thận dễ gây nhiễm trùng, các tế bào bạch cầu xâm nhập khu vực viêm và hiện diện trong nước tiểu. Người bệnh có thể bị đau ở khu vực thắt lưng cùng với đi tiểu nhiều. Cần phải đến khám bác sĩ để được can thiệp điều trị sớm.
- Các vấn đề về đông máu hoặc mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, máu và bạch cầu có thể xuất hiện trong nước tiểu. Bệnh ung thư thận, tuyến tiền liệt hoặc bàng quang có thể gây viêm hoặc tắc nghẽn đường tiểu, dẫn đến hiện diện bạch cầu trong nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn bàng quang dẫn đến kích thích niêm mạc của bàng quang, bạch cầu hiện diện để tiêu diệt vi khuẩn. Trong trường hợp nhiễm khuẩn bàng quang sẽ bị đau vùng bàng quang, đi tiểu đau và nóng rát, đi tiểu nhiều lần. Tình trạng này còn được gọi là viêm bàng quang và thường gặp ở trẻ vị thành niên, nhưng ở người trưởng thành bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ.
- Sỏi thận: Nước tiểu của bạn có lẫn nhiều bạch cầu hơn bình thường cũng có thể là dấu hiệu của bệnh sỏi thận.
- Tình trạng tắc nghẽn có thể gây ra do sỏi thận, khối u hoặc các vật chất bên ngoài khác có thể dẫn đến có bạch cầu trong nước tiểu.
- Phụ nữ mang thai thường có một mức độ bạch cầu trong máu cao hơn so với bình thường. Thai phụ thường gặp phải tình trạng này và điều này hoàn toàn không nguy hiểm trừ khi xuất hiện kèm những triệu chứng bất thường khác. Ngoài ra, nếu bạn mang thai và bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì bạn nên khám bác sĩ để điều trị sớm vì vấn đề này sẽ gây khó khăn cho quá trình mang thai của bạn.
- Nhịn tiểu: Một lý do điển hình cho thấy bạn tuyệt đối không nên nhịn tiểu là nhịn tiểu trong thời gian dài và thường xuyên sẽ làm suy yếu bàng quang, gây tiểu khó về sau.Nếu bàng quang chứa nước tiểu quá lâu, khả năng sẽ gây ra nhiễm trùng. Điều này sẽ làm tăng lượng bạch cầu trong nước tiểu.
Ngoài những nguyên nhân cơ bản nêu trên, còn có một số những nguyên nhân khác gây ra nước tiểu có lẫn bạch cầu:
- Do ảnh hưởng của một số thuốc giảm đau và chống đông máu;
- Làm việc hoặc tập thể dục quá sức.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu phát hiện các triệu chứng bất thường với nước tiểu của mình chẳng hạn như màu sắc, mùi hoặc cảm thấy khó chịu khi đi tiểu. Bạn không nên chần chừ vì vi khuẩn có thể bắt đầu nhân lên ở niệu đạo, lan đến bàng quang, thận và có thể dẫn đến biến chứng khác nguy hiểm hơn.
XEM THÊM: Vì sao xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu cao?
3. Điều trị như thế nào?
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng bạch cầu trong nước tiểu.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu lần đầu: Điều trị bằng kháng sinh ngắn hạn
- Nhiễm khuẩn đường tiểu tái phát: Có thể cần đến một đợt kháng sinh dài hơn và làm thêm các xét nghiệm để tìm các nguyên nhân gây tái phát nhiễm khuẩn. Ngoài thuốc kháng sinh, việc tăng cường uống nước có thể giúp hạn chế nhiễm khuẩn đường tiểu, viêm bàng quang.
- Bạch cầu dương tính do tắc nghẽn đường tiểu: Tắc nghẽn do khối u lành tính hoặc sỏi thận cỡ vừa và lớn: người bệnh có thể được can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu sỏi thận còn nhỏ, người bệnh nên dùng cách tăng lượng nước uống hàng ngày để giúp đẩy sỏi nhỏ ra khỏi hệ thống tiết niệu. Tắc nghẽn do khối u ác tính: các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Việc điều trị bạch cầu trong nước tiểu tăng cao cần phải đúng phác đồ, do đó người bệnh cần đến bệnh viện tiến hành các xét nghiệm cần thiết và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị vì có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.