Bà mẹ và trẻ nhỏ dễ bị thiếu kẽm

Kẽm là một chất vô cùng quan trọng trong cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ nhỏ. Đây cũng chính là 2 đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm khá lớn.

1. Vai trò của kẽm trong cơ thể

Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi lượng cần thiết. Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng miễn dịch, điều hoà vị giác, cảm giác ngon miệng.

Khi thiếu kẽm, khả năng phân chia tế bào sẽ chậm đi, ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung kẽm còn giúp cải thiện chiều cao đối với những trẻ thấp lùn hay là tăng cân nhanh ở trẻ suy dinh dưỡng.

Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, sốt rét... Ngoài ra tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, nó khiến bạn dễ nổi cáu.


Kẽm là một chất vô cùng quan trọng trong cơ thể con người
Kẽm là một chất vô cùng quan trọng trong cơ thể con người

2. Thiếu kẽm ở trẻ

Chế độ ăn hằng ngày của người Việt Nam hiện nay thường thiếu các loại thực phẩm giàu kẽm cũng như là chất lượng của bữa ăn kém, thiếu thức ăn có nguồn gốc động vật.

Đặc biệt đối với trẻ thường hay biếng ăn, thậm chí, khẩu phần ăn của trẻ không phong phú, cách chế biến thức ăn không hợp lý làm mất hàm lượng kẽm trong thức ăn.

Ngoài ra, trẻ cũng hay mắc các bệnh nhiễm trùng (ho, viêm đường hô hấp, tiêu chảy...) phải sử dụng nhiều kháng sinh dẫn tới hàm lượng kẽm trong cơ thể trẻ bị giảm...

Với tăng trưởng trẻ em, kẽm tham gia rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể bởi kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym khác nhau. Dù đây là vi chất quan trọng nhưng lại rất dễ bị thiếu hụt bởi các bà mẹ thường ít lưu ý đến vi chất này.

Ngoài ra, kẽm cũng liên quan đến vấn đề rối loạn giấc ngủ của trẻ, ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm dễ nổi cáu.

Một số dấu hiệu thường thấy của việc thiếu kẽm như:

  • Trẻ hay bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nôn trớ, rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, hay khóc về đêm.
  • Thiếu kẽm còn gây tổn thương các biểu hiện rụng tóc, thương tổn vùng da và mắt, chậm phát triển.

Các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh giúp hỗ trợ phòng chống thiếu kẽm bao gồm:

  • Tiêm chủng đúng lịch cho trẻ phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, bại liệt, viêm gan B, viêm não nhật bản B tại các cơ sở y tế.
  • Tẩy giun định kỳ cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, 6 tháng một lần.
  • Tập huấn và tăng cường kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ bệnh.
  • Theo dõi tăng trưởng và phát triển cho trẻ em.

Thiếu kẽm ở trẻ gây hiện tượng rụng tóc
Thiếu kẽm ở trẻ gây hiện tượng rụng tóc

3. Thiếu kẽm ở bà mẹ sau sinh

Hàm lượng kẽm trong sữa mẹ tương đối thấp nên mặc dù tỷ lệ hấp thu kẽm từ sữa mẹ khá cao (khoảng 60%) nhưng cũng chỉ đảm bảo được 10% -30% nhu cầu kẽm của trẻ.

Vì cơ thể không tự sản sinh được dưỡng chất quan trọng này cũng như không có nơi dự trữ kẽm nên điều quan trọng là cần ăn nhiều các thực phẩm giàu chất kẽm hằng ngày.

Các bà mẹ cho con bú cần bổ sung đầy đủ kẽm vì hầu hết các mẹ sẽ bị thiếu kẽm ngay trong quá trình mang thai.

Thiếu kẽm trong quá trình mang thai sẽ dẫn đến ốm nghén nặng, nôn mửa dữ dội, ăn mất ngon. Sau sinh, người mẹ thiếu kẽm khiến vết thương khó lành.

Do đó các bà mẹ cần bổ sung kẽm từ những loại thực phẩm nguồn gốc động vật như trai, ngao, sò, hàu; khá nhiều trong thịt nạc đỏ (heo, bò, cừu), sữa, trứng, ngũ cốc thô, hạt bí ngô, hạt điều và các loại đậu. Ngũ cốc qua sơ chế, gạo xát trắng, thịt mỡ chứa lượng kẽm vừa phải. Cá, rau củ, rau lá xanh và trái cây cũng chứa kẽm nhưng ít.

Các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe